Cô gái hơn 20 tuổi, lần đầu tiên ăn bún dọc mùng chỉ thấy ngứa ngứa ở miệng. Lần thứ 2, ngay sau khi ăn xong, cô lên cơn khó thở và tử vong trên đường đến bệnh viện.
Những cái chết bất thình lình
Trong một hội thảo về hồi sức cấp cứu và chống độc, các bác sĩ BV Bạch Mai cho biết, hiện số người bị sốc phản vệ ngày càng gia tăng.
Nếu được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể thoát chết
.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) kể lại trường hợp một bác sĩ nội trú không may qua đời vì sốc phản vệ. Người bác sĩ này bị lây bệnh lao từ bệnh nhân nên được chỉ định dùng thuốc lao, trong đó có tiêm Streptomycin.
Trước khi tiêm mũi Streptomycin đầu tiên bác sĩ xấu số này đã được test thử thuốc. Sau vài phút tiêm, vị bác sĩ này cũng không có biểu hiện gì. Nhân viên điều dưỡng liền đi tiêm cho các bệnh nhân khác. Chỉ vài phút sau, điều dưỡng quay lại thì vị bác sĩ này đã ngừng tim, cấp cứu không kịp.
Tình trạng sốc không phải chỉ xảy ra ở trong bệnh viện (sốc phản vệ với thuốc) mà theo GS Bình có rất nhiều tình huống sốc phản vệ ngoài cộng đồng, trong đó liên quan nhiều đến thức ăn hàng ngày.
Những trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây nên những cái chết tức tưởi cho người bệnh, cái chết không được báo trước. Thậm chí thường rơi vào những người đang khỏe mạnh bình thường.
“Có người dị ứng với trứng, cua… nhẹ nhàng nhất là đau bụng, đi ngoài nhưng thậm chí cũng có người chết luôn bởi cơ thể phản ứng quá mạnh với tác nhân dị ứng. Hay có người dị ứng, sốc, tử vong dù chỉ ăn một hạt lạc”, GS Bình cho biết.
Gần đây nhất, theo GS Bình, là trường hợp dị ứng dọc mùng rất xót xa. Cô gái hơn 20 tuổi này lần đầu tiên ăn bún dọc mùng chỉ thấy ngứa ngứa ở miệng. Lần thứ 2, ngay sau khi ăn xong, cô gái lên cơn khó thở, kông kịp nói với bà bán hàng câu nào. Thấy vậy, bà bán hàng vội nhờ xe ôm đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, do dị ứng gây co thắt đã khiến cô gái ngạt thở, ngừng tim trên đường đến bệnh viện. Khi vào viện, dù các bác sĩ cấp cứu có nhịp tim trở lại nhưng não đã nhũn.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốc phản vệ ngày càng tăng, GS Nguyễn Gia Bình cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân. Có thể là do gen, do sự biến đổi khí hậu, lúc nóng lại nóng quá, lúc lạnh lại lạnh quá… khiến cơ thể con người không kịp thích ứng”.
Một nguyên nhân khác theo GS Bình đó là con người đưa nhiều loại thuốc khác nhau vào cơ thể để chữa bệnh, kéo dài cuộc sống. Những loại thuốc này tồn tại lâu trong cơ thể con người, khi gặp môi trường thuận lợi có thể dẫn sốc phản vệ.
“Hoặc do con người lạm dụng mỹ phẩm quá nhiều. Ngay cả thực phẩm hiện nay nhiễm hóa chất, kháng sinh, phẩm màu, chất tăng trưởng… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người bệnh bị sốc phản vệ. Như một trường hợp mà tôi biết, một em bé sơ sinh mới chào đời được vài ngày, bà mẹ lấy khăn ướt để lau mặt cho bé. Kết quả, mặt bé bị sưng phù lên. Em bé đã bị sốc phản vệ do dị ứng với những chất được tẩm vào tờ khăn ướt kia”, GS Bình nhấn mạnh.
Cách nào phòng ngừa?
Theo GS Bình thì nếu bệnh nhân bị sốc phản phản vệ cấp cứu ngay, xử lý trong vòng 10 giây thì 80-90% có thể cứu sống Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cái chết tức tưởi đã xảy ra. Những cái chết đau đớn ấy đã thôi thúc giáo sư Bình cùng đồng nghiệp phổ biến phác đồ mới về cấp cứu sốc phản vệ.
GS Bình cho rằng phác đồ mới này khá đơn giản, dễ áp dụng cho mọi tuyến, bước đầu cho tỷ lệ thành công cao, không có biến chứng. Theo đó, loại thuốc quan trọng nhất khi cấp cứu sốc phản vệ là adrenalin.
“Adrenalin nằm trong danh mục thuốc độc bảng B nên thường chỉ bác sĩ mới được chỉ định để điều dưỡng tiêm loại thuốc này. Tuy nhiên việc này sẽ làm chậm trễ thời gian cứu bệnh nhân. Vì thế chúng tôi đã đưa ra phác đồ điều trị mới trình lên Bộ Y tế để sớm được ban hành.Với phác đồ mới tất cả nhân viên y tế đều được phép tiêm và chỉ cần tập huấn thời gian rất ngắn. Lý do vì người gần gũi với bệnh nhân nhất, có thể phát hiện sớm nhất dấu hiệu nguy hiểm chính là điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các phòng chiếu chụp”, GS Bình nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo phác đồ mới adrenalin được sử dụng liều thấp, dưới dạng tiêm bắp. Trong trường hợp chẳng may tiêm nhầm, thì GS Bình khẳng định cũng không sao, người bệnh có thể hơi hồi hộp, nhưng ngược lại không biết hoặc bỏ sót thì bệnh nhân có thể tử vong.
Để phòng tránh sốc phản vệ, GS. Bình khuyến cáo người dân nên có ý thức tự cứu mình trước. Cụ thể, người dân không nên lạm dụng mỹ phẩm, dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực hiện ăn sạch uống sạch, tìm cách bảo vệ mình trước sự thay đổi đột ngột của khí hậu, không ăn hoặc hạn chế ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nhộng, dọc mùng… và đặc biệt, nên tìm hiểu những kiến thức liên quan đến sốc phản vệ.
“Tiến hành nghiên cứu hơn 150 bệnh nhân được áp dụng phác đồ này cho kết quả khả quan, không có trường hợp nào tử vong. Gần 41% trường hợp hết phản ứng dị ứng, không xuất hiện nặng thành phản vệ. Hơn 59% bệnh nhân khỏi phản vệ.
Theo đó, bệnh nhân cần được cấp cứu sốc phản vệ ngay khi thấy dấu hiệu ở da hoặc niêm mạc kèm một trong các dấu hiệu đa dọa tim mạch như: phù lưỡi, họng, nuốt nuốt; khó thở nhanh, có tiếng rít mệt; mạch nhanh, yếu, da lạnh” – GS Nguyễn Gia Bình cho biết.
Theo N.Huyền/Báo Infonet
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.