Thông tin y học – Tuổi mãn kinh trung bình ở người phụ nữ là khoảng 50 tuổi, một số ít mãn kinh xảy ra sớm ở tuổi 42 và mãn kinh muộn ở tuổi 55.
Tuổi mãn kinh trung bình ở người phụ nữ là khoảng 50 tuổi, một số ít mãn kinh xảy ra sớm ở tuổi 42 và mãn kinh muộn ở tuổi 55. Trước khi mãn kinh thực sự, có khoảng 5 năm là giai đoạn chuyển tiếp, còn gọi giai đoạn tiền mãn kinh. Đây cũng là thời kỳ người phụ nữ dễ mắc nhiều loại bệnh khác ngoài các rối loạn kinh nguyệt, kinh kỳ đến sớm muộn không đều, lượng nhiều hoặc ít hơn trước đó hoặc đột ngột tắt kinh… Theo Đông y, hội chứng tiền mãn kinh là một bệnh nội thương chủ yếu do chức năng của tạng thận suy giảm, âm dương mất cân bằng sinh ra sự rối loạn chức năng các tạng phủ trong cơ thể.
Vị thuốc sinh địa, thục địa trong bài thuốc trị rối loạn tiền mãn kinh.
Để điều trị những rối loạn tiền mãn kinh, Đông y có nhiều cách, kết hợp dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp, dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền… Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc thường dùng tùy thể bệnh là thận âm hư, thận dương hư hay huyết ứ đàm trệ.
Thể thận âm hư: Gồm 3 chứng âm hư nội nhiệt, âm hư can vượng và tâm thận bất giao.
Chứng âm hư nội nhiệt:
Biểu hiện: Kinh nguyệt đến sớm, lượng ít hoặc trễ, ra nhiều hoặc tắt kinh đột ngột, đau đầu chóng mặt, hoa mắt, nóng bừng ra mồ hôi, miệng khô táo bón, lưng gối nhức mỏi, lưỡi đỏ rêu ít, mạch tế sác.
Bài thuốc: sinh địa, thục địa, đơn bì, phục linh, trạch tả, hoàng bá, tri mẫu, địa cốt bì mỗi vị 12g; sơn thù nhục 10g; sinh long cốt, sinh mẫu địa, qui bản (sắc trước) mỗi vị 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chứng âm hư can vượng:
Biểu hiện: Kinh nguyệt rối loạn, tính tình bứt rứt, nóng nảy, dễ cáu gắt, mắt khô, chóng mặt, đau đầu, ngực sườn đau tức, chân tay run, tê rần hoặc cảm giác kiến bò, lưỡi ria đỏ, mạch huyền sác.
Bài thuốc: sinh địa 16g, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, bạch linh, trạch tả, kỷ tử, hạ khô thảo mỗi vị 12g, cúc hoa, sài hồ (sao dấm), câu đằng mỗi vị 10g, bạch thược 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu mất ngủ gia táo nhân (sao) 20g, bá tử nhân 10g, dạ giao đằng 10g.
Chứng tâm thận bất giao:
Biểu hiện: Rối loạn kinh nguyệt người nóng ra mồ hôi, hồi hộp, hay quên, mất ngủ, ngủ hay mộng, tư tưởng không tập trung, hay buồn vô cớ, lưỡi thon đỏ ít rêu.
Bài thuốc: sinh địa, thục địa đơn bì, phục thần, bạch linh, bạch thược, mạch môn, thạch xương bồ mỗi vị 12g, ngũ vị tử, viễn trí, hoàng liên, cam thảo mỗi vị 4g, táo nhân (sao) 20g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể thận dương hư
Biểu hiện: Kinh nguyệt ra nhiều hoặc đến sớm, người mập, chân tay lạnh, mệt mỏi hoặc phù, tiểu trong, lưỡi trắng nhợt, rêu trắng mạch trầm nhược.
Bài thuốc: thục địa, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, bạch linh, trạch tả đều 12g; phụ tử (chế), quế nhục mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu mệt mỏi, kém ăn gia đẳng sâm, bạch truật mỗi vị 10g.
Nếu ngủ ít gia táo nhân (sao) 20g, bá tử nhân 10g.
Nếu chân phù gia xa tiền tử, trư linh, bạch mao căn đều 12g.
Nếu kinh nguyệt kéo dài, uống thêm tam thất bột 1-2g hoặc a giao 6g hòa cùng nước thuốc uống.
Thể huyết ứ đàm trệ
Biểu hiện: Phụ nữ sắp hết kinh người mập, lên cân, tinh thần mệt mỏi, bứt rứt, chân tay nặng nề hoặc tê dại, đầu nặng, ngực đau, hồi hộp mất ngủ, lưỡi bệu rêu dày, mạch trầm hoạt.
Bài thuốc: đương qui, sinh địa, đào nhân, sài hồ, xích thược, ngưu tất, bạch linh mỗi vị 12g; xuyên khung, hồng hoa, chỉ xác, sơn tra, trúc nhự, trần bì mỗi vị 10g; hoàng kỳ (sống) 30g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ngoài ra phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh cần chú ý chế độ ăn hạn chế mỡ, đường, ăn nhiều rau, các loại đậu. Nên ăn gạo lức, muối mè đen sẽ giúp phòng và ngăn chặn bệnh phát triển; năng vận động, tinh thần thoải mái, chống stress, lao động nghỉ ngơi hợp lý là những điều kiện quan trọng để giảm bệnh.
BS. Đỗ Minh Hiền
Chưa có bình luận.