Nhiều trường hợp trẻ chỉ phát ban nhưng do không hiểu đúng về bệnh nên phụ huynh một mực yêu cầu nhập viện khiến các bé đứng trước nguy cơ bị bệnh cơ hội khác tấn công.
“Nếu không có biến chứng xảy ra, trẻ mắc bệnh sởi không nhất thiết phải nhập viện”. Đó là khuyến cáo của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng tại buổi làm việc với Sở Y tế TPHCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn (ngày 10/4).
Cục trưởng cho biết, thực tế khảo sát tại một số bệnh viện trên cả nước ghi nhận, nhiều trẻ chỉ bị phát ban (mắc sởi ở thể nhẹ) nhưng đã nhập viện. Điều này chứng tỏ cộng đồng chưa được tuyên truyền để hiểu đúng về bệnh sởi.
“Trẻ mắc bệnh sởi nếu không có biến chứng xảy ra chỉ cần chăm sóc điều trị tại nhà trong điều kiện vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng tốt”, ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu phụ huynh nóng lòng yêu cầu được nhập viện sẽ vô tình đẩy những trẻ mắc sởi nhẹ này vào vòng nguy hiểm. Bởi trong môi trường lưu hành của nhiều mầm bệnh khác nhau như bệnh viện, trẻ có thể trạng yếu sẽ đứng trước nguy cơ bị các bệnh cơ hội khác như nhiễm trùng, hô hấp, tiêu hóa… tấn công.
Sự nhiễm chéo của các bệnh cơ hội sẽ là mối nguy lớn, gây nên những biến chứng cho trẻ trên nền bệnh sởi. Trên thực tế, đã có 25 trẻ tử vong do biến chứng sởi (chủ yếu tại phía Bắc) kể từ đầu năm đến nay từ hệ quả của tình trạng nhiễm chéo bệnh viện.
Khẳng định trẻ mắc bệnh sởi không nhất thiết phải nhập viện nếu không có biến chứng, Cục trưởng Nguyễn Đắc Phu đề nghị các bệnh viện nên khám sàng lọc và tư vấn kỹ cho người nhà bệnh nhân.
“Với bệnh sởi, bệnh viện tuyến cơ sở cũng đủ khả năng để giải quyết, cần hạn chế đến mức thấp nhất bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên. Bởi trong môi trường quá tải, nguy cơ nhiễm chéo các loại bệnh khác càng gia tăng, điều đó sẽ gây khó khăn cho điều trị, đe dọa trực tiếp đến an toàn của bệnh nhân”, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết.
Bất chấp những nỗ lực của ngành Y tế TPHCM, bệnh sởi trên địa bàn vẫn đang diễn biến khó lường. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, bệnh sởi đang càn quét thành phố theo hướng từ tây sang đông.
Dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng tổng số bệnh sởi trên toàn thành phố đã lên tới 815 ca. Những cố gắng tiêm bù vắc-xin cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi đang vấp phải nhiều khó khăn vì không ít người dân “bất hợp tác” với ngành Y tế. Hơn nửa thời gian thực hiện chiến dịch tiêm vét đã trôi qua nhưng đến nay mới chỉ đạt được 37% so với mục tiêu Sở Y tế đề ra.
Bên cạnh quyết tâm đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia chiến dịch tiêm vét vắc-xin ngừa sởi, TT Y tế dự phòng thành phố kiến nghị được tăng số điểm tiêm chủng và tăng bàn tiêm tại những phường xã có nhu cầu lớn đã được Cục Y tế Dự phòng phê duyệt.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Chiến dịch tiêm bù vắc-xin ngừa bệnh sởi cần phải chạy đua với thời gian để chặn đứng dịch sởi, các địa phương phải hoàn thành kế hoạch tiêm bù trong tháng 4, cố gắng phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ cao nhất có thể của vắc-xin ngừa bệnh”.
Cục trưởng Trần Đắc Phu khuyến cáo, với trẻ ở độ tuổi ngoài diện tiêm chủng miễn phí hoặc người trưởng thành khi đi kiểm tra nếu phát hiện không có kháng thể với bệnh sởi nên chích ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…