Bệnh tả là bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính ở người gây ra do nhiễm Vibrrio cholerae (V.cholerae). Bệnh có khả năng gây dịch lớn, biểu hiện lâm sàng thay đổi từ những thể tiêu chảy nhẹ đến những thể tiêu chảy ồ ạt, nhanh chóng đưa đến tình trạng sốc do mất nước và điện giải nặng, có thể gây tử vong trong vài giờ nếu người bệnh không được điều trị khẩn cấp và kịp thời.
Nguồn bệnh là người mắc bệnh tả hay người lành mang mầm bệnh tả trong phân. Trong phân người bệnh ngay ở trong thời kỳ ủ bệnh đã có phảy khuẩn tả nhưng nhiều nhất là trong thời kỳ toàn phát khi có tiêu chảy và nôn. Người lành mang phảy khuẩn tả không có triệu chứng lâm sàng, người mắc bệnh đã khỏi nhưng trong phân còn chứa phảy khuẩn tả cũng là một nguồn lây.
Đường lây truyền của bệnh: Bệnh lây theo đường tiêu hoá. Nước là nguồn lây quan trọng trong dịch tả. Nước có thể bị nhiễm phảy khuẩn tả do chất thải của người bệnh (phân, chất nôn), giặt chăn màn, quần áo của người bệnh. Thức ăn cũng là nguyên nhân gây dịch khi bị ô nhiễm nguồn bệnh. Lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc với người bệnh, thiếu vệ sinh cá nhân, qua tay nhiễm bẩn.
Các yếu tố thuận lợi: Dịch tả dễ bùng phát và lan rộng tại những vùng dân cư có mức sinh hoạt thấp, điều kiện vệ sinh kém, môi trường sống bị ô nhiễm. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè.
Tác nhân gây bệnh tả
V.cholerae là trực khuẩn Gram âm, hình hơi cong như dấu phảy, di động nhanh nhờ lông ở 1 cực, không tạo nha bào. Nhóm huyết thanh O1 của V.cholerae hay gây bệnh nhất, có 2 týp huyết thanh cổ điển và Eltor. Ngoài ra V.cholerae O139 được phát hiện vào năm 1993 ở Ấn Độ và đã gây ra nhiều vụ dịch tả ở Bangladet, Campuchia trong những năm gần đây. Phảy khuẩn tả tiết ra độc tố đường ruột gây bệnh còn được gọi là choleragen.
Trong nước phảy khuẩn tả chỉ sống được trong 24 giờ nhưng trong nước sông hay bùn ở gần bờ có thể sống được vài tháng. Trong phân người phảy khuẩn tả có thể tồn tại được vài tuần nếu như khí hậu không quá nóng, không bị ánh nắng và phơi khô.
Triệu chứng lâm sàng bệnh tả
Ủ bệnh của bệnh từ 6 – 48 giờ và có thể kéo dài 5 ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới thời gian ủ bệnh 5 ngày. Đây là giai đoạn không có triệu chứng lâm sàng nhưng có tính chất dịch tễ giúp để kiểm dịch những người từ vùng dịch ra vùng khác
Bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng, đầy bụng và sôi bụng, không sốt, tiêu chảy lúc đầu có phân sau đó toàn nước và mệt lả nhanh chóng.
Giai đoạn toàn phát với các dấu hiệu lâm sàng tiêu chảy, nôn, mất nước và điện giải.
Tiêu chảy trong bệnh tả là tiêu chảy nhiều, liên tục, đi không tự kiềm chế được, số lần 20 – 50 lần hoặc không đếm được số lần, không mót rặn, không đau quặn.
Phân của bệnh nhân tả có đặc điểm: Toàn nước, có thể lờ lờ như nước vo gạo, trong đó có lợn cợn những vẩy màu trắng. Phân tả mùi tanh, không thối, không có nhầy máu, không có thức ăn.
Nôn dữ dội, không kìm được, liên tục, nôn có thể xuất hiện đồng thời hoặc sau tiêu chảy 1 – 2 lần. Nhưng cũng có trường hợp không nôn hoặc nôn trước khi tiêu chảy. Nôn lúc đầu ra thức ăn sau chỉ toàn nước trong hoặc vàng nhạt.
Chính do bệnh nhân tiêu chảy nhiều lần và nôn gây nên tình trạng mất nước và điện giải với các biểu hiện mặt hốc hác, lờ đờ, mắt trũng sâu, da khô nhăn nheo, ngón tay nhăn như bị ngâm nước lâu, chuột rút. Trong trường hợp nặng người bệnh có thể xuất hiện sốc, tiểu ít hay hạ nhiệt độ.
Nếu người bệnh được bồi phụ nước và điện giải sớm, nhanh chóng và thích hợp thì da, niêm mạc trở lại ấm áp, hồng hào, mạch chậm và đều rõ, thân nhiệt trở lại bình thường. Người bệnh đi tiểu trở lại. Nếu điều trị không đúng hoặc không được điều trị, tử vong có thể xảy ra đến 50% số trường hợp bệnh trong bệnh cảnh sốc mất nước, toan máu không hồi phục hoặc suy thận cấp
Bên cạnh thể điển hình bệnh tả có thể tối cấp, tả ở trẻ em hay phụ nữ có thai
Triệu chứng xét nghiệm bệnh
Xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh tả là xét nghiệm cấy phân, giúp cho chẩn đoán xác định chủng loại gây bệnh và làm xét nghiệm kháng thuốc.
Xét nghiệm phát hiện những biến đổi sinh học như tình trạng cô đặc máu: Số lượng hồng cầu, bạch cầu có thể tăng cao, Hematocrite tăng, protein máu tăng và tỷ trọng huyết tương tăng hay các rối loạn điện giả.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán bệnh tả dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc biệt là tiêu chảy và các cận lâm sàng nhất là cấy phân tìm phảy khuẩn tả giúp chẩn đoán xác định.
Điều trị bệnh tả
Trong bệnh tả bù nước điện giải đóng vai trò cực kỳ quan trọng bao gồm lượng nước mất trước khi đến bệnh viện và lượng nước mất trong thời gian điều trị, cần phải bù thật sớm, nhanh chóng, đầy đủ với sự theo dõi liên tục, chặt chẽ. Trước khi bù nước và điện giải các thầy thuốc cần phải đánh giá mức độ mất nước của người bệnh, chia làm 3 mức độ mất nước là độ I, II và III.
Các loại dung dịch bồi phụ nước và điện giải có thể sử dụng đường uống, tốt nhất là sử dụng dung dịch oresol hoặc các dung dịch tự chế như nước cháo muối, cháo đường hay các dung dịch tự pha thích hợp. Truyền tĩnh mạch cũng được thực hiện khi bù bằng đường uống không hiệu quả và người bệnh đi vào bệnh cảnh sốc. Các dung dịch có thể sử dụng để truyền tĩnh mạch là dung dịch natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%, ringer lactate hoặc glucose 5%. Tốt nhất là dung dịch ringer lactat. Trong quá trình điều trị mà người bệnh vẫn tiếp tục tiêu chảy, nôn thì phải đo lượng dịch mất đi do tiêu chảy và nôn. Nếu lượng dịch mất đi ít thì uống oresol, nếu tiêu chảy nhiều và nặng thì phải truyền dịch với tốc độ chậm hơn so với cấp cứu ban đầu.
Điều trị kháng sinh trong bệnh tả làm rút ngắn thời gian bệnh, giảm số lần tiêu chảy và làm sạch phảy khuẩn tả trong phân. Các thuốc có thể được lựa chọn tuỳ theo mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh như nhóm fluoroquinolon (ciprofloxacin, ofloxacin hoặc pefloxacin), azithromycin, tetracyclin, chloramphenicol, co-trimoxazol.
Thuốc không được dùng trong bệnh tả như thuốc cầm ỉa opizoic sẽ giữ phảy khuẩn tả lâu trong lòng ruột hay không dùng thuốc co mạch, không dùng corticoid
Chế độ ăn: Bệnh nhân cần phải duy trì dinh dưỡng trong thời gian tiêu chảy đặc biệt với trẻ em như ăn cháo loãng hay thịt nạc. Nếu trẻ còn bú mẹ cần tiếp tục cho trẻ bú bình thường
Các biện pháp phòng bệnh
Bệnh tả lây theo đường tiêu hoá cần thực hiện các bệnh pháp sau:
– Cải thiện vệ sinh môi trường. Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt vì nhiễm bẩn nguồn nước làm bệnh tả lan truyền nhanh chóng. Cần loại trừ những nguyên nhân làm nhiễm bẩn nguồn nước.
– Cần kiểm tra thực phẩm, nguồn cung cấp thức ăn, nhất là các loại thức ăn sống, các cửa hàng ăn, giải khát, nơi bán thực phẩm.
– Công tác tuyên truyền giáo dục vệ sinh trong nhân dân. Vận động nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, diệt ruồi, dán, không phóng uế bừa bãi ra sông, ngòi, ao, hồ. Không dùng phân tươi để tưới rau và bón cây, xây dựng hố xí hợp vệ sinh.
CNTTCBTG – BV Bạch Mai
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…