Đông trùng hạ thảo được đánh giá là dược liệu quý song không được dùng để chữa bách bệnh như đồn thổi.
Mới đây, thông tin được đăng tải trên tờ điện tử Sina.com (Trung Quốc) khẳng định, đông trùng hạ thảo chỉ là một “cú lừa thế kỷ” bởi công dụng của loại thuốc đắt đỏ này hầu như không có gì.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, đông trùng hạ thảo nằm trong danh mục thực phẩm chức năng, không phải một loại thuốc chữa bệnh.
Đông trùng hạ thảo. Ảnh: The Economist.
Bác sĩ Nguyễn Thị Liễu, trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, cho hay tác dụng của đông trùng hạ thảo chủ yếu được nói đến trong các tài liệu cổ. Dược liệu này có vị ngọt, tính ôn, vào 2 kinh phế và thận nên có tác dụng ích phế, thận, bổ tinh tủy. Chúng thích hợp với bệnh nhân hư lao, ho ra máu, liệt dương, lưng gối đau mỏi, di tinh chứ không phải thần dược chữa được bách bệnh như nhiều người ngộ nhận.
Còn lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội, cho hay tác dụng được biết đến nhiều nhất của đông trùng hạ thảo là chữa liệt dương, di tinh ở nam giới và tăng cường miễn dịch, tốt cho người có cơ thể suy nhược, bệnh nhân ung thư.
Nhìn chung, đâylà một dược liệu quý, dùng để tẩm bổ và hỗ trợ quá trình trị bệnh. Tuy nhiên, người dân nên cân đối để sử dụng, không nên đặt niềm tin thái quá.
Theo ông, để có cơ thể khỏe mạnh, chúng ta nên ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi và tập luyện hợp lý. Khi đó, mọi thực phẩm đều có thể trở thành dược liệu quý có tác dụng tương đương đông trùng hạ thảo.
Lương y cho biết, trong đông y, để chữa các chứng bệnh sẽ có các vị thuốc, thảo dược khác nhau. Với tác dụng tương đương đông trùng hạ thảo, người dân hoàn toàn có thể thay thể bằng hai vị thuốc dưới đây với chi phí thấp hơn rất nhiều.
Chim bồ câu
Theo lương y Vũ Quốc Trung, thịt chim bồ câu vị ngọt, tính bình, hơi ấm không độc. Chúng có tác dụng bổ ngũ tạng (tim, gan, tỳ, phế, thận), kiện tỳ vị, ích khí huyết, trừ khử phong giải độc.
Loại thực phẩm này cũng làm tăng kích thích ăn uống, khả năng tuần hoàn não, làm cho tinh thần sảng khoái, thể lực sung mãn, da dẻ mịn màng.
Do đó, người thận hư yếu, bị lao tổn, suy nhược cơ thể, phụ nữ huyết hư sinh hoa mắt, chóng mắt, ù tai, kinh nguyệt không đều, người gầy yếu, bắp tay – chân mềm yếu, trẻ em suy nhược kém ăn, còi xương, chậm lớn, hay ra mồ hôi trộm, bệnh nhân ung thư đều có thể dùng.
Cách dùng: chim bồ câu nấu cháo với hạt sen, cốm, đậu xanh, đậu đen, ăn thường xuyên với tần xuất 2-3 lần/tuần để đạt tác dụng tối đa.
Đặc biệt, với nam giới bị liệt dương, tinh trùng yếu, chim bồ câu là một vị thuốc quý và rẻ tiền.
Chim sẻ
Tương tự chim bồ câu, chim sẻ cũng có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng và chữa các chứng suy nhược “bản lĩnh đàn ông” ở nam giới.
Chuyên gia khuyến nghị, bệnh nhân có thể dùng một con chim bồ câu non, kết hợp 5 con chim sẻ, làm sạch lông, bỏ lòng ruột, sấy khô giòn tán thành bột mịn, dùng hàng ngày. Chúng có tác dụng không thua kém đông trùng hạ thảo.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Liễu, đông trùng hạ thảo còn gọi là trùng thảo, hạ thảo côn trùng vì vị thuốc này vào mùa đông là con sâu, mùa hạ lại hóa thành cây cỏ. Sở dĩ có chuyện biến hóa này vì đây là giống nấm mọc ký sinh trên sâu non của một loài thuộc họ cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau.
Vào mùa đông, con sâu non nằm dưới lòng đất. Nấm phát triển vào toàn thân sâu để hút chất làm cho nó chết. Đến mùa hạ, nấm sinh trưởng, mọc chồi khỏi mặt đất nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Để làm thuốc, người ta đào lấy tất cả xác sâu và nấm về dùng.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.