Categories: Sức khoẻ

Zika có mặt ở Sài Gòn, bà bầu đừng quá run

Trước thông tin tại TP.HCM có một thai phụ nhiễm virút Zika, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, lo ngại những ngày tới sẽ có nhiều bà bầu muốn xét nghiệm tìm virút này.

Trung tâm Y tế dự phòng Q.2 phun thuốc diệt muỗi tại P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM chiều 5-4 – Ảnh: Văn Tiên

“Đã có 61 nước nhiễm virút Zika và hàng trăm ca liên quan đến hội chứng đầu nhỏ ở trẻ em. Đến giờ này nước ta mới phát hiện 2 ca, điều này không có gì là ngỡ ngàng. Nếu tình hình biến đổi khí hậu cứ tiếp diễn, ngoài Zika còn có những bệnh mới nữa sẽ xuất hiện

Bà Nguyễn Thị 
Kim Tiến
 (bộ trưởng Bộ Y tế)

Bác sĩ Diễm Tuyết cho rằng chỉ những thai phụ thuộc các nhóm đối tượng nguy cơ cao mới đi sàng lọc, nếu thai phụ hoang mang cùng muốn xét nghiệm thì bệnh viện không làm xuể, dẫn đến tình trạng quá tải.

2 ca nhiễm Zika 
tại Việt Nam

Ngày 5-4, Việt Nam là quốc gia thứ 62 công bố có ca mắc Zika khi TP.HCM và Khánh Hòa có 2 nữ bệnh nhân đầu tiên: một 33 tuổi ở P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM và một 64 tuổi ở P.Phước Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa.

TP.HCM và Khánh Hòa đã công bố dịch trên quy mô xã phường, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nâng cảnh báo dịch lên mức 2, tức là có các hoạt động phòng chống tương tự khi đã có bệnh nhân.

Chiều 5-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã chủ trì cuộc họp về các biện pháp ngăn chặn tình hình nhiễm virút Zika tại TP.HCM.

Về ca mắc Zika ở TP.HCM, 
PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đó là một phụ nữ 33 tuổi, mang thai 8 tuần tuổi, được phát hiện nhiễm bệnh trong lần đi khám thai tại Bệnh viện Q.2.

Ông Lân cho biết trong 12 ngày qua thai phụ này không đi ra khỏi TP.HCM. Hằng ngày, thai phụ chỉ đi làm tại tòa nhà Petro Vietnam Tower (số 1 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1) và đưa con đi học tại trường trên địa bàn.

Trước đó, chồng bệnh nhân đã công tác tại Malaysia, có về thăm nhà. Con bệnh nhân bị sốt vào ngày 26-3, khi lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với Zika. Ông Lân cho rằng ca bệnh này chủ yếu lây theo đường muỗi.

Ngay sau một ngày bệnh nhân được xác định nhiễm bệnh, Viện Pasteur TP.HCM cùng với Sở Y tế TP.HCM, y tế trên địa bàn đã đến điều tra 134 hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân và phát hiện 3 ca sốt (một người lớn, hai trẻ em), sau đó lấy mẫu máu, nước tiểu xét nghiệm thì đều âm tính với Zika.

Ông Lân cũng cho biết trong ba tháng đầu năm, số người mắc sốt xuất huyết của TP tăng 2,2 lần so với năm 2015.

Người dân lo

Về xét nghiệm tìm virút Zika, ThS.BS Nguyễn Đức Vinh, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cho biết hiện Bộ Y tế chỉ xác định một số đối tượng sẽ được xét nghiệm như ưu tiên phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu sinh sống hoặc từng đến vùng dịch, vợ chồng hoặc bạn tình được xác định nhiễm Zika, sốt phát ban và có ít nhất một trong số những triệu chứng đau cơ khớp, viêm kết mạc.

Có đến 80% ca bệnh Zika có thể tự khỏi, nhưng với những phụ nữ mang thai thì việc nhiễm bệnh (đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ) có thể dẫn đến di chứng não nhỏ ở thai nhi.

Nhưng theo ông Trần Danh Cường – phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, có ba nhóm nguyên nhân gây hội chứng não nhỏ, Zika là một trong những nguyên nhân.

“Không nên quá hoang mang, nhưng phụ nữ có thai hoặc dự định mang thai không nên tới các khu vực có dịch, ngoại trừ các trường hợp tối cần thiết. Khu vực có dịch, theo tôi, là bán kính 200m tính từ ổ dịch và đó là khoảng cách mà tôi cho là muỗi nhiễm bệnh có thể bay” – ông Cường nói.

Tuy nhiên không chỉ thai phụ lo lắng, nhiều người dân, đặc biệt những người sinh sống tại khu vực có người bệnh, đang hoang mang về căn bệnh này mà không biết Zika là gì, phòng tránh ra sao.

Bà Trần Thị Hương (56 tuổi, KP1, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) lo lắng: “Trước giờ chỉ nghe nói đến sốt xuất huyết chớ không biết virút Zika là gì, mức nguy hiểm cũng như cách lây lan, phòng tránh ra sao. Chúng tôi cần thông tin rõ ràng hơn, tuyên truyền để nắm rõ về bệnh này. Đồng thời mong được thử máu để kiểm tra mình có nhiễm bệnh không…”.

