Categories: Sức khoẻ

Trầm cảm: Thủ phạm gây bệnh tim mạch?

Mặc dù hầu hết các nghiên cứu về bệnh tim mạch chủ yếu tập trung vào các yếu tố nguy cơ sinh học (rối loạn glucose máu, rối loạn lipid máu, các yếu tố viêm…) và lối sống (ít vận động, béo phì, hút thuốc lá, nghiện bia rượu…), một số bằng chứng cho thấy rằng trầm cảm có liên quan đến bệnh tim mạch.

Trong các yếu tố tâm lý và tâm thần, trầm cảm là một yếu tố quan trọng và được đề cập nhiều, đóng một phần quan trọng trong các bệnh thực thể mãn tính, đặc biệt bệnh lý tim mạch.

Vậy trầm cảm có phải là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch hay không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850 000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Nhưng chỉ khoảng 25 % trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân tim mạch có khác nhau theo vài nghiên cứu nhưng hầu hết những thống kê cho thấy tỷ lệ mắc trầm cảm biểu hiện ở mức độ triệu chứng và trầm cảm thực sự chiếm tỷ lệ từ 15-30%.

Bệnh thường gặp ở bệnh nhân suy tim và bệnh nhân mạch vành, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới. Trầm cảm triệu chứng và trầm cảm thực sự chiếm tỷ lệ khoảng 65% những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, trong đó trầm cảm thực sự chiếm khoảng 15-22%. Ở bệnh nhân suy tim tỷ lệ bệnh khoảng 35-38%.

Trầm cảm và bệnh mạch vành

Trầm cảm đã được tìm thấy là một yếu tố nguy cơ trong các nguyên nhân của bệnh mạch vành. Xơ vữa động mạch, các cơ chế sinh lý bệnh tiềm ẩn của bệnh mạch vành, đã hình thành từ nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng tim mạch. Vì vậy, xơ vữa động mạch có thể tạo điều kiện cho các triệu chứng trầm cảm hình thành, thậm chí trước khi các triệu chứng lâm sàng bệnh mạch vành xuất hiện.

Tỷ lệ hiện mắc trầm cảm sau nhồi máu cơ tim từ cao từ 3-3.5 lần so với cộng đồng. Một phân tích gộp từ 22 nghiên cứu cho thấy trầm cảm sau nhồi máu cơ tim làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân lên từ 2-2.6 lần so với nhóm không trầm cảm. Tương tự như vậy nghiên cứu ESCAPE thực hiện trên 804 bệnh nhân sau hội chứng vành cấp cho thấy trầm cảm làm tăng gấp 2 lần nguy cơ: tái nhồi máu cơ tim, can thiệp mạch vành cấp cứu, ngừng tim, tử vong do tim mạch sau 2 năm theo dõi.

Bảng 1: Nghiên cứu mối quan hệ giữa trầm cảm và tiên lượng bệnh mạch vành ở những người không có bệnh mạch vành trước đó.

(Nguồn: K . Ranga R. Krishnan. Broken heart: depression in cardiovascular disease. In: Dialogues in Clinical Neuroscience, Vol 5, No 2, 2003, p167-174)

Trầm cảm và suy tim

Tỷ lệ trầm cảm trên bệnh nhân suy tim theo nhiều nghiên cứu khoảng từ 35-38%. Số liệu thống kê cho thấy nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở bệnh nhân suy tim gấp 4-5 lần so với cộng đồng. Ở bệnh nhân suy tim , trầm cảm gắn liền với tình trạng sức khỏe kém, tần suất nhập viện cao, tỷ lệ tử vong cao.

Rutledge và cộng sự phân tích gộp 27 nghiên cứu về trầm cảm và suy tim đã cho thấy mối liên quan tuyến tính giữa tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và mức độ suy tim. Tương tự một phân tích gộp khác cũng cho thấy tỷ lệ trầm cảm có mối tương quan mạnh với tình trạng tuổi, mức độ suy tim ở bệnh nhân nhập viện. Trầm cảm thường gặp ở những bệnh nhân > 60 tuổi và suy tim nặng hơn. Bên cạnh đó người ta cũng thấy trầm cảm chiếm tỷ lệ cao ở những bệnh nhân suy tim cấy máy phá rung (ICD) so với nhóm bệnh nhân còn lại.

