Categories: Truyền nhiễm

Bệnh sởi: triệu chứng, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Bệnh sởi là căn bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người và đã có những thay đổi tính chất gây bệnh làm tử vong nhiều trẻ em trong năm 2014.

Bệnh sởi được phát hiện và mô tả từ cách đây 2000 năm. Nó được coi là bệnh truyền nhiễm từ giữa thế kỷ XIX. Lần đầu tiên vào năm 1954 các nhà khoa học đã phân lập được virus sởi.

Vaccine sống giảm hoạt có mặt trên thị trường từ năm 1963. Đây là bệnh được tổ chức y tế thế giới (WHO) rất quan tâm và đưa vào mục tiêu thanh toán toàn cầu đến năm 2010.

Một số đặc điểm dịch tễ học bệnh sởi

* Bệnh sởi phân bố toàn cầu:

Năm 2000 có khoảng 750.000 trẻ em trên thế giới tử vong do sởi, xếp thứ 5 trong các căn nguyên gây tử vong ở trẻ em và là căn nguyên gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh đã có vaccine dự phòng.

Bệnh sởi đã được thanh toán ở một số nước (Hoa kỳ, các nước Châu Mỹ, Châu Âu), còn lưu hành ở một số nước (Ấn độ, các nước Châu Phi, Đông Nam Á, …)

Đặc điểm Virus sởi: là một virus trong giống Morbillivirus, họ Paramyxoviridae, vỏ virus mang hemaglutinin và protein hòa màng; nhân chứa một sợi ARN. Virus sởi có 33 genotypes của virus sởi (có ý nghĩa dịch tễ học). Virus xâm nhập vào tế bào thông qua thụ cảm CD46 và CD150; nhân bản chủ yếu trong nguyên sinh chất của tế bào vật chủ.

Đường lây truyền

Là bệnh của con người, có khả năng lây truyền từ người bị bệnh sởi sang người lành qua đường hô hấp (giọt treo, giọt đặc);

Giai đoạn lây truyền: 1-2 ngày trước khi có triệu chứng, kéo dài đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, đây là bệnh có khả năng lây truyền cao, thường gây dịch.

Sinh bệnh học

Tất cả mọi người đều có tính cảm nhiễm với virus sởi.

Virus sởi xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp, lan truyền qua máu vào hệ liên võng nội mô và gây tổn thương ở các cơ quan và hệ thống: da, hô hấp, vv…

Virus sởi gây đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào, gây tổn thương viêm nội mạc mao mạch da, niêm mạc; viêm não do cơ chế miễn dịch

Virus sởi gây bệnh nặng ở trẻ suy giảm miễn dịch tế bào  (AIDS)

Biểu hiện lâm sàng bệnh sởi

Thời gian ủ bệnh: 10-14 ngày

Khởi phát bệnh: kéo dài 2-4 ngày

+ Sốt, mệt mỏi

+ Viêm long: ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, chảy nước mắt.

+ Dấu Koplik xuất hiện trước khi phát ban: các chấm trắng 1-2mm trên niêm mạc má, đối diện với các răng hàm, có viền đỏ. Là dấu đặc hiệu của sởi.

Giai đoạn phát ban (kéo dài 3-5 ngày)

+ Ban xuất hiện từ mặt, lan dần xuống thân và chi trong 2-3 ngày, có cả ở lòng bàn tay và bàn chân

+ Ban dạng dát sần, lúc đầu kích thước nhỏ, riêng rẽ, màu hồng-đỏ; sau trở nên lan tỏa, hòa lẫn nhau, thô hơn; có thể có xuất huyết.

+ Tình trạng bệnh nhân nặng: sốt cao liên tục, mệt mỏi

+ Các hạch ngoại vi to, lách có thể to

+ Có thể có tiêu chảy, buồn nôn, nôn

Giai đoạn khỏi bệnh:

+ Hết sốt

+ Ban hết dần theo trình tự phát ban (từ mặt xuống chân), để lại vết thâm, bong da dạng vẩy nhỏ màu trắng

+ Các biểu hiện toàn thân cải thiện dần

Biến chứng

Thường xuất hiện vào giai đoạn sau phát ban:

+ Hô hấp: viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm phổi (do virus sởi hoặc do bội nhiễm vi khuẩn)

+ Viêm não, viêm tủy: sốt, đau đầu, co giật, hôn mê, có thể xuất hiện nhiều tuần-tháng sau bệnh sởi; có thể gây tử vong hoặc di chứng thần kinh

+ Tiêu hóa: viêm dạ dày-ruột, viêm ruột thừa, viêm hạch mạc treo; viêm gan (tăng men gan đơn thuần)

+ Hiếm gặp: viêm cơ tim, viêm cầu thận, xuất huyết giảm tiểu cầu; cao hoạt động có thể xuất huyết sau sởi.

+ Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 10% ở trẻ suy dinh dưỡng, trẻ suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV)

Sởi không điển hình

Xuất hiện ở trẻ/ người có miễn dịch một phần với sởi (sau tiêm phòng vaccine sởi chết hoặc huyết thanh kháng sởi, có kháng thể từ mẹ)

– Ban xuất hiện từ chân tay, lan lên thân và mặt

– Dạng ban: mụn phỏng, xuất huyết

– Phù chân tay

– Thân nhiễm phổi, tràn dịch màng phổi

Một số dạng sởi đặc biệt

Sởi ở người suy giảm miễn dịch tế bào:

– Có thể không kèm phát ban

– Biến chứng nặng: viêm phổi tiên phát do sởi, viêm não; HIV tiến triển nhanh đến AIDS

Sởi ở người lớn:

– Biểu hiện nặng hơn: sốt cao, ban dầy hơn

– Hay gặp biến chứng đường hô hấp, bội nhiễm vi khuẩn

Sởi sau tiêm phòng vaccine sống không đầy đủ: thường nhẹ hơn.

Xét nghiệm ở bệnh nhân sởi

– Công thức máu: hạ bạch cầu, hạ bạch cầu lympho; tăng bạch cầu khi có bội nhiễm vi khuẩn.

– Viêm não: tăng protein và tế bào trong DNT

– Chẩn đoán:

Nhuộm huỳnh quang dịch tiết hô hấp xác định kháng nguyên virus sởi.

Phân lập virus sởi hoặc XN PCR xác định virus sởi dịch tiết hô hấp hoặc nước tiểu.

Kháng thể IgM: xuất hiện 1-2 ngày sau khi phát ban.

Chẩn đoán bệnh sởi

Dựa vào:

Yếu tố dịch tễ

Triệu chứng lâm sàng:

+ Sốt trước khi phát ban, tình trạng viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc

+ Dấu Koplik

+ Tính chất ban, tuần tự phát ban

Các xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu 

Điều trị bệnh sởi

Sởi thông thường: điều trị hỗ trợ

+ Hạ nhiệt

+ Bù dịch đường uống và đường truyền, nếu cần

+ Bổ sung Vitamin A: 50.000 IU cho trẻ > 1 tuổi; liều đơn trong 2 ngày liên tiếp

– Viêm não: chống phù não, điều trị hỗ trợ, corticoid

– Bội nhiễm vi khuẩn: kháng sinh.

Dự phòng bệnh sởi

– Tiêm chủng ngừa bằng vaccine sởi là lựa chọn số 1

Do giá thành thấp < 1 USD/liều, hiệu quả với tất cả các genotype virus sởi trên toàn thế giới, hiệu quả gây miễn dịch cao (> 95%) và với việc tiêm phòng 2 mũi sẽ tạo được miễn dịch bền vững.

*WHO đặt mục tiêu thanh toán sởi trên toàn thế giới vào năm 2010, bao gồm các biện pháp:

1. Tiêm phòng sởi cho tất cả các trẻ em trước 12 tháng tuổi;

2. Tiêm phòng sởi nhắc lại cho tất cả trẻ em từ 9 tháng đến 15 tuổi thông qua tiêm chủng thường quy hoặc tiêm chủng theo đợt (+ bổ sung vitamin A, cung cấp màn chống muỗi);

3. Thiết lập hệ thống giám sát hiệu quả và

4. Cải thiện việc điều trị sởi, bao gồm cả bổ sung vitamin A.

– Từ năm 2000 đến 2007, khoảng 3,6 triệu ca tử vong do sởi đã được ngăn chặn.

– Tỷ lệ tiêm phòng tăng từ 72% lên 82% trên toàn thế giới, có nơi > 92%

– Tuy nhiên, cho đến năm 2007, mỗi ngày vẫn có khoảng 540 trẻ tử vong vì sởi trên toàn thế giới.

Nhận xét về dịch sởi năm 2014

1. Dịch xảy ra ở quy mô nhỏ mang tính tản phát

2. Dịch có xu hướng lan nhanh ra nhiều tỉnh nhưng chủ yếu tại các khu tập trung đông dân, đô thị, giao lưu rộng, dân số biến động lớn, thay đổi nơi học tập, làm việc, cư trú; nguy cơ lây truyền tăng, đặc biệt vào các dịp lễ, tết.

3. Đa số ở nhóm tuổi người lớn (18-26 tuổi)

– Những người sinh ra từ 1985-1994 là khi Việt nam bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam – đã được tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi.

– Chưa có miễn dịch tự nhiên do nhiều năm không có dịch sởi.

Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai

adminyhoc

Recent Posts

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago

Căng thẳng và sức khỏe đường tiêu hóa có liên quan như thế nào?

Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…

1 week ago

Sức khỏe đường ruột, mức năng lượng tối ưu với chúng ta

Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…

1 week ago