Trĩ là một loại bệnh của mạch máu tĩnh mạch. Bệnh rất phổ biến ở cả nam và nữ. Khi các mạch máu tĩnh mạch bị ứ máu thành tĩnh mạch bị giãn ra, sung huyết. Những tĩnh mạch bị giãn như vậy ở trực tràng và hậu môn tạo thành búi trĩ và gây nên bệnh trĩ.
Đừng xem thường biến chứng của bệnh trĩ
Với những triệu chứng như đi ngoài ra máu, đau rát, luôn có cảm giác vướng, khó chịu, sờ thấy búi trĩ ở hậu môn…, bệnh trĩ làm cho người bệnh đau đớn, khó chịu, tinh thần không thoải mái. Do là bệnh ở vùng kín nên bệnh nhân thường rất ngại đi khám và điều trị, nhất là phụ nữ. Có nhiều người âm thầm chịu đựng “sống chung” với bệnh nhiều năm. Chỉ đến khi bệnh đã nặng, chảy máu nhiều hoặc búi trĩ đã bị sa nằm bên ngoài hậu môn không thể co lên, họ mới bắt buộc phải điều trị. Hơn thế, bệnh còn có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: tắc mạch, nghẹt, nhiễm khuẩn…
Tắc mạch: trĩ ngoại có thể là do vỡ các tĩnh mạch, tạo nên một bọc máu, hoặc là do hiện tượng đông máu ở trong lòng mạch máu. Việc tăng áp lực khi đi ngoài, khuân vác nặng, hoạt động thể thao, hậu sản… gây sung huyết vùng hậu môn là những yếu tố thuận lợi của tắc mạch trĩ. Khi bị tắc mạch, bệnh nhân rất đau rát, cũng có khi cục máu đông gây hoại tử phía da gây rỉ máu. Tắc mạch trĩ nội ít hơn nhiều so với tắc mạch trĩ ngoại. Bệnh nhân đau ở trong sâu, có cảm giác gợn cộm như có một vật lạ nằm trong lòng ống hậu môn.
Hình ảnh trĩ nội và trĩ ngoại.
Nghẹt: là khi búi trĩ hay vòng trĩ sa ra ngoài, mạch có thể bị tắc gây phù nề và do đó không thể tự thụt lại vào trong lòng trực tràng được. Khi nhìn, thấy mặt ngoài của trĩ sa nghẹt là da màu xám, ở mặt trong là niêm mạc màu nâu đỏ, sưng nề, rải rác có những nốt xám đen là do hiện tượng hoại tử bắt đầu.
Nhiễm khuẩn do trĩ: thường là viêm khe, viêm nhú. Biểu hiện của viêm khe, viêm nhú là cảm giác ngứa ngáy hay nóng rát. Soi hậu môn thấy các nhú phù nề sưng to, màu trắng, các khe nằm giữa các búi trĩ bị loét nông, màu đỏ. Cần đề phòng tình trạng bội nhiễm. Nếu trĩ thòi ra ngoài lâu, chảy máu liên tục thì rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn bởi vì hậu môn là đường ra của phân mà trong phân có vô số vi khuẩn gây bệnh.
Để bệnh không diễn tiến đến giai đoạn nặng hay xảy ra biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân trĩ nên chữa trị càng sớm càng tốt.
Thuốc điều trị
Thuốc điều trị bệnh trĩ chủ yếu gồm hai loại: Loại để uống (viên nén, viên nang) và loại thuốc dùng để bôi hoặc đặt trong hậu môn như thuốc mỡ, thuốc viên đạn. Dùng thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh trĩ.
Thuốc uống (có dạng viên nang hoặc viên nén): thường có tác dụng điều hòa tính thẩm thấu và tăng sức bền chắc thành của các tĩnh mạch, do đó làm giảm phù nề, giảm sung huyết các tĩnh mạch ở vùng trĩ, cầm máu đối với trĩ chảy máu, co búi trĩ. Đây là thuốc chứa các hoạt chất rutin (còn gọi là vitamin P). Do tác động đến tĩnh mạch nên thuốc ngoài tác dụng chữa trĩ còn dùng để trị chứng suy, giãn tĩnh mạch, đặc biệt bị ở chi dưới như tê chân, nổi gân xanh.
Trong điều trị trĩ ngoại, bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng bệnh cho liều điều trị tấn công và liều điều trị củng cố. Ngoài thuốc tác động chính trên tĩnh mạch trĩ, bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc khác như: kháng sinh ( nhóm penicillin, cephalosporin…), thuốc chống viêm (ibuprofen, naproxen…), thuốc giảm đau (paracetamol), thuốc trị táo bón… Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, đặc biệt phải kiên trì dùng thuốc kéo dài đủ thời gian.
Thuốc đặt hoặc thuốc bôi: Sử dụng thuốc mỡ bôi lên vùng bị tổn thương để có tác dụng tại chỗ. Các loại thuốc dạng bôi này có chứa hoạt chất giảm đau, ngứa, rát, giúp sát khuẩn, chống nhiễm khuẩn song chỉ có tác dụng giảm bớt các triệu chứng chứ không thể điều trị triệt để. Thuốc mỡ có thể ngăn ngừa tổn thương thêm và làm giảm ngứa bằng cách hình thành một rào cản trên bệnh trĩ. Bôi thuốc mỡ có chứa hydrocortisone 1%, một loại thuốc steroid có thể làm giảm viêm và ngứa. Nhưng các thuốc này không nên sử dụng quá 2 tuần vì chúng có thể làm mỏng da. Người bệnh cũng có thể dùng thuốc đạn đặt vào trong hậu môn (trong trường hợp bị trĩ nội). Thuốc cho tác dụng tại chỗ (cả bôi và đặt) thường chứa nhiều hoạt chất như: làm giảm đau, chống viêm, kháng sinh, bảo vệ và làm bền chắc tĩnh mạch (bismuth subgallate, resorcinol, tannic acid, zinc oxide), sát trùng (boric acid, neomycin, phenylmercuric nitrate và oxyquinlone), ngoài ra còn chứa các vitamin, chất bổ dưỡng giúp tổn thương mau lành.
Lời khuyên dành cho người bệnh
Trĩ là bệnh rất khó chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc, trừ khi có ngoại khoa can thiệp. Để hạn chế biến chứng, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng phương pháp ngâm nước ấm 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút. Dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng giúp điều trị bệnh. Nên ăn thức ăn mềm, lỏng, nhiều rau xanh, uống nhiều nước trong ngày để nhuận tràng, không ăn nhiều gia vị cay nóng, hạn chế các chất kích thích (rượu, bia,…). Người bệnh trĩ cần tránh tình trạng táo bón làm gia tăng áp lực lên đại trực tràng, sẽ khiến bệnh trĩ ngày càng nặng hơn.
DS. Trí Tân
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…