Quan sát trên những bệnh nhân nhập viện trên 70 tuổi, tỉ lệ tái nhập viện là 67% ở nhóm bệnh nhân suy tim có trầm cảm nhưng chỉ 44% ở nhóm bệnh nhân suy tim không có trầm cảm. Bệnh nhân suy tim kèm trầm cảm tỷ lệ tử vong là 21%, so với 15% ở nhóm suy tim không kèm trầm cảm.

Trầm cảm và rối loạn nhịp tim

Mối quan hệ giữa các yếu tố hành vi và bệnh sinh rối loạn nhịp tim ở người đã được đề cập. Ba tình trạng thường gặp đóng góp cho sự xuất hiện của rối loạn nhịp tim: sự bất ổn định điện cơ tim, thường do bệnh động mạch vành; biến cố phát sinh cấp tính, thường liên quan đến căng thẳng thần kinh; và trạng thái tâm lý mãn tính, phổ biến và dữ dội, thường bao gồm cả trầm cảm và tuyệt vọng.

Hệ thống thần kinh tự động đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của rối loạn nhịp tim và là cơ sở lý giải sự tác động của căng thẳng (stress) thần kinh và trầm cảm đến sự cân bằng thần kinh tự động tim. Ngày càng có các bằng chứng cho thấy những bệnh nhân có những thay đổi lớn nhất trong việc điều hòa thần kinh tim với giảm trương lực phó giao cảm đi đôi với tăng hoạt động giao cảm có nguy cơ lớn nhất đối với hình thành loạn nhịp thất gây tử vong.

Trầm cảm và tăng huyết áp

Meng L. đã nghiên cứu phân tích mối liên quan giữa trầm cảm và tăng huyết áp, tiến hành trên 22.367 người tham gia với một theo dõi trung bình thời gian 9,6 năm. Nghiên cứu thấy rằng trầm cảm làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) khởi đầu vào đầu những năm 1970 với các thử nghiệm tâm lý kỹ lưỡng của gần 3.000 người trưởng thành có huyết áp bình thường. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra huyết áp và hồ sơ y tế của các đối tượng từ 7 đến 16 năm sau đó, và phát hiện một xu hướng đáng chú ý: Những người mắc hoặc trầm cảm nặng hoặc lo lắng khi bắt đầu cuộc nghiên cứu tăng 2-3 lần mắc bệnh tăng huyết áp so với những người còn lại.

Trầm cảm và lo âu thường dẫn đến hút thuốc lá, uống rượu quá mức, và tăng cân, hành vi đó là chắc chắn có thể thúc đẩy tăng huyết áp và bệnh tim.

Những năm gần đây, việc khống chế các yếu tố nguy cơ sinh học và điều chỉnh lối sống trong bệnh tim mạch, đã mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch, nhưng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch vẫn tiếp tục gia tăng như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch thận, mạch chi dưới…Các bệnh lý không lây nhiễm này đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Việc khống chế và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ là chiến lược tối ưu hiện nay đối với các bệnh lý không lây nhiễm nói chung, bệnh lý tim mạch nói riêng. Nếu yếu tố nguy cơ tâm lý và tâm thần, trong đó trầm cảm là yếu tố nguy cơ quan trọng và là yếu tố nguy cơ dự phần trong các bệnh lý tim mạch, thì rõ ràng việc khống chế và kiểm soát yếu tố nguy cơ này cần phải được nhìn nhận và quản lý một cách có hệ thống, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc hạ thấp tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh tim mạch.

TS.BS. Lê Thanh Hải (Đại học Y dược Thừa Thiên Huế)

Nguồn: SKĐS

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago