WHO đã tuyên bố bệnh bại liệt lây lan nhanh là một tình huống y tế khẩn cấp quốc tế có thể phát triển nhanh chóng trong vài tháng tới.
Ngày 5/5, lần đầu tiên trong lịch sử, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng bệnh bại liệt lây lan nhanh là một tình huống y tế khẩn cấp quốc tế có thể phát triển nhanh chóng trong vài tháng tới và hủy hoại nỗ lực loại trừ bệnh bại liệt trong suốt gần 3 thập kỷ qua.
WHO mô tả đợt bùng phát bệnh bại liệt hiện nay ở ít nhất 10 quốc gia châu Á, châu Phi và Trung Đông là “một sự kiện bất thường” cần cả cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết.
WHO xác định chính Pakistan, Syria và Cameroon đã khiến virus bại liệt lây lan qua biên giới, và khuyến nghị Chính phủ 3 nước này yêu cầu công dân phải có chứng nhận tiêm chủng vắc xin bại liệt trước khi xuất cảnh.
Trước đây, WHO chưa bao giờ phát đi báo động quốc tế về bệnh bại liệt, một căn bệnh thường tấn công trẻ em dưới 5 tuổi và lây lan nhanh qua đường nước. Căn bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu, song nó có thể được ngăn chặn bằng vắc xin.
Các chuyên gia y tế quốc tế quan ngại bệnh bại liệt đang tái xuất hiện ở những quốc gia đã từng quét sạch căn bệnh này, chẳng hạn như Syria, Somalia và Iraq, nơi những cuộc nội chiến và bất ổn đang tạo điều kiện cho dịch bệnh lan tràn.
Đợt dịch này xuất hiện ngay trong thời kỳ thấp điểm, khiến các chuyên gia lo ngại rằng nó có thể bùng phát mạnh hơn nữa khi thời tiết trở nên ấm hơn và ẩm ướt hơn trong những tháng tới.
Với hàng loạt ca bệnh mới xuất hiện tại Pakistan, WHO đã gọi quốc gia này là “một thùng thuốc súng có thể châm ngòi cho một đợt lây nhiễm bệnh bại liệt quy mô lớn”.
Đến cuối tháng trước, WHO xác nhận có 68 trường hợp mắc bệnh bại liệt trên toàn thế giới, so với 24 ca cùng kỳ năm trước. Năm 2013, bệnh bại liệt tái xuất hiện ở Syria, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng căn bệnh này có thể lây lan rộng hơn theo dòng người tị nạn vượt biên.
Virus bại liệt cũng đã xuất hiện trong hệ thống nước sinh hoạt ở Israel, Bờ Tây và Gaza, mặc dù chưa có ca bệnh nào được ghi nhận ở đây.
Nhiều chuyên gia quốc tế cũng cho rằng đã đến lúc phải chấp nhận thực tế bệnh bại liệt có thể sẽ không bị loại trừ, vì mục tiêu xóa sổ căn bệnh này trên toàn thế giới đã nhiều lần không đạt được. Hiện nay, nỗ lực loại trừ bệnh bại liệt ngốn chi phí tới 1 tỉ USD mỗi năm.
Biện pháp loại trừ bệnh bại liệt hiệu quả nhất hiện nay là chương trình tiêm chủng, tuy nhiên WHO cho rằng nhiều cuộc xung đột trên thế giới đang cản trở nỗ lực này, mặc dù lực lượng y tế của các quốc gia đã vô cùng nỗ lực.
Một số chuyên gia y tế thế giới đã kêu gọi WHO xem xét lại chương trình tiêm chủng vắc xin bại liệt đầy tốn kém trong gần 30 năm qua nhưng vẫn không xóa sổ được bệnh bại liệt để đưa ra các phương án hiệu quả hơn.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…