Đưa con 3 tuổi đi khám chậm nói, chồng đổ tại vợ ít chăm con, vợ trách chồng cứ về là ôm ipad và cuối cùng cả hai cho là lỗi ở bà giúp việc “câm như hến”.
Một đứa trẻ không chỉ có các nhu cầu về thể chất mà còn nhiều đòi hỏi về tâm lý như phát triển cảm xúc, kỹ năng vận động và ngôn ngữ. Nếu thuê một người giúp việc chỉ biết trông trẻ, cho bé ăn, tắm rửa, dỗ bé ngủ… là chưa đủ, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả tai hại.
Chuyện một người giúp việc thiếu khả năng chơi hay trò chuyện với trẻ, sẵn sàng giao bé cho cái TV hay các bộ phim, DVD ca nhạc… để họ rảnh tay làm việc khác cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của trẻ. Nó sẽ để lại những hệ quả tai hại mà chỉ đến khi nào bé bộc lộ qua sự hạn chế về giao tiếp, rối loạn về vận động và đặc biệt là tình trạng chậm nói thì bố mẹ mới hay nhưng đã muộn.
Có trường hợp, bố mẹ đưa con đến 3 tuổi đến khám vì trẻ vẫn chưa biết nói nhưng lại rất hung hăng, dễ nổi cáu. Khi được hỏi, bố thì cho là tại mẹ – là diễn viên múa – đi công tác triền miên không chăm lo cho con, mẹ lại trách bố ở nhà nhưng cũng chẳng bao giờ chơi với con, chỉ biết ôm ipad, điện thoại… Cuối cùng, cả hai vợ chồng quay sang đổ lỗi cho người giúp việc chăm trẻ suốt ngày nhưng chả nói gì với bé.
Ảnh minh họa: News.auroraphotos. |
Chúng ta chắc chắn sẽ không kiếm ra một người giúp việc có trình độ như một giáo viên dạy trẻ với các chuyên môn tâm lý được đào tạo bài bản. Nhưng một người giúp việc tốt, phải là người được hướng dẫn để biết cách hạn chế các tác động không tốt với trẻ. Vì thế, nếu không tìm được người có kinh nghiệm qua trao đổi hay nhận biết trong cách ứng xử, thì chính phụ huynh phải đưa ra một số yêu cầu như:
– Khi cho trẻ ăn, cần có sự trò chuyện khích lệ trực tiếp trẻ, dù có thể mất thì giờ nhưng không bao giờ tập cho trẻ thói quen vừa ăn vừa xem TV cho dễ đút. Khi trẻ ăn chậm, nếu quá lâu có thể cất đi không tìm cách ép trẻ ăn cho hết dẫn đến tình trạng chán ăn.
– Khi chơi với trẻ, chủ yếu chỉ cần giữ cho trẻ không chơi với các công cụ có thể gây tai nạn như vật cứng, sắt, dễ vỡ hay chơi ở các nơi nguy hiểm như bếp, gần cầu thang, ban công, cửa sổ ngó ra ngoài… Không cần phải quá giới hạn các hoạt động của trẻ, ngăn cấm việc chơi đùa hay leo trèo vì điều đó có thể gây ức chế dẫn đến phản ứng tiêu cực của trẻ lẫn của người giúp việc.
– Khi tắm rửa, khuyến khích và hướng dẫn trẻ biết tự xối nước, tự lau… Người chăm sóc chỉ cần hỗ trợ thêm với một thái độ vui vẻ vì điều này sẽ khiến trẻ thích hợp tác trong việc làm sạch mình hơn.
– Khi cho trẻ ngủ nên hạn chế dùng máy điều hòa nếu trời không quá nóng hay quá lạnh, để cửa sổ thông thoáng nhưng gian phòng cần được tối và yên tĩnh. Không đắp nhiều chăn che phủ trẻ, không cho trẻ nằm gối quá mềm khiến đầu trẻ bị lún sâu, có thể gây ngạt thở.
Ngoài ra, cha mẹ cũng lưu ý đừng quát mắng người giúp việc trước mặt trẻ, hay sai bảo, bắt họ phải phục vụ quá mức. Trẻ có thể bắt chước và trở thành các “ông chủ con” có thái độ hách dịch với người giúp việc. Điều này có thể gây ức chế cho họ và khiến họ có thể phản ứng bằng cách không quan tâm hoặc thậm chí sử dụng bạo lực với trẻ khi vắng mặt bố mẹ.
Cho dù có giao cho người giúp việc chăm sóc trẻ, nhưng buổi chiều hay tối khi đi làm về, bố mẹ cũng cần quan tâm, chơi đùa, trò chuyện, ăn tối với con. Đừng giao hết việc chăm sóc con cho người khác. Điều này có thể khiến trẻ gắn bó thái quá với người giúp việc và khi họ vì một lý do nào đó mà nghỉ việc thì tạo ra sự khủng hoảng cho trẻ. Đồng thời, nó cũng vô tình tạo khoảng cách trong mối tương giao giữa cha mẹ và con cái, gây ra những khó khăn trong việc phát triển về tâm lý của các con.
Lê Khanh
Nguồn: vnexpress
Chưa có bình luận.