Nên tiêm phòng đầy đủ
Mới đây, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp sản phụ sinh năm 1994 bị thủy đậu khi đang mang bầu 10 tuần tuổi. Bệnh nhân bị mắc do chủ quan không biết cách phòng ngừa và trước đó cũng không tiêm phòng.
TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hiện nay đã có vắc xin tiêm phòng thủy đậu. Cách phòng tránh căn bệnh này hiệu quả nhất là tiêm vắc xin đầy đủ. Đối với phụ nữ định mang thai nên đi tiêm phòng trước 3 tháng.
“Trong gia đình có người mắc thủy đậu nên cách ly bệnh nhân tránh cho bà bầu tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Trong thời gian này, bà bầu cũng nên ăn nhiều trái cây để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chú ý giữ gìn vệ sinh tay”, bác sĩ Đỗ Duy Cường nói.
Để phòng tránh các bệnh lây nhiễm do vi rút trước khi dự định sinh con nên đi tiêm phòng, ảnh minh họa.
Trường hợp phụ nữ mang bầu bị mắc thủy đậu nên tới cơ sở y tế để nhận được sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, tránh biến chứng. Bệnh nhân cũng nên kết hợp với bác sĩ sản khoa để theo dõi sức khỏe của em bé. Bác sĩ Cường khẳng định tỷ lệ biến chứng do thủy đậu thường rất thấp hơn so với rubella – sởi – quai bị.
Theo bác sĩ bác sĩ sản khoa Thân Ngọc Tuấn, trong dịp thời tiết chuyển mùa, phụ nữ nên chú ý tới các bệnh về đường hô hấp, bệnh do virus (cúm, thủy đậu, rubella).
Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bà bầu và thai nhi, bác sĩ Thân Ngọc Tuấn khuyên, tất cả các bà mẹ dự định mang thai nên tiêm phòng trước 3 tháng.
Khi cơ thể có kháng thể sẽ an toàn hơn cho cả mẹ và con, trong đó 3 mũi tiêm phòng mà bà bầu nên tiêm là: tiêm phòng cúm, tiêm phòng rubella – sởi – quai bị, thủy đậu.
“Đặc biệt nếu mắc rubella – sởi – quai bị trong 3 tháng đầu sẽ có tỷ lệ gây dị tật cho em bé rất cao. Khi sản phụ mắc rubella – sởi – quai bị trong 3 tháng đầu, việc có nên chỉ định đình chỉ thai nghén hay không sẽ do bác sĩ khám và sàng lọc”, bác sĩ Thân Ngọc Tuấn cho hay.
Dù đã tiêm vẫn phải định lượng kháng thể
Thủy đậu, rubella – sởi – quai bị có kháng thể bền vững. Nếu phụ nữ đã từng bị mắc hoặc đã từng tiêm vắc xin khoảng 5-7 năm nên đi định lượng lại kháng thể. Trong trường hợp không còn kháng thể thì phải tiêm nhắc lại. Hiện nay, mọi xét nghiệm máu đều có thể kiểm tra được kháng thể.
“Không phải ai tiêm phòng cũng sinh ra được kháng thể mà còn phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch. Nếu người sinh ra kháng thể tốt có thể là kháng thể bền vững. Tuy nhiên, sau 5-7 năm, kháng thể giảm dần do sức đề kháng cơ thể giảm. Vì vậy, chúng ta cần phải định lượng xem kháng thể có đủ bảo vệ cơ thể hay không. Nếu lượng kháng thể trong cơ thể không đủ sẽ phải tiêm nhắc lại”, bác sĩ Thân Ngọc Tuấn cho hay.
Ngoài lưu ý tới bệnh thủy đậu, rubella – sởi – quai bị thì phụ nữ trong thai kỳ cũng phải quan tâm tới bệnh cúm (cúm A, cúm B). Trong đó, cúm A có thể ảnh hưởng tới bà bầu và thai nhi còn cúm B chỉ là chủng cúm thông thường. Cúm A có rất nhiều chủng như: H1N1, H5N7,H7N9…
Bác sĩ Thân Ngọc Tuấn khuyến cáo: “Phụ nữ mang thai khi bị cúm không dùng tỏi hay các chế phẩm khác để tự ý điều trị tại nhà. Các sản phụ nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác căn bệnh đang mắc phải.Nếu mắc cúm Asẽ có tư vấn và chỉ định cụ thể. Trường hợp mắc cúm B sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, tăng cường sức để kháng để bệnh tự khỏi sau 5-7 ngày (cúm B là chúng cúm thông thường)”.
Cũng theo bác sĩ Thân Ngọc Tuấn, phụ nữ mang thai trong khoảng thời tiết giao mùa Đông Xuân cần phải chú ý giữ ấm cơ thể vùng bụng, chân, tay vào buổi tối để tránh nhiễm lạnh gây đau bụng đi ngoài không tốt cho em bé.
Ngọc Minh
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…