Một báo cáo trên chuyên san Science cho rằng cần phải nhanh chóng hành động nếu muốn ngăn chặn sự trỗi dậy đầy chết chóc của vi khuẩn siêu kháng thuốc. Các chuyên gia kêu gọi những nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị tham gia phiên họp Đại hội đồng LHQ vào giữa tháng 9, hãy tận dụng cơ hội này để có biện pháp giảm tình trạng kháng thuốc ở siêu khuẩn. Một trong những biện pháp cần thực hiện ngay là áp dụng mức giới hạn dưới 9 liều kháng sinh/người trong năm, theo cảnh báo của giới chuyên gia toàn cầu. Nếu không sớm xoay chuyển tình thế, tình trạng siêu khuẩn kháng thuốc có thể đẩy y học về thời điểm trước lúc nhân loại tìm được kháng sinh đời đầu là penicillin, khi con người có thể thiệt mạng chỉ vì một vết xước trong vườn.
Tương lai có thể kháng sinh sẽ không còn “chọi” được siêu vi khuẩn. Ảnh: Shutterstock
Ước tính 10 triệu người trên toàn cầu có thể chết mỗi năm từ năm 2050 do siêu khuẩn kháng thuốc. Trong báo cáo mới, nhóm chuyên gia Anh, Mỹ, Trung Quốc viết: “Chúng tôi đề nghị không quốc gia nào tiêu thụ hơn lượng trung bình của toàn cầu hiện nay là 8,54 liều trên đầu người mỗi năm. Chúng tôi ước tính biện pháp này sẽ giảm tổng số lượng kháng sinh trên toàn cầu đến 17,5%”.
Tất nhiên, con số được đề xuất là mức trung bình cho toàn dân số, nên những bệnh nhân hết sức cần kháng sinh để sống sót, như trường hợp suy giảm miễn dịch, giải phẫu, vẫn được điều trị kháng sinh theo đúng nhu cầu. Các chuyên gia nói thêm việc giảm lượng kháng sinh trên đầu người cần được triển khai thông qua công tác nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm loại bỏ những trường hợp sử dụng kháng sinh không đúng cách, đặc biệt ở những ca cảm cúm theo mùa. Cúm là bệnh do vi rút gây ra, nên kháng sinh chẳng có tác dụng gì, nhưng nhiều người vẫn yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc cho mình. Kháng sinh cũng không phản ứng trước hầu hết các trường hợp bị cảm, ho hen hoặc đau họng.
Bên cạnh đó, gia cầm cũng bị nhồi kháng sinh để giúp tăng trưởng nhanh, từ đó làm tăng nguy cơ sản sinh siêu khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng. Việc dùng kháng sinh thường xuyên ở liều thấp trong nông nghiệp được xem là môi trường “hoàn hảo” cho phép siêu khuẩn sinh sôi, vì con người vô hình trung đã tạo ra một áp lực tiến hóa khiến vi khuẩn kháng thuốc mà không thực sự tiêu diệt chúng.
“Chúng tôi đề nghị áp dụng các giai đoạn nhằm loại bỏ thói quen dùng kháng sinh để kích thích tăng trưởng”, theo nhóm chuyên gia. Trước tình hình cấp bách hiện tại, họ cho rằng cần đề ra thời hạn chót là 5 năm/lần để “tẩy trắng” kháng sinh khỏi công tác chăn nuôi. Ngoài ra, các chuyên gia còn lưu ý đến công tác xử lý chất thải bệnh viện, chất thải từ các nhà máy dược phẩm, hoạt động nông nghiệp xem đây là ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới.
Tụ Yên (TNO)