Đồng ý kiến với bà Hương, bà Lê Thị Thu (45 tuổi, KP2, P.Thạnh Mỹ Lợi) chia sẻ: “Dù lo về căn bệnh này nhưng không biết làm sao phòng tránh. Chỉ nghĩ ở nước ngoài mới có người bị. Sau khi biết được thông tin thì rất sợ cho mấy đứa nhỏ, vì khu vực này thường xuyên xảy ra dịch sốt xuất huyết dù mỗi tháng phường có diệt muỗi”.

Còn tại Nha Trang, Khánh Hòa, chiều 5-4 Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đến làm việc với tỉnh. Đoàn công tác của bộ đến nhà bà C.T.L. – được xác định mắc virút Zika.

Bà L. kể bà phát bệnh vào chiều 25-3, đến chiều tối 27-3 thấy trên da tay, chân xuất hiện các nốt đỏ như bị sốt xuất huyết và người hâm hấp sốt. Sáng 28-3, bà nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian điều trị ở bệnh viện này, bà L. nằm chung phòng với các bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Đông – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa – cho biết các bệnh nhân chung phòng với bà L. đều được giám sát bệnh do virút Zika nhưng họ không dương tính với virút này.

“Người mẹ mang thai trong 3 tháng đầu tiên mắc virút Zika có thể sinh ra đứa trẻ bị mắc bệnh đầu nhỏ nhưng theo ghi nhận của WHO, tỉ lệ này chỉ dưới 1%. Không phải phụ nữ mang thai nào mắc Zika cũng sinh ra em bé bị tật đầu nhỏ"

TS Masaya
(trưởng nhóm phòng chống bệnh truyền nhiễm của WHO)

“Không sợ bằng 
sốt xuất huyết”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bệnh do virút Zika nhẹ hơn bệnh sốt xuất huyết, phần lớn không có triệu chứng, một số người sốt, phát ban và đau mình. Người dân không nên hoang mang vì sốt xuất huyết đáng sợ hơn nhiều.

Bộ trưởng khuyến cáo bệnh này lây qua muỗi vằn, loại muỗi thường chích người từ 9-10g sáng, do đó cần diệt muỗi và lăng quăng, không để nước đọng, phòng tránh để muỗi cắn. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu càng phải tránh để muỗi đốt.

Bà Tiến lưu ý các thai phụ tránh hoang mang vì không phải ai nhiễm Zika đều dẫn đến hội chứng đầu nhỏ. Hiện nay, nhiễm virút Zika có sự liên quan rất lớn đến hội chứng đầu nhỏ chứ không khẳng định 100%. Vì vậy những thai phụ trong 3 tháng đầu bị sốt, đau mình hoặc phát ban nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, sau đó sẽ được quyết định lấy mẫu xét nghiệm.

Ngoài ra, bộ trưởng cho rằng sốt xuất huyết và Zika sẽ có nhiều tại TP.HCM.

Là địa phương có ca bệnh, 
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết nơi này đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virút Zika quyết liệt như diệt muỗi, lăng quăng; giám sát thân nhiệt của hành khách tại sân bay; sàng lọc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh…

Một trong những nguyên nhân từng được cho làm lây lan Zika là loại muỗi biến đổi gen ở Việt Nam được thả ở đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Tổ chức Y tế thế giới đã bác bỏ nguyên nhân này.

* Các dấu hiệu mắc Zika:

Dấu hiệu tương tự bệnh sốt xuất huyết: sốt, đau đầu, nổi ban trên da, có trường hợp nổi ban ở hai chân hoặc tay, đau mắt đỏ.

* Xét nghiệm miễn phí khi có chỉ định:

Hiện các trường hợp nghi mắc bệnh và có chỉ định xét nghiệm tìm virút Zika đều được xét nghiệm miễn phí. Sắp tới, nếu số lượng người có nhu cầu xét nghiệm tăng lên thì bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, các chi phí khám, điều trị, xét nghiệm đúng tuyến do bảo hiểm y tế chi trả, bệnh nhân còn lại sẽ phải tự trả phí xét nghiệm.

* Phòng Zika tương tự sốt xuất huyết:

Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là ngủ màn, diệt muỗi và lăng quăng. Đến nay không có bất kỳ khuyến cáo nào về hạn chế đi lại, hạn chế du lịch, ngoại trừ khuyến cáo riêng với phụ nữ có thai và dự định có thai.

* Siêu âm xác định nguy cơ hội chứng não nhỏ:

Các phụ nữ có thai nhiễm Zika sẽ được siêu âm 2 tuần/lần kể từ khi phát hiện bệnh, trường hợp thấp hơn chuẩn 3 điểm sẽ được đánh giá là có nguy cơ, thấp hơn 5 điểm so với chuẩn trong bảng đánh giá thì coi là mắc hội chứng não nhỏ.

NHÓM PV, CTV/ TTO

Nguồn: Giáo dục Online

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

17 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

17 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago