Categories: Sức khoẻ

Bệnh hô hấp… vào mùa!

BS Nguyễn Hoàng Phong – Trưởng khoa Hô hấp (BV Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết, trung bình mỗi ngày ít nhất có 50 đến 60 trẻ nhập viện tại Khoa Hô hấp của BV để khám và điều trị với các triệu chứng về bệnh hô hấp.

Hành lang Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 TP.HCM đang trong thời điểm quá tải (ảnh chụp ngày 7-10)

Thời tiết thay đổi thất thường, khí hậu ẩm ướt gây ra nhiều căn bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ do sức đề kháng yếu.

Đường hô hấp có nhiều sự cố

Theo BS Nguyễn Hoàng Phong, thời tiết giao mùa thay đổi thất thường, là điều kiện rất có lợi cho vi khuẩn sinh sôi và truyền bệnh. Trong lúc đó cơ thể trẻ em có sức đề kháng yếu nên dễ bị bệnh về hô hấp nếu người lớn thiếu quan tâm. Mặt khác nhiễm khuẩn đường hô hấp là nhóm bệnh rất phổ biến hầu như ai cũng bị ít nhất một lần ở trong đời. Không chỉ chiếm tỷ lệ nhiều mà nhiễm khuẩn đường hô hấp hay tái phát tần suất tái phát cao và càng nhỏ tuổi thì tần suất tái phát càng nhiều.

Những ngày gần đây, chị Tình ngụ ở đường Bình Phú, Q.6 thật sự lo lắng vì thấy đứa con trai 3 tuổi có triệu chứng sổ mũi, hắt hơi liên tục. Nước mũi có khi trong suốt rồi sau đó chuyển sang vàng đục. Khám tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM các BS chẩn đoán cháu bé bị viêm xoang cấp nên phải nhập viện nội trú trong 1 tuần. Tại BV Nhi đồng 1, do lượng bệnh nhi tăng nên con của chị Tình phải nằm chung giường với một bệnh nhi khác cũng bị bệnh về đường hô hấp. Theo lời kể của chị, không chỉ riêng 2 mẹ con mà một số cháu khác cũng phải nằm chung giường vì số lượng bệnh nhi nhập viện tăng. Tuy chưa khỏi hẳn nhưng thấy chỗ ăn chỗ ở trong BV quá bất tiện, chị Tình xin BS chuyển sang chế độ ngoại trú để tiếp tục chữa bệnh cho cháu. Đó cũng là trường hợp cháu bé 4 tuổi của vợ chồng anh Hùng ở đường Tây Hòa, Q.9 sau thời gian điều trị bệnh viêm phổi ở BV Nhi đồng 1 phải chuyển về BV Thủ Đức để chữa bệnh tiếp. Chị Tình than: “BV 2 cháu 1 giường, trong lúc mỗi đứa con phải có 2 vợ chồng thay nhau chăm sóc nên muốn nghỉ ngơi phải trải chiếu ra hành lang nằm hoặc đi chỗ khác. Nuôi bệnh cả ngày chỉ nghe tiếng trẻ con khóc cũng đủ mệt. Không chỉ nằm mà đi tới đi lui cũng đụng nhau vì chỉ có một chỗ để thay nhau chăm bé”.

BS Đinh Anh Tuấn – Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 TP.HCM phản ánh, các cháu ở Khoa Hô hấp lúc nào cũng quá tải đặc biệt vào thời điểm thời tiết giao mùa lại quá tải hơn. Số lượng trẻ đông gấp đôi, gấp ba số giường bệnh trong khoa thì tình trạng quá tải là không thể tránh khỏi và thường tiên lượng được.

Theo báo cáo của BV Nhi đồng 2 TP.HCM, thời điểm này các bệnh về đường hô hấp có chiều hướng bùng phát nên số trẻ nhập viện tăng hơn so với trước đây. Tại Khoa Khám bệnh của BV ngày nào cũng rất đông phụ huynh ẵm con đến để xếp hàng khám bệnh viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, amidan… Những ca nào nhẹ thì được điều trị ngoại trú còn ca nặng thì cho nhập viện điều trị nội trú.

Chăm sóc trẻ có kiến thức

BS Nguyễn Hoàng Phong – Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 TP.HCM trao đổi, mỗi ngày khoa tiếp nhận ít nhất từ 50 đến 60 trẻ điều trị bệnh hô hấp. Trong thực tế, số trẻ xuất viện bao giờ cũng thấp hơn nên chuyện quá tải ở trong khoa là tình trạng xảy ra thường xuyên. Theo BS Hoàng Phong, hiện nay trong khoa chỉ có 217 giường bệnh trong lúc con số bệnh nhân thấp nhất là 280 cháu trở lên. Vì thế có giường trẻ phải ghép nằm chung mới đủ chỗ. Mỗi khi bệnh nhân nội trú quá tải khoa lại chuyển bàn khám ra ngoài hành lang và xếp thêm ghế mới đủ chỗ cho bệnh nhân và người nhà đứng chờ. Cũng vì giường nội trú chật chội nên nhiều gia đình đã thuê mướn thêm võng, nôi, chiếu trải ra hành lang nằm cho thoáng và đỡ chật chội. Nhiều người ẵm con đi lang thang xuống khoa khác và ra khuôn viên BV ngồi hóng mát cũng là cách khắc phục sự nhồi nhét tạm thời. Một số người chưa kịp xuất viện đã có người đăng ký chỗ để nằm dù có khi chỉ là một góc nhỏ ngoài hành lang chật chội.

PGS.TS Trần Công Hòa – nguyên Trưởng khoa Thanh học (BV Tai Mũi Họng Trung ương) khuyến cáo, bệnh về đường hô hấp thời gian gần đây có xu hướng tăng nhất là với trẻ nhỏ. Hàng ngày mũi họng tiếp xúc với môi trường nhưng môi trường đang bị ô nhiễm nặng nên ảnh hưởng rất rõ đến sức khỏe. Trẻ em ngày càng được nuôi dưỡng kỹ sống trong môi trường kín nên dễ bị viêm đường hô hấp mỗi khi đi ra ngoài. Lạm dụng dùng máy lạnh, các loại quạt cũng dễ bị bệnh đường hô hấp. Trẻ bị bệnh đồng loạt là do vào mùa cao điểm, ngoài bệnh nhân mới bị còn có số bệnh nhân tái phát nhiều lần. Một số trẻ lạm dụng nhiều kháng sinh nên bị kháng thuốc cũng là nguyên nhân việc chữa trị tốn nhiều thời gian vì phải kéo dài. Ngoài ra, một số phụ huynh thiếu hiểu biết về cách nuôi dưỡng và chăm sóc con khi thời tiết giao mùa cũng làm cho bệnh viêm nhiễm đường hô hấp có cơ hội quay trở lại dù trước đó đã được điều trị ổn định.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn: Giáo dục Online

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago