Theo lộ trình, ngày 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I. Đến năm 2020 thực hiện liên thông với các bệnh viện trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố. Năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Bộ Y tế ước tính chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện khoảng 4,75 triệu lượt. Tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì việc các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau giúp tiết kiệm hơn 237 tỷ đồng.
Theo lộ trình đến năm 2020 sẽ liên thông xét nghiệm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Ảnh minh họa: Vũ Quang Hưng.
“Xét nghiệm có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, phát hiện và theo dõi tiến triển bệnh. Việc các bệnh viện chưa công nhận kết quả xét nghiệm gây tốn kém về tiền bạc, thời gian của người bệnh và ảnh hưởng đến cả quá trình khám chữa bệnh. Thực tế có hiện tượng lạm dụng xét nghiệm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết tại hội nghị triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm diễn ra tại Hà Nội ngày 23/6.
Thứ trưởng Tiến cho rằng, việc liên thông sẽ giúp nâng cao kết quả chất lượng xét nghiệm, giảm những chi phí không cần thiết. Cơ sở nào làm chưa tốt thì phải tốt hơn, có sự kiểm tra lẫn nhau cả ngoại kiểm và nội kiểm. Hiện nay chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở y tế và và giữa các tuyến chưa đồng đều. Vì thế để liên thông được, chất lượng xét nghiệm phải được bảo đảm độ chính xác và độ tin cậy.
Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng khoa cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học; đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm; danh mục xét nghiệm có thể liên thông. Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm được chia nhóm thành 12 thành tố liên quan đến chất lượng với 169 tiêu chí cụ thể được tính ra 268 điểm. Căn cứ vào số điểm đạt được kèm với một số tiêu chí bắt buộc sẽ xếp mức chất lượng phòng xét nghiệm; có 5 mức.
Theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm, khi kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định. Bệnh viện chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết.
Bước đầu Bộ Y tế thí điểm mỗi chuyên ngành có 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là một trong 2 đơn vị thử đánh giá chất lượng xét nghiệm theo tiêu chí của Bộ Y tế. Bác sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương cho rằng để đạt các tiêu chí này vừa khó vừa dễ. Tại Viện có 8 phòng xét nghiệm thì một nửa có kết quả trên trung bình, có kết quả chưa đạt yêu cầu.
Vì thế, theo tiến sĩ Dương mỗi bệnh viện có ưu tiên riêng của mình, tập trung vào lĩnh vực xét nghiệm thế mạnh… Các bệnh viện đa khoa sẽ tương đối khó khăn.
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…