Thời tiết thay đổi cũng là thời cơ để các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp gia tăng, trong đó phải kể đến viêm họng và các bệnh phổi – phế quản. Người chưa mắc bệnh thì dễ mắc, người đang mắc thì bệnh có xu hướng tăng nặng, người đã chữa khỏi thì bệnh dễ tái phát. Sau đây xin nêu những bệnh hô hấp thường gặp trong mùa thu-đông và cách phòng ngừa, xử trí.
Viêm họng
Viêm họng là bệnh phổ biến trong cộng đồng, có nhiều nguyên nhân gây viêm họng nhưng phần lớn là do các loại virut (80%), còn lại là do vi khuẩn. Có 3 loại viêm họng: viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm họng loét (hiếm gặp). Trong tất cả các trường hợp người bệnh đều cảm thấy rát họng, đau khi nuốt và thường xuyên nhức đầu. Ngoài ra viêm họng còn đi kèm với cảm lạnh, buồn nôn, đau mình mẩy, sưng amidan và nổi hạch cổ. Nguy hiểm nhất là viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A Streptococus – thủ phạm gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận. Một số yếu tố quan trọng để phát hiện viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A bao gồm: bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao 39-40 độ, người mệt mỏi; khám họng có mủ trắng bẩn ở khe, hốc amidan hai bên. Sờ thấy hạch dưới góc hàm cả hai bên, di động ấn đau… Cách điều trị tốt nhất là lấy dịch họng đem nuối cấy xác định loại vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Tuy nhiên như trên đã nói phần lớn viêm họng là do virut, do vậy chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn.
Phòng bệnh: giữ ấm cổ, ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng. Nên nhớ viêm họng là bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, vì vậy nếu ai đó xung quanh bạn đang bị viêm họng thì cách tốt nhất là tránh tiếp xúc gần với người bệnh và cần đeo khẩu trang khi đi đường, thường xuyên rửa tay, đặc biệt khi có dịch viêm mũi họng.
Viêm họng cấp hay gặp trong mùa thu – đông và dễ gây biến chứng.
Hen phế quản
Phế quản của người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh. Kích thích đó có thể là các dị nguyên từ bên ngoài như phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ…, hay có nguồn gốc nội tại trong cơ thể người bệnh: các nội tiết tố, những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể… Trong bệnh hen phế quản, cần chú ý nhất đến thể khó thở kịch phát, thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số do dị ứng; thể khó thở liên tục xuất hiện ngay từ đầu hoặc sau những cơn khó thở kịch phát, thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử hen lâu ngày; thể hen có tràn khí màng phổi xảy ra ở người phế nang đã bị giãn; thể hen ác tính, hen do sử dụng aspirin (mùa thu-đông là mùa hay bị cảm sốt, người bệnh có thể dùng aspirin điều trị); thể hen có cơn tăng huyết áp kèm theo…
Phòng tránh bệnh chủ yếu là phải loại trừ được các yếu tố gây bệnh như tránh lạnh, tránh bụi, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa… Điều trị bệnh phải nhanh, có hiệu quả, cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.
Viêm khí – phế quản cấp
Các tác nhân gây viêm khí – phế quản cấp mùa thu-đông thường là virut cúm, virut influenza A và B, các virut parainfluenza, virut hợp bào hô hấp,… Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường gối chồng lên các biểu hiện của viêm khí – phế quản. Phòng bệnh chủ yếu vẫn là giữ ấm, không để bị lạnh, chỉ dùng kháng sinh thông thường chống bội nhiễm.
Đợt cấp của tâm phế mạn
Tâm phế mạn là bệnh tim do bệnh phổi mạn tính (viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi…) gây ra. Nguyên nhân gây nên đợt cấp thường là nhiễm khuẩn. Bệnh thường đột ngột trở nặng trong mùa lạnh, bệnh nhân khó thở nhiều – đây là lý do khiến họ vào viện.
Tuy là bệnh tim nhưng do nguyên nhân phổi nên điều trị chủ yếu về phổi, điều trị nhiễm khuẩn phổi. Từ khi người bệnh có biểu hiện tâm phế mạn đến khi phát hiện ra bệnh thời gian không dài nhưng từ bệnh phổi chuyển thành bệnh tim thì thời gian rất dài. Trước đây, thời gian sống của bệnh nhân tâm phế mạn chỉ vài ba năm. Ngày nay, với sự tiến bộ của cấp cứu hồi sức và điều trị, thời gian này có thể kéo dài tới 10 năm hoặc hơn. Tuy nhiên tâm phế mạn cấp không điều trị kịp thời sẽ tử vong do suy hô hấp… Do vậy, việc phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn mùa lạnh là vấn đề sống còn, người bệnh cần biết rõ để tự bảo vệ mình.
Giãn phế quản
Có 2 loại giãn phế quản: thể “khô” (ít gặp) và thể “ướt” (thường gặp). Giãn phế quản ướt là giãn phế quản xuất tiết, người bệnh có biểu hiện chủ yếu là ho khạc nhiều đờm, nguyên nhân thường do vi khuẩn. Mùa thu-đông là mùa giãn phế quản ướt biểu hiện rõ nhất, người bệnh có tỷ lệ “trở bệnh” cao nhất. Lạnh là yếu tố kích thích phế quản xuất tiết niêm dịch, ứ đọng trong các phế quản giãn là môi trường thuận lợi cho cho nhiễm khuẩn phát triển. Chống lạnh, chống nhiễm khuẩn cần được đặc biệt chú ý trong mùa thu-đông .
Trên đây là một số bệnh đường hô hấp thường gặp trong mùa thu-đông, cần được phòng tránh, phát hiện và điều trị tốt, tránh các biến chứng nặng và tử vong.
BS. Nguyễn Văn Thịnh
Nguồn: SKĐS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…