“Cố thủ” con nhỏ trong nhà vì sợ muỗi đốt
Suốt 1 tháng nay, chị Nguyễn Thị Minh (Q. Hà Đông, Hà Nội) không dám cho con đi siêu thị, ra công viên, vườn hoa trước nhà chơi như mọi khi.
Hai đứa trẻ nhà chị Minh, một bé 4 tuổi, một bé mới 1 tháng gần như lúc nào cũng ở trong nhà. Nhà chị đã áp dụng đủ mọi biện pháp chống muỗi đốt như ngủ buông màn, đốt tinh dầu, bôi kem… “Hôm trước, con gái lớn lỡ sang hàng xóm chơi, thấy vài nốt muỗi đốt xuất hiện trên cánh tay con, cả nhà lo lắng. Thời tiết đang ẩm ương, trẻ con dễ ốm nhỡ chẳng may mắc thêm sốt xuất huyết thì càng nguy hiểm”, chị Minh tâm sự.
Hiện Hà Nội đang là tâm điểm của dịch sốt xuất huyết. Gia đình có trẻ nhỏ nào cũng mang tâm trạng như chị Minh.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết: “Trẻ dưới 12 tháng tuổi là những đối tượng dễ bị biến chứng nặng khi mắc sốt xuất huyết”. Bởi hệ miễn dịch của trẻ hết sức non yếu, khả năng chống chọi bệnh kém. Trong khi đó, do mải chơi nên trẻ rất hay bị muỗi đốt so với người lớn.
Trẻ em thường khởi phát bệnh sốt xuất huyết với triệu chứng sốt cao đột ngột, quấy khóc, chán ăn mặc dù trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Thời gian sốt từ 2 – 7 ngày, kèm những biểu hiện như đỏ bừng mặt, da sung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu.
“Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Vào thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, nhầm lẫn với bệnh khác, khiến trẻ bị chậm trễ trong điều trị, biến chứng nặng, nguy hiểm cho tính mạng. Biến chứng nguy hiểm trẻ sơ sinh có thể gặp phải khi mắc sốt xuất huyết như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong”, tiến sĩ Sơn phân tích.
Sốt xuất huyết thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như sốt phát ban, virus, viêm mũi họng… Nên cha mẹ càng tự ý điều trị cho con càng dễ dẫn tới bệnh nặng hoặc biến chứng.
Đừng chần chờ đưa trẻ đi khám nếu bất ngờ sốt, bỏ ăn
Theo Tiến sĩ Hồng Sơn, nếu trẻ bất ngờ có những triệu chứng như sốt, quấy khóc, bỏ ăn, nổi ban đỏ, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức. Bởi việc phát hiện sớm sốt xuất huyết và điều trị kịp thời có thể giúp giảm đáng kể các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Ngoài việc hạ sốt đúng cách bằng Paracetamol đơn chất theo hướng dẫn của bác sĩ, mẹ cần bù nước cho trẻ sơ sinh bằng cách bú sữa. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Trẻ trên 3 tháng tuổi có thể sử dụng thêm dung dịch bù nước theo khuyến cáo của bác sĩ, uống từng chút một để tránh bị sặc.
Thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là khi trẻ hết sốt, thường từ ngày thứ 3 – ngày thứ 6 của bệnh. Cha mẹ nhất thiết phải theo dõi sát, không tự ý truyền dịch vì thời điểm này trẻ có thể trở nặng, sốc sốt xuất huyết.
Mặt khác, điều trị các trường hợp sốt xuất huyết nặng ở trẻ nhũ nhi phức tạp hơn so với lứa tuổi lớn hơn. Một phần do diễn tiến bệnh trẻ rất phức tạp không lường trước được. Đường ven của trẻ mỏng manh nên khó trẻ nhỏ rất khó thiết lập đường truyền tĩnh mạch, phải lấy ven nhiều lần, dễ dẫn đến bầm vết tiêm truyền, xuất huyết da, kích hoạt rối loạn đông máu nặng về sau.
“Nếu đang sống trong vùng dịch hay đang du lịch tới những khu vực có dịch bệnh, tốt nhất thời điểm này cha mẹ hãy cố gắng bảo vệ bản thân và con cái tránh khỏi bị muỗi cắn. Nếu tình trạng của trẻ không được cải thiện hay trẻ bị nôn mửa trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị sốt, cha mẹ hãy đưa trẻ tới bệnh viện hoặc phòng cấp cứu gần nhất để tránh những biến chứng đáng tiếc”, tiến sĩ Hồng Sơn khuyến cáo.
Thu Hà
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…