Thứ Ba, 06/09/2016 | 14:46

1. ĐẠI CƯƠNG:

Mày đay là phản ứng mao mạch của da gây nên phù khu trú ở trung bì cấp hoặc mạn tính. Bệnh có cơ chế phức tạp, đa số là thông qua kháng thể IgE và ít gặp hơn là các cơ chế khác, trong đó vai trò của chất trung gian hóa học histamin là rất quan trọng.

Là bệnh da phổ biến, gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau, dễ nhận biết nhưng rất khó tìm được nguyên nhân chính xác.

Tần xuất: khoảng 15 – 20% dân số đã từng bị mày đay 1-2 lần trong đời.

Chủng tộc: Không có sự khác nhau giữa các chủng tộc

Giới: ở mày đay cấp, tỉ lệ mắc giữa nam và nữ là tương đương, nhưng ở mày đay mạn thì nữ gặp nhiều hơn (60%)

Tuổi: bệnh có thể xuất hiện ở bất kì lứa tuổi nào, tuy nhiên mày đay mạn thường gặp hơn ở lứa tuổi 40 và 50.

2. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG: 

– Thương tổn cơ bản: là sẩn phù xuất hiện nhanh, mất đi nhanh; sẩn có kích thước to nhỏ khác nhau, xuất hiện đột ngột bất kì vùng da nào. Sẩn hơi nổi cao trên mặt da, có thể hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn ở vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng đỏ thay đổi nhanh chóng.

– Phân bố: có thể khu trú hoặc lan rộng toàn thân.

– Ở vùng tổ chức lỏng lẻo như mi mắt, môi, sinh dục ngoài… các ban nổi đột ngột làm sưng to cả một vùng gọi là phù mạch hay phù Quincke. Nếu phù Quincke ở thanh quản sẽ gây khó thở nặng.

– Cơ năng: đa số trường hợp rất ngứa, càng gãi càng ngứa và nổi thêm nhiều sẩn khác, tuy nhiên có trường hợp chỉ là cảm giác châm chích hoặc rát bỏng.

– Mày đay cấp tính do thuốc tăng IgE là hình thái của sốc phản vệ. Bệnh thường xuất hiện độc lập, hoặc đi kèm với các biểu hiện khác như sốt cao, đau quặn bụng, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch… hay sốc phản vệ thực sự.

– Tiến triển: sau vài phút hoặc vài giờ thì các sẩn phù lặn mất, không để lại dấu vết gì trên da. Hay tái phát từng đợt.

3. PHÂN LOẠI

3.1. Mày đay thông thường: là các sẩn phù nổi bất kì vùng nào trên cơ thể. Phân loại phụ thuộc vào thời gian tồn tại của sẩn phù nhanh hay chậm. Người ta chia mày đay thông thường làm 2 loại: cấp và mạn tính

3.1.1 Mày đay cấp: là phản ứng dị ứng tức thì xảy ra trong vòng 24h, có thể kéo dài đến 6 tuần. Nguyên nhân có thể do cơ chế dị ứng hoặc không do cơ chế dị ứng

– Nguyên nhân do cơ chế dị ứng: dị nguyên thường là do thuốc (phần lớn là kháng sinh như penicilline, sulfamid), thực phẩm (sò, trứng, các loại hạt…), ong đốt và nhiễm trùng (ápxe răng, viêm gan).

+ Sinh bệnh là phản ứng miễn dịch, IgE sẽ kết hợp với cơ quan thụ cảm trên tế bào mast gây giải phóng histamin.

+ Loại này thường xác định được dị nguyên khoảng 40-60%.

+ Biểu hiện phần lớn là nhẹ, tuy nhiên có trường hợp là sốc phản vệ.

– Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mày đay lại không do cơ chế dị ứng: Histamin và các chất hóa học trung gian khác được giải phóng vào da do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể là lần đầu phơi nhiễm với các tác nhân đó. Các nguyên nhân mày đay cấp không do cơ chế dị ứng là:

+ Nhiễm trùng, bao gồm viêm xoang, nhiễm helicobacter (gây loét dạ dày), apxe răng, viêm gan virus, nhiễm mononuclosis và nấm candida ở miệng.

+ Bệnh huyết thanh do truyền máu, nhiễm virus hoặc do thuốc. Mày đay thường kèm theo sốt, sưng hạch, đau khớp và nôn.

+ Giải phóng hạt của tế bào mast do các thuốc, đặc biệt là morphin, codeine, các loại thuốc phiện khác, radiocontrast, aspirin và các thuốc chống viêm không steroide.

+ Phản ứng thực phẩm không do cơ chế dị ứng như salicylate trong các loại quả, các phẩm nhuộm màu thực phẩm có nitơ, chất bảo quản benzoate hay các phụ gia thực phẩm, hay giải phóng histamin do phân huỷ vi khuẩn.  Mặc dù cơ chế còn chưa rõ ràng, nhưng người ta cho rằng các hóa chất này có thể biến đổi tổng hợp acid arachidonic và prostaglandin.

3.1.2 Mày đay mạn: là mày đay tồn tại trên 6 tuần. Có thể xảy ra với bất cứ người nào, nhưng thường gặp nhất là phụ nữ trong độ tuổi từ 40 – 60. Mày đay mạn có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm, nhưng không gặp thường xuyên lắm.

– Nguyên nhân: ngoài các nguyên nhân giống mày đay cấp thì loại này thường liên quan đến bệnh tự miễn hoặc các tình trạng tự miễn như bệnh giáp trạng, bệnh tiêu chảy mỡ, bệnh tạo keo, ung thư, nhiễm kí sinh trùng …

– Khoảng 80-90% các trường hợp không xác định được nguyên nhân chính xác.

–  Kháng thể tuần hoàn tự phát (anti-idiotypic) sẽ hoạt hóa IgE kết hợp trên tế bào mast giải phóng ra chất trung gian.

– Thường gặp hơn là không có các chứng cứ về tự kháng thể, thường được gọi là mày đay tự phát mạn tính (chronic idiopathic urticaria).

3.1.3 Phù mạch tái phát không có mày đay:

– Thường do thiếu hụt C1 (do không có hoặc bất thường protein C1 INH)

– Có tính chất gia đình

– Cũng có thể do ức chế angiotensin converting enzyme (ACE) bởi các thuốc như captopril, quinapril, enalapril và một số thuốc khác dùng để điều trị bệnh tim mạch và cao huyết áp.

3.2 Mày đay do vật lý:

Mày đay được cho là do các yếu tố vật lý từ bên ngoài. Các sẩn phù có thể xuất hiện trong 5 phút và kéo dài trong 15-30 phút. Ở mốt số trường hợp có sự lẫn lộn giữa các loại mày đay. Nguyên nhân chưa rõ.

3.2.1 Dấu hiệu vẽ nổi (Dermographism):  Các thương tổn mày đay sẽ xuất hiện khi cào gãi hoặc đè nén do quần áo bó chẽn hoặc đè ép từ bên ngoài. Trong trường hợp này có thể thấy tam chứng Lewis.

3.2.3 Mày đay do lạnh: thường xuất hiện trên da khi trời lạnh, đặc biệt vào mùa đông. Các sẩn phù có thể lan tràn và gây mệt mỏi . Những người bị bệnh này không nên để hở da trên diện rộng khi ra lạnh và gió.

3.2.4 Mày đay do đè ép: gặp không  nhiều. Mày đay xuất hiện ngay sau khi bị đè ép trong vòng vài phút hoặc chậm hơn từ  4-6 giờ. Vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân, thân mình, mông, đùi và mặt. Thương tổn xuất hiện khi đứng, đi bộ, mặc quần áo bó thít hoặc ngồi trên bề mặt cứng.

– Căn nguyên: chưa rõ. Không thấy kháng nguyên. Người ta thấy có vai trò của tế bào mast giải phóng ra các chất trung gian và có tăng histamin trên thương tổn. Ngoài ra còn thấy các chất trung gian hóa học được giải phóng từ bạch cầu ái toan, có sự tăng bạch cầu ái toan, eosinophil catonic protein (ECP) và IL5, IL 6 ở mảnh sinh thiết, đặc biệt mày đay do đè ép có bọng nước

– Là mày đay mạn, thường xuất hiện ở người lao động chân tay. Nam nhiều hơn nữ. Tuổi bắt đầu từ 20-30.

– Thương tổn xuất hiện bắt kì vùng da nào, có thể kèm theo sốt, mệt mỏi, đôi khi rét run, đau đầu và đau khớp. Khoảng 60% trường hợp phối hợp với mày đay mạn và/chứng vẽ nổi hay và/phù mạch.

3.2.5 Mày đay do ánh sáng mặt trời: là bệnh da thuộc nhóm photodermatose,  hiếm gặp. Thương tổn là ngứa, khó chịu, dát đỏ và sẩn phù khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo ở bước sóng thích hợp.

– Căn nguyên: có thể là một phản ứng kháng nguyên-kháng thể. Bước sóng ánh sáng mặt trời có thể như là một kháng nguyên có trong huyết thanh hoặc huyết tương bệnh nhân. Có 2 típ: típI, IgE tăng nhậy cảm với kháng nguyên ánh sáng đặc hiệu chỉ trên bệnh nhân mày đay do ánh sáng mặt trời và típII: IgE tăng nhậy cảm với kháng nguyên ánh sáng không đặc hiệu ở cả người bị mày đay ánh sáng và người bình thường.

– Tỉ lệ khoảng 4% người trong nhóm photodermatose ở Mỹ, thường nữ gặp nhiều hơn. Tuổi rất thay đổi từ 10-70.

– Tiền sử có vai trò quan trọng để chẩn đoán mày đay do ánh sáng mặt trời.

– Tiền sử có vai trò quan trọng để chẩn đoán mày đay do ánh sáng mặt trời.

– Biểu hiện: bệnh nhân ngứa, nổi dát đỏ, sẩn phù sau thời gian ngắn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (<30 phút) và nhanh chóng biến mất khi hết phơi nhiễm. Vị trí hay gặp là mặt, mu tay. Có thể tổn thương cả niêm mạc (lưỡi và/môi). Kèm theo có đau đầu, nôn, buồn nôn

– Cần phân biệt với các bệnh da liên quan đến ánh sáng: polymorphous light eruption, lupus ban đỏ, viêm da tiếp xúc do ánh sáng, millia …

3.2.6 Mày đay do  nóng, do nước, phù mạch do vật lí và mày đay do đè ép chậm: ít gặp hơn.

3.3 Mày  đay do tiết cholinergic:

– Cũng là một loại mày đay do vật lí, thường do nóng gây tiết mồ hôi.

– Nguyên nhân: do tiết nhiều mồ hôi vì các  nguyên nhân khác nhau như rối loạn tâm lí, tập thể dục, phơi nhiễm ánh sáng mặt trời, thức ăn nóng, tắm nước nóng, xông hơi hoặc do trà xát trên da. Loại này được gọi mày đay do tiết axetylcholin.

– Tỉ lệ bệnh cao hơn ở những người có cơ địa dị ứng (hen, viêm mũi dị ứng và viêm da cơ địa).

– Bệnh gặp ở cả nam và nữ, dường như nam gặp nhiều hơn. Tuổi hay gặp từ 10-30

– Thương tổn xuất hiện sau một vài phút khi ra mồ hôi và kéo dài khoảng ½ giờ đến vài giờ hoặc hơn. Bắt đầu là các đốm sẩn phù, rất nhỏ 1-3mm, trường hợp nặng có hàng trăm nốt, xung quanh có quầng đỏ rộng, sau tập trung lại thành mảng lớn. Có thể kèm theo choáng, hen, phản ứng phản vệ thậm chí shock thật sự

– Thương tổn thường mất đi trong vòng 10-60 phút.

3.4  Mày đay do tiếp xúc: là do hấp thụ các chất qua da hoặc qua niêm mạc. Các chất này có thể có nguồn gốc dị ứng hoặc không dị ứng.

– Thương tổn xuất hiện tại nơi tiếp xúc hoặc lan rộng ra nơi khác.

– Kháng thể IgE trên tế bào mast chống lại các hóa chất có trong bột mì trắng, mỹ phẩm, vải hoặc các protein có trong cao su latex, nước bọt, thịt, cá, rau gây mày đay tiếp xúc. Mày đay không có cơ chế dị ứng như các phản ứng với một số loại cây cỏ  như cây tầm ma, súc vật (lông sâu bướm) hay thuốc.

PGS.TS Phạm Văn Hiển (Viện Da liễu Quốc gia)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook