Bà Nguyễn Thị H. trú tại thành phố Yên Bái đến khám với các ngón tay sưng húp, phù nề, da tay bị xuất huyết tím bầm và có dấu hiệu của suy tuyến thượng thận. Nguyên nhân là do bà đã được giới thiệu mua thuốc từ nước ngoài gửi về.
Bà H. kể cách đây nửa năm bà bị đau khớp, đi khám bác sĩ cho biết bà bị viêm đa khớp. Bác sĩ kê đơn thuốc uống 1 tháng hẹn khám lại để tiến hành điều trị có thể chuyển thuốc.
Về nhà, uống hết thuốc bà H. thấy đỡ hơn nên không đi khám lại. Được người quen giới thiệu, bà H. mua thuốc đã được bào chế dạng viên hoàn về uống. Thuốc được quảng cáo là của nước ngoài, rất hiệu nghiệm trong điều trị các bệnh viêm khớp.
Sau khi uống thuốc một thời gian, bà H, thấy béo hơn, mặt tròn do tích nước, bụng to hơn nhưng chân tay teo tóp, người mệt và xuất hiện những xuất huyết dưới da. Bà H. đi khám da liễu bác sĩ nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc khớp bà đang uống. Bà H. đi làm thêm các xét nghiệm. Kết quả khiến bà ngỡ ngàng vì hàng chục thứ bệnh mới được chẩn đoán thêm, nào là tăng mỡ máu, hội chứng cushing, tiểu đường và suy tuyến thượng thận.
Hay như trường hợp của ông Trần Văn C. trú tại Quỳnh Phụ, Thái Bình, bị đau khớp lưng. Ông đi khám bác sĩ bảo thoái hoá khớp, viêm xương chày. Ông về nhà uống thuốc. Sau khi hết thuốc bệnh lại đau nên ông C. đến nhà một ông bác sĩ khác tiêm.
Sau khi tiêm 5 mũi có hiệu quả nhưng chỉ được hai tuần sau bệnh lại tái phát. Ông C. bị phụ thuộc vào thuốc hoàn toàn. 3 tháng nay cứ đều đặn tiêm 1 tuần, nghỉ một tuần. Ngoài ra bác sĩ kê thêm thuốc uống.
Đến khi ông bị ói ra máu phải đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết nguyên nhân là do người bệnh có một thời gian dài sử dụng loại thuốc có chứa Corticoid. Lệ thuộc thuốc dạng này, gọi là bị hội chứng Cushing. Bác sĩ phải vừa điều trị bệnh vừa “cai thuốc” cho người bệnh. Hiện tại, người bệnh đã tạm ổn và an tâm điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường, Phòng khám Nội tiết ngõ 133 Thái Hà, Hà Nội tâm sự hầu như ngày nào anh cũng gặp bệnh nhân là nạn nhân của thuốc có chứa corticoid. Điều này đã trở thành vấn nạn hiện nay. Bác sĩ Cường cho biết nhất là ở các vùng quê, corticoid được sử dụng rộng rãi và hầu như bất cứ ai ở quê đều sử dụng thuốc chứa chất này vì nó rất nhanh “khỏi bệnh” và lại rẻ. Đây được xem là sát thủ thầm lặng vì nó như viên đạn bọc đường.
Khi sử dụng thuốc này, người bệnh cảm nhận bệnh khỏi nhanh nhưng phải lệ thuộc vào thuốc. Điều đáng lo nhất là với việc kê đơn thuốc hiện nay của bác sĩ cũng thực sự đáng báo động. Nếu bác sĩ “không có tâm” kê đơn thuốc có chứa corticoid với những bệnh nhân bị tiểu đường, gout thì khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn sau những liều thuốc “thần tiên” đó.
BS CKI Cao Thanh Ngọc, Phòng khám Dị ứng Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân là nạn nhân của corticoid, nhất là những loại thuốc có tên là “Miên”. Đặc trưng của bệnh nhân sử dụng corticoid là sau một giai đoạn dùng thuốc, các bệnh nhân này đều có chung đặc điểm là đi tiểu nhiều, mặt tròn và nặng, râu ria, tóc mọc rất nhanh, nhiều, chân tay teo lại… Có những phụ nữ còn râu ria mọc lởm chởm, tay, chân đầy lông.
Nói về mức độ nguy hiểm khi sử dụng corticoid, bác sĩ Cường cho biết, các loại thuốc chứa chất này thường có tác dụng rất nhanh, tuy nhiên nếu dùng kéo dài và không đúng chỉ định của bác sĩ thì sẽ rất nguy hiểm.
Theo đó, sử dụng corticoid nhẹ thì người bệnh bị phù thũng, tăng cân, nổi mẩn…Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể bị suy thượng thận, hạ canxi trong máu, loãng xương, ảnh hưởng dạ dày, tá tràng, thậm chí có thể tử vong.
Theo Phương Thúy/ Báo Infonet
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…