Hàng nghìn mẹ đang “truyền tay” nhau một phương pháp trị vặn mình cho trẻ sơ sinh bằng cách dùng hỗn hợp lòng trắng trứng gà, nước cốt chanh và bột mỳ.
“Thần dược” chữa vặn mình cho trẻ sơ sinh đang lan truyền như vi rút trên mạng xã hội
Trẻ sơ sinh thường có triệu chứng vặn mình và đỏ mặt sau khi chào đời và khiến rất nhiều bà mẹ lo lắng. Nhiều mẹ đã áp dụng những phương pháp dân gian như ném dây thừng buộc trâu vào gầm giường, đốt dây thừng trong nồi than đang cháy, mua ốc gai biển tắm cho con hay truy lùng nhiều loại lá nấu nước để tắm cho bé hết “ngứa”… với hi vọng con có thể ngủ yên và không vặn mình nữa.
Mới đây, trên mạng xã hội còn lan truyền một bài viết của mẹ N.N chia sẻ cách trị vặn mình cho trẻ. Chỉ vài giờ sau khi đăng tải, bài viết này đã được gần 20.000 lượt chia sẻ và hiện vẫn tăng với tốc độ chóng mặt. Theo đó, chị N.N cho biết trẻ con vặn mình nhiều gây mất ngủ và suy đoán nguyên nhân là do lông đẹn nằm ẩn sâu dưới da khiến bé ngứa ngáy khó chịu dẫn đến vặn mình nhiều, hay còn gọi là “rướn”. Và chị đã áp dụng một cách “trị” vặn mình cho con được cho là vô cùng hữu hiệu.
Những hình ảnh em bé sau khi được mẹ đánh lông đẹn.
Phương pháp được chị N.N chia sẻ là kết hợp lòng trắng trứng gà với nước cốt chanh, đánh tan lên thành một hỗn hợp để xoa vòng tròn khắp người cho em bé. Cũng theo chị N.N “đánh tới đâu lông đẹn vón vào đến đó, cứng ngắc luôn”. Sau đấy các mẹ chỉ cần lấy bột mỳ xoa đi để làm sạch lông đẹn. Chị N.N còn dặn dò các mẹ nhớ đánh bằng lòng bàn tay để con không bị rát. Làm 1 tuần là sẽ có hiệu quả.
Những lời chia sẻ thuyết phục, cộng với hình ảnh một em bé lưng trần, nổi lông đen khắp người như tưởng tượng về lông đẹn khiến nhiều mẹ tin rằng đây là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu và cần lưu lại để làm thử cho em bé nhà mình. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy nuối tiếc vì không biết đến cách này sớm hơn khiến con từng bị vặn mình, khó ngủ.
Tuy nhiên, bên cạnh hàng nghìn mẹ chia sẻ và coi đó như là một bí quyết bỏ túi cho mình, thì cũng có rất nhiều mẹ cảm thấy e ngại và nghi ngờ về độ xác thực cũng như căn cứ khoa học của phương pháp này.
Trị vặn mình cho trẻ bằng lòng trắng trứng và nước cốt chanh – việc làm phi khoa học
Chúng tôi đã trao đổi với bác sỹ Lê Minh Trác, chuyên khoa Nhi của bệnh viện Phụ sản Trung Ương để làm rõ thực hư vấn đề. Theo đó, bác sỹ Trác khẳng định việc lấy hỗn hợp lòng trắng trứng gà và nước cốt chanh xoa lên người bé sơ sinh để đánh lông đẹn giúp trẻ hết vặn mình là một việc làm phi khoa học. Hơn 15 năm trong nghề, chưa bao giờ bác sỹ nghe đến phương pháp này. Và nếu các mẹ mù quáng áp dụng thì thật sự quá nguy hiểm.
Bác sỹ Trác nhấn mạnh: “Bản thân hỗn hợp lòng trắng trứng gà và nước chanh đã rất mất vệ sinh, khi xoa lên da của bé có thể sẽ gây nhiễm khuẩn làn da non nớt của trẻ. Việc làm này cũng không thể kiểm soát được những bệnh lây nhiễm, mà các vi khuẩn có trong lòng trắng trứng gà còn có thể khiến làn da mẫn cảm của bé sơ sinh bị viêm, sưng tấy. Tương tự thế, lấy bột mì xoa lên da bé cũng có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn lúc nào không hay”.
Cũng theo bác sỹ Trác, hiện tượng vặn mình, rướn người đến đỏ mặt ở một em bé sơ sinh là hoàn toàn tự nhiên. Em bé cần vận động để lớn lên, cũng như người lớn cần đi lại, chạy nhảy vậy. Và không thể coi đó là một bệnh lý trừ khi có những dấu hiệu bất thường khác như quấy khóc, bỏ bú, ngủ ít, chậm tăng cân…
Nếu bé vặn mình mà vẫn phát triển bình thường, ăn ngủ tốt thì người lớn cần tôn trọng đặc điểm vận động này ở trẻ mà không nên lo lắng hay đổ lỗi cho nguyên nhân là do “lông đẹn” như trong dân gian thường hay truyền miệng. Đến một thời kỳ, thường là sau khi trẻ được 2-3 tháng, hiện tượng vặn mình ở trẻ sẽ tự biến mất.
Vặn người hay còn gọi là gồng người, rướn người là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trong 3 tháng đầu đời. Biểu hiện của hiện tượng này là trẻ vặn cứng người và đỏ mặt trong vài phút, sau đó tự hết. Khoa học hiện đại đã lý giải hiện tượng vặn mình của trẻ sơ sinh là ngủ động (active sleep) – biểu hiện của giấc ngủ hoàn toàn bình thường. Nếu trẻ vặn mình quá nhiều gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, khiến trẻ quấy khóc, bỏ bú thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ở những cơ sở y tế uy tín, không nên chỉ dựa vào các dấu hiệu để chẩn đoán bệnh cho con. |
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: TTOnline