Categories: Tin tức

Việt Nam đối mặt nguy cơ dịch cúm từ Trung Quốc tràn sang

Trung Quốc thông báo có thêm 6 ca nhiễm cúm gia cầm, trong đó có cả trẻ nhỏ; 2 người nhiễm cúm A/H7N9 nguy kịch, nguy cơ lây sang Việt Nam ở mức độ cao.

Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm gia cầm A/H7N9, cúm A/H9N2. Vì có đường biên giới dài với Trung Quốc, giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán giữa 2 nước rất lớn, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ dịch xâm nhập là cao, đặc biệt dịp năm mới nhu cầu sử dụng sản phẩm từ gia cầm gia tăng. Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát tình hình dịch bệnh ở gia cầm và trên người nhằm phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập, kịp thời ngăn chặn, tránh lây lan.

Với đường biên giới dài với Trung Quốc, tiêu thụ gia cầm thường gia tăng vào dịp Tết khiến nguy cơ cúm A(H7N9) lây sang nước ta là hoàn toàn có thể. Ảnh minh họa: N.P.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung Quốc ghi nhận thêm 3 trẻ dưới 5 tuổi và một nữ sinh 15 tuổi nhiễm cúm A/H9N2; trong đó một trường hợp có đến chợ, còn lại không tiếp xúc với gia cầm sống hoặc không rõ tiền sử. Cả 4 ca bệnh đều ở tỉnh An Huy và Hồ Nam, tình trạng nhẹ. Đặc biệt 2 ca nhiễm cúm gia cầm A/H7N9 đang trong tình trạng nguy kịch tại tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang, đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

WHO đang đánh giá tình hình dịch tễ và tiến hành phân tích nguy cơ dựa trên thông tin cập nhật gần đây. Theo tổ chức này, nguy cơ cúm H7N9 đối với sức khỏe cộng đồng là không thay đổi. Bắt đầu nổi lên từ 2013, đến nay thế giới ghi nhận gần 700 ca dương tính với virus cúm H7N9, chủ yếu tại Trung Quốc. Một ca bệnh tại Malaysia và 2 ca ở Canada đều có tiền sử từ Trung Quốc về.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc đánh giá nếu vẫn theo hình thức lây nhiễm như các năm trước đây, số trường hợp nhiễm cúm H7N9 trên người sẽ gia tăng trong những tháng tới. Một số trường hợp nhiễm rải rác được ghi nhận tại các khu vực bị ảnh hưởng hoặc lân cận.

Với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao; cúm H7N9 được đánh giá là một chủng cúm nguy hiểm. Bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính, có thể tiến triển nhanh, trầm trọng và dễ dẫn đến tử vong. Do đó, những người có triệu chứng về hô hấp cấp tính, sốt, ho và khó thở nên đi khám và được điều trị ngay.

Để phòng cúm gia cầm lây sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

– Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm.

– Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

– Người trở về từ quốc gia có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

– Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Phương Trang

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

2 loại men vi sinh giúp giảm tình trạng tăng huyết áp

Các yếu tố gây ra huyết áp cao hoặc tăng huyết áp bao gồm ăn…

2 days ago

Phương pháp cân bằng hệ vi sinh đường ruột sau kỳ nghỉ lễ

Sau guồng quay với những công việc bận rộn dịp nghỉ lễ là thờ gian…

2 days ago

Mối liên hệ giữa bệnh suy tim và hệ vi sinh đường ruột

Bệnh suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, là tình…

2 days ago

Các loại đậu có tốt cho sức khỏe đường ruột không?

Nhìn chung, đậu và các cây họ đậu rất tốt cho sức khỏe, sức khỏe…

4 days ago

12 thực phẩm chứa enzyme tiêu hóa tự nhiên

Một số thực phẩm, bao gồm một số loại trái cây như dứa và thực…

4 days ago

Độc đáo hệ vi sinh đường ruột tác động đến tính cách con người

Vai trò của hệ vi sinh đường ruột là tạo ra tính ổn định và…

4 days ago