Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố trong máu ngoại vi dưới 13g/dl ở nam giới và nhỏ hơn 12g/dl ở nữ giới. Theo tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ thiếu máu ở người cao tuổi dao động trong khoảng 8-30% và tăng dần theo tuổi. Kết quả nghiên cứu từ nhiều quốc gia cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở nhóm tuổi 60-69 khoảng 8-15%, tăng lên 15-25% ở nhóm tuổi trên 69. Ở tuổi dưới 75, nữ giới có tỷ lệ thiếu máu cao hơn so với nam giới, nhưng ở nhóm tuổi trên 75, tỷ lệ ở nam giới lại cao hơn.
Nguyên nhân thiếu máu ở người cao tuổi
Hai nhóm nguyên nhân chủ yếu gây ra thiếu máu ở người lớn tuổi là mất máu/thiếu dinh dưỡng (thiếu sắt, axit folic và vitamin B12 đơn thuần hoặc phối hợp) hoặc do các bệnh mạn tính như suy thận, nhiễm trùng mạn tính, các bệnh máu, ung thư. Ngoài ra, khoảng 1/3 các trường hợp thiếu máu ở người cao tuổi không tìm thấy nguyên nhân và 30-50% các trường hợp do phối hợp nhiều nguyên nhân.
Biểu hiện khi người cao tuổi bị thiếu máu
Thiếu máu ở người lớn tuổi rất dễ bị bỏ sót do các biểu hiện lâm sàng thường mờ nhạt và tiến triển tương đối chậm, thậm chí không có triệu chứng nếu thiếu máu nhẹ. Đặc điểm tâm sinh lý ở người lớn tuổi ít vận động cũng giúp cho người bệnh thích nghi tốt hơn với tình trạng thiếu máu và phần nào che lấp các biểu hiện lâm sàng của thiếu máu. Các triệu chứng cơ năng điển hình của thiếu máu như mệt mỏi, suy nhược, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, trống ngực đập ở người lớn tuổi thường kín đáo, không đặc hiệu và hay bị nhầm lẫn là biểu hiện của sự lão hóa hoặc của các bệnh lý mạn tính thường gặp ở người cao tuổi như rối loạn tiền đình, ung thư… Da xanh, niêm mạc nhợt, nhịp tim nhanh, thở nhanh là những triệu chứng thực thể thường gặp và có giá trị để phát hiện thiếu máu ở người lớn tuổi. Sự xuất hiện của các dấu hiệu này thường là lý do khiến thầy thuốc phải tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán thiếu máu. Có đến 90% các trường hợp thiếu máu ở người lớn tuổi là thiếu hồng cầu bình thường và ở mức độ nhẹ (nồng độ huyết sắc tố 10-12g/dl). Bên cạnh các triệu chứng của thiếu máu, người bệnh có thể có biểu hiện của các bệnh lý là nguyên nhân gây ra thiếu máu (như viêm loét dạ dày, thiếu máu tan máu, suy thận…) hoặc các hậu quả của thiếu máu (suy tim, ngất, bệnh mạch vành…). Để khẳng định chẩn đoán và xác định nguyên nhân của thiếu máu, các xét nghiệm cần làm đầu tiên là công thức máu ngoại vi, chỉ số hồng cầu và tỷ lệ hồng cầu lưới trong máu ngoại vi.
Thiếu máu nặng và kéo dài có thể gây cơn thiếu máu não thoáng qua dễ dẫn đến đột quỵ não (trái) và thiếu máu dẫn đến các bệnh lý mạn tính thường gặp ở người cao tuổi như rối loạn tiền đình, mệt mỏi, nhịp tim nhanh (phải).
Ảnh hưởng của thiếu máu đối với sức khỏe người cao tuổi
Thiếu máu ở người lớn tuổi dù ở mức độ nhẹ cũng có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ tử vong do tất cả những nguyên nhân ở những người lớn tuổi có thiếu máu cao hơn 1,6 – 2,3 lần so với những người không có thiếu máu.
Ảnh hưởng của thiếu máu với hoạt động của các hệ cơ quan: Thiếu máu gây giảm cung cấp ôxy các tế bào mô, từ đó có thể gây suy giảm hoạt động chức năng của các hệ cơ quan. Điều trị tình trạng thiếu máu có thể giúp cải thiện khả năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Thiếu máu nặng và kéo dài có thể gây suy tim hoặc làm nặng các bệnh tim mạch, thần kinh đã có từ trước như suy tim, phì đại cơ tim, bệnh mạch vành, cơn thiếu máu não thoáng qua… Nhịp tim nhanh do thiếu máu cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở người lớn tuổi.
Ảnh hưởng của thiếu máu đối với các hoạt động thể lực: Các nhiên cứu cho thấy, thiếu máu gây giảm đáng kể khả năng hoạt động thể lực, các hoạt động đòi hỏi sự tinh tế và cản trở sinh hoạt bình thường của người bệnh. Các nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi có thiếu máu thường có giảm trương lực cơ và khối lượng cơ trên phim chụp cắt lớp. Giải quyết được tình trạng thiếu máu cải thiện đáng kể khả năng này.
Ảnh hưởng của thiếu máu với việc dùng thuốc: Thiếu máu làm tăng nguy cơ tương tác thuốc vì các mô bị thiếu ôxy thường nhạy cảm với tác dụng nhiều loại thuốc. Một số thuốc điều trị ung thư được vận chuyển trong máu bằng cách gắn với hồng cầu. Do đó các bệnh nhân ung thư có thiếu máu khi được điều trị bằng hóa chất này có thể bị tăng độc tính của thuốc.
Phương pháp điều trị
Nếu xác định được nguyên nhân gây thiếu máu thì điều trị theo nguyên nhân. Truyền máu được chỉ định trong trường hợp thiếu máu nặng, chảy máu số lượng lớn hoặc khi người bệnh có triệu chứng thiếu máu nhưng nguyên nhân gây thiếu máu khó được giải quyết. Ngoài ra, tùy trường hợp thiếu máu đặc biệt mà có thể bổ sung bằng các dược phẩm. Chẳng hạn, thiếu máu do thiếu sắt cần bổ sung sắt ngay bằng đường uống hoặc tiêm nếu không dung nạp bằng đường uống; nếu thiếu máu do thiếu vitamin B12, điều trị khởi đầu bằng tiêm sau đó có thể duy trì bằng đường uống 500-1.000microgam/ngày.
Phòng ngừa cách nào?
Người cao tuổi cần được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm trường hợp thiếu máu. Để phòng thiếu máu dinh dưỡng, cần chú ý chế độ ăn hằng ngày của người cao tuổi phải đủ 4 nhóm thực phẩm đường (bột), đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt người cao tuổi do lão hóa đường tiêu hóa, răng lợi yếu không nhai được, sự hấp thu của dạ dày, ruột cũng kém nên hay bị thiếu máu dinh dưỡng. Khắc phục bằng cách chế biến nhừ, bổ sung vitamin dưới dạng nước ép, nếu thiếu trầm trọng có thể bổ sung dưới dạng dược phẩm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tất cả các yếu tố nguy cơ như bệnh mạn tính phải được điều trị tích cực…
BS.Trần Ngọc Anh
Nguồn: SKĐS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…