Thứ Hai, 18/04/2016 | 15:02

Điện giật có thể gây tổn thương bên ngoài với một đốm cháy đen nhỏ như đầu tăm, nhưng vài ngày sau nó sẽ hoại tử toàn bộ cánh tay, cẳng chân và có thể tử vong sau đó vài ngày.

Bỏng điện là bỏng nguy hiểm nhất

Theo bác sĩ Cao Xuân Phúc (Bệnh viện Quân y 103), khác với các loại bỏng khác như: bỏng lửa, bỏng nước sôi.. bỏng điện là loại bỏng nguy hiểm nhất. Nếu các loại bỏng khác thường gây ra bỏng từ ngoài vào trong, thì bỏng điện lại gây bỏng từ trong ra ngoài. Bỏng điện xảy ra khi chúng ta bị tiếp xúc với đường điện cao thế, bị điện giật, đứt dây điện, cột điện đổ và trong các trường hợp nhà xây sát đường điện. Đáng lo ngại khi hiện nay, có nhiều hộ gia đình xây nhà sống quá gần đường điện cao thế. Không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trường hợp anh L.V.M (26 tuổi, ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Anh lên ban công trên tầng 4 để phơi đồ. Ngay tại ban công nơi anh phơi quần áo là đường điện đi qua. Chẳng may chạm vào đường điện, anh bị giật và nga lăn ra đất. Nhập Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), anh được bác sĩ kết luận bỏng sâu 90% và ra đi sau đó một tuần do vết thương quá nặng.

Bác sĩ Phúc cho biết, điện giật là tai nạn lao động hoặc sinh hoạt rất thường gặp. Cấp cứu điện giật đúng cách và nhanh chóng sẽ đạt được hai tác dụng vô cùng quan trọng là cứu sống tính mạng bệnh nhân và giảm thiểu biến chứng gây ra.

Thông thường, điện giật sẽ dẫn đến hai thương tổn là bỏng và ảnh hưởng đến các mô bên trong. Bỏng gồm có bỏng nhiệt gây hoại tử và bỏng gây rối loạn các cơ quan trong cơ thể, xáo trộn sinh lý, dẫn đến nguy cơ suy hô hấp, suy tim, ngưng thở. Tùy từng mức độ, nạn nhân có thể ngất rồi tỉnh lại, cũng có thể ngất rồi sau đó ngưng tim, ngưng thở, nếu không sơ cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, điện giật còn gây cứng cơ dẫn đến gãy xương hoặc các cơ của cơ thể bị co giật mạnh, làm người bắn ra, nếu đang ở trên cao có thể bị rơi xuống gây chấn thương…

Bị điện giật: Dễ hoại tử

Ảnh minh họa

Dễ hoại tử, tử vong

Riêng về vết bỏng, bác sĩ Phúc cho biết, biểu hiện bên ngoài của bỏng điện không có các nốt phỏng nước hay các đám đỏ rát da như trong bỏng nước sôi, mà là các đốm da cháy đen tại vị trí đường điện đi qua. Một vài ngày sau, các đoạn cơ thể tiếp theo cứ lần lượt bị hoại tử và chết, đến đoạn nào mà dòng điện không còn tác dụng nữa thì thôi.

Vì thế, thường là trong những giờ đầu tiên, trông nạn nhân không nghiêm trọng nhưng càng về sau, bệnh biểu hiện ra càng rõ. Dòng điện càng cao, thời gian tiếp xúc càng lâu thì mức độ bệnh càng nguy hiểm. Có bệnh nhân phải tháo chân hay tháo tay do bỏng điện, nếu không sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc đe dọa tính mạng. Bỏng điện sẽ càng nguy hiểm hơn nếu vị trí dòng điện đi vào gần với não bộ và tim như đầu, ngực, tay trái.

“Không có tai nạn điện giật nặng hay nhẹ, đã bị điện giật đều nặng cả. Tổn thương bên ngoài có khi chỉ là một đốm cháy đen nhỏ như đầu tăm, nhưng vài ngày sau nó sẽ hoại tử toàn bộ cánh tay, cẳng chân và có thể tử vong sau đó vài ngày. Vì thế, tất cả các tai nạn điện giật có tổn thương xém thịt ở điểm dòng điện vào đều phải được chuyển thẳng lên Viện bỏng quốc gia xử lý mà không qua bất kỳ một bệnh viện trung gian nào”, bác sĩ Cao Xuân Phúc cho hay.

Những tai nạn điện giật thoáng qua chỉ gây tê ở vùng điện vào không có tổn thương cháy thịt có thể không cần đưa tới bệnh viện.

Kỹ năng xử lý khi gặp người bị điện giật

Bác sĩ Phúc khuyến cáo khi nhìn thấy người bị điện giật, bạn tuyệt đối không nên lao vào vồ hoặc ôm nạn nhân. Thay vào đó, bạn hãy thực hiện các thao tác sau đây, chậm nhưng khẩn trương, chuẩn xác nhưng không lề mề:

– Đi/đứng trên một trang bị có khả năng cách điện. Ví dụ: giép nhựa, ủng cao su. Nếu không có sẵn có thể đứng lên một phiến đá, một tảng đá, một chồng gạch, một khúc gỗ, miễn là cách điện và đủ dầy để không dẫn điện.

– Kiếm một thanh gỗ, củi, que nhựa, cán cuốc, cán xẻng gẩy bỏ dây điện ra khỏi người nạn nhân, càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không lại gần và không dùng tay nhấc dây điện ra.

– Tách dây điện ra khỏi hiện trường, bế xốc nạn nhân lên, ra khỏi vùng có dây điện, đặt nạn nhân xuống nền nhà, không có bất cứ thiết bị gì ngăn cách, mục đích truyền tải bớt lượng ion còn dư xuống mặt đất.

– Khẩn trương thực hiện kỹ thuật hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực. Hô hấp nhân tạo thổi vào miệng, bịt mũi nạn nhân lại. Ép tim ngoài lồng ngực thực hiện ép giữa ngực, phía gần đầu xương ức, ấn mạnh từ trên xuống. Ấn đủ mạnh để làm di chuyển thành ngực xuống dưới, nhưng không quá mạnh để tránh gãy xương. Cứ 3 nhịp ép tim thì có 1 nhịp hô hấp. Cấp cứu cho đến khi nào bệnh nhân tỉnh lại, ho sặc sụa, tự thở được mới dừng.

– Trong khi cấp cứu, cần hô hoán người giúp đỡ, gọi xe cấp cứu, chuyển thật nhanh bệnh nhân đến Viện bỏng quốc gia.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo tuyệt đối không tạt nước vào vết bỏng của nạn nhân bởi khi da dính nước sẽ có điện trở giảm đến 10-15 lần, khiến cho thương tổn nặng nề hơn. Ngoài ra, cần tránh áp dụng các biện pháp như cạo gió, xoa dầu, những điều này chỉ càng làm mất thời gian trong việc cấp cứu.

Thanh Thanh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook