Nói đến tẩm bổ, mỗi người đều biết tẩm bổ vào mùa lạnh. Thật ra, việc tẩm bổ không giới hạn theo mùa. Theo quan điểm cơ bản của Đông y, khi bị hư, tất phải bổ.
Khí hậu mùa hè viêm nhiệt, các hoạt động sự sống trỗi dậy, năng lượng và chất dinh dưỡng tiêu hao nhiều, bên cạnh cơ thể vã nhiều mồ hôi, chức năng tiêu hóa suy giảm.
Mồ hôi ra nhiều, làm cho phần nước và chất điện giải trong cơ thể mất mát nhiều
Càng cần tẩm bổ
Mùa hè, mồ hôi ra nhiều, làm cho phần nước và chất điện giải trong cơ thể mất mát nhiều, giảm dung lượng máu, độ quánh máu tăng cao, theo đó ảnh hưởng chức năng vận hành bình thường của tim mạch. Từ xưa, Đông y vốn có câu nói “máu, mồ hôi cùng nguồn”, vã nhiều mồ hôi tạo ra âm huyết, tân dịch trong cơ thể hư suy, xuất hiện các triệu chứng của âm huyết hư suy như: miệng khô lưỡi táo, đại tiện táo, tiểu ít, chóng mặt, hoa mắt…
Do huyết vi khí mẫu (huyết là mẹ khí), khí vi huyết soái (khí là chủ tướng của huyết), âm huyết hư suy tất gây ra khí hư. Mặt khác, do khí hậu viêm nhiệt, mạch máu giãn nở, lỗ chân lông giãn, vã nhiều mồ hôi không chỉ hao tổn tân dịch cơ thể, tất còn làm cho dương khí ngoại tiết. Vì thế, mùa nóng đặc biệt dễ mệt, nhất là sau khi vã mồ hôi, các biểu hiện của khí hư đều biểu hiện như: tay chân mất sức, tinh thần uể oải, tức ngực thở ngắn, hễ cử động thì vã mồ hôi, hồi hộp…
Do mùa hè khí hậu viêm nhiệt, tâm hỏa dễ thượng viêm. Đông y cho rằng hỏa vượng gây phiền để chỉ ra sự ảnh hưởng của thời tiết này đối với cơ thể. Cũng vì vã nhiều mồ hôi làm cho một số cơ năng thần kinh như sức tập trung, điều phối vận động, tốc độ phản xạ sẽ giảm xuống thấy rõ, thường xuyên xuất hiện các triệu chứng rối loạn thần kinh như ngủ không yên giấc về đêm, bối rối tâm phiền, choáng váng. Mùa hè ngày dài đêm ngắn, rất dễ làm đảo lộn đồng hồ sinh học trong cơ thể.
Ngày hè do thử nhiệt quá thịnh, hơn nữa thử nhiệt kèm thấp khí, rất dễ ảnh hưởng đến khí cơ của cơ thể lên xuống thấp thường, xuất hiện các vấn đề về cơ năng của tiêu hóa hấp thu. Thường gặp nhất là các chứng tiêu chảy hoặc táo bón, thậm chí sẽ xuất hiện nôn ói, đầy bụng… Ngày hè làm cho cơ thể tăng trao đổi chất, tiêu hao nhiều, tiêu hóa hấp thu của tỳ vị không theo kịp nhu cầu của cơ thể, một khi xảy ra rối loạn chức năng tỳ vị thì tình trạng càng tệ hơn.
Có người nói: “Tôi suốt ngày trong môi trường có máy lạnh, tại nhà có máy lạnh, chỗ làm có máy lạnh, kể cả ngồi trên xe cũng có máy lạnh, thời tiết nóng hơn cũng không ảnh hưởng đến tôi, thế nhưng, sao tôi cứ cảm thấy mỏi mệt?”. Thật ra, người ta đã hạ nhiệt từ đất, làm độ ẩm tăng cao, truyền nhiệt tăng nhanh, sẽ tổn hại và tiêu hao dương khí trong cơ thể, dẫn đến chức năng điều tiết thân nhiệt và miễn dịch bị rối loạn. Ngoài ra, do mùa hè ngày dài đêm ngắn, đã phá hủy quy luật làm việc và nghỉ ngơi của cơ thể, thời gian nghỉ ngơi giảm đi, trái lại tiêu hao tăng nhiều hơn so với các mùa khác, cho nên, ta cứ cảm thấy mỏi mệt hư nhược.
Đã có đủ lý do nói rằng, ngày hè cũng nên tẩm bổ, hơn nữa có thể nói rằng mùa hè càng nên tẩm bổ. Tất nhiên, phương pháp tẩm bổ mùa hè sẽ khác với mùa đông. Mùa đông tẩm bổ coi trọng cay ngọt trợ dương, ôn nhiệt tấn bổ; ngày hè tẩm bổ là chua ngọt hóa âm, dưỡng âm sinh tân, đồng thời chú trọng kiện tỳ thẩm thấp. Mùa lạnh thường dùng ôn bổ, mùa nóng lại thanh bổ mới ổn thỏa.
Những món ăn – bài thuốc
Có thể tận dụng liệu pháp ăn uống, thực bổ và dược bổ cùng đi chung, những bài nêu ra dưới đây:
Ba ba 1 con (khoảng 0,5 kg), mạch đông 20g, câu kỷ tử 20g, ngọc trúc 20g, rượu đế, gia vị vừa đủ. Ba ba giết mổ rửa sạch, sau khi trụng qua nước sôi thái lát nhỏ, thêm nước tiềm trong 1 giờ. Thêm mạch đông, câu kỷ tử, ngọc trúc và gia vị, rượu đế, dùng lửa nhỏ tiềm khoảng nửa giờ, đến khi thịt nhừ thì hoàn tất. Ba ba trong món ăn tư âm, thanh nhiệt hiệu quả tốt, được mệnh danh đứng đầu trong các thức ăn mang tính mát, rất bổ tinh huyết. Mạch đông, câu kỷ tử, ngọc trúc đều là những thứ tốt tư âm sinh tân (tạo thể dịch và nước). Không chỉ hiệu quả tư âm thanh bổ tốt, hơn nữa vị ngọt tươi ngon, không mang mùi thuốc, khẩu vị tốt, rất thích hợp cho người tẩm bổ mà sợ dùng thuốc.
Ba ba được mệnh danh đứng đầu trong các thức ăn mang tính mát, rất bổ tinh huyết
Nếu mùa nóng dễ mắc cảm, tinh thần uể oải, tiêu hóa kém dùng: hoàng kỳ 30g, thịt trâu 250g, củ mài (sơn dược) 250g, táo đỏ 30g, các gia vị như: rượu, muối… vừa đủ. Củ mài rửa sạch thái lát, táo đỏ rửa sạch để ráo. Thịt trâu sau khi rửa sạch trụng qua nước sôi, rửa sạch, sử dụng sau. Thịt trâu, hoàng kỳ cho vào nồi thêm nước, sau khi sôi chuyển lửa nhỏ nấu đến khi thịt chín, thêm táo đỏ, nấu khoảng 20 phút, lại thêm củ mài, nấu tiếp khoảng 15 phút, thêm gia vị thì hoàn tất. Hoàng kỳ bổ khí cố biểu hiệu quả rất tốt, nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh hoàng kỳ giúp tăng sức miễn dịch cơ thể để dự phòng mầm bệnh xâm nhập. Củ mài và táo đỏ cùng kiện tỳ ích vị mà trừ mỏi mệt. Thịt trâu giá trị dinh dưỡng rất cao, công hiệu bổ khí ngang với hoàng kỳ. Thường người ta cho rằng thịt trâu (bò) mang tính nóng, không thích hợp dùng trong mùa nóng. Tuy nhiên, thịt bò mang tính ấm, nhưng thịt trâu lại mang tính hơi mát, rất thích hợp dùng vào dịp hè. Cho nên, người bị khí hư vào ngày hè, có thể dùng món ăn này để tẩm bổ thường ngày.
Người hay mắc bệnh cảm ngày hè vì phế khí hư suy, chức năng phòng vệ suy giảm mà gây ra bệnh, có thể dùng món ăn để bổ ích phế khí, cường hóa chức năng phòng vệ: hoàng kỳ 300g, bạch truật 200g, phòng phong 100g. Tất cả vị thuốc tán mịn, trộn đều, mỗi lần dùng 6g, ngày 2 – 3 lần, uống với nước ấm. Dùng kiên trì sẽ thấy hiệu quả.
LY.DS. BÀNG CẨM
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.