Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Ngày 27/4 Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ra thông báo kết quả ban đầu về vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung là do hai nguyên nhân. Một là do tác động hóa học thải ra từ hoạt động con người trên đất liền và trên biển. Hai là do hiện tượng dị thường của thiên nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ).
GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng- Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo sức khoẻ &Đời sống GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng- Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng: Với kiến thức và kinh nghiệm thu được hơn 50 năm nghiên cứu về môi trường, tôi khẳng định rằng “thủy triều đỏ” không thể gây ra cá chết hàng loạt như vậy, nhất là có cá nặng tới 10-30 kg sống ở tầng sâu cũng chết, bởi vì “thủy triều đỏ” phát sinh từ ô nhiễm chất dinh dưỡng quá mức (phú dưỡng) hay do hiện tượng một số loài tảo biển chết nở hoa làm cho màu nước biển có màu đỏ (đôi khi có màu nâu, màu xanh) có thể gây tác động xấu đến sự phát triển và sinh tồn của các loài cá, có thể gây ngộ độc cá ở tầng mặt nước chết, nhưng không thể gây ra ngộ độc cá chết hàng loạt, kể cả cá to, cá ở tầng sâu như vậy, trước đây ở bờ biển Bình Thuận nước ta cũng đã có xuất hiện thủy triều đỏ, nhưng nó chưa bao giờ gây ra cá to chết hàng loạt như vậy. Mặt khác trong tháng vừa qua ở vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế không phát hiện thấy có hiện tượng thủy triều đỏ, vậy lý do gì mà lại nói rằng có thể do thiên tai thủy triều đỏ?
Việc điều tra đo lường ô nhiễm nước biển để tìm thủ phạm gây ra cá chết với thời gian qua nhiều ngày sau khi cá chết cũng gây khó khăn. Bởi vì với không gian biển mênh mông, biển luôn có sóng, thủy triều và các dòng hải lưu ngầm, các chất ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt sẽ khuếch tán và được pha loãng rất nhanh. Trong khi đó, từ lúc phát hiện cá chết đến nay đã hơn 20 ngày rồi thì tất nhiên ô nhiễm nước biển không còn bị ô nhiễm như ban đầu nữa,như khi nước thải mới đổ vào biển, vì vậy tôi cho rằng bây giờ mới đo lường ô nhiễm biển để tìm thủ phạm là vô ích. Theo tôi, cách làm có hiệu quả nhất là phải trực tiếp kiểm tra nguồn thải tại nhà máy, và họp các chuyên gia giỏi để cùng nhau trao đổi, bàn luận để nhanh chóng có kết luận về nguyên nhân cá biển chết hàng loạt vừa qua.
Các loài cá chết nằm ở tầng sâu, gần bờ và có giá trị kinh tế cao, như cá mú, hồng, hanh, ong, đuối…, có trọng lượng từ vài lạng đến cả chục kg
GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng cho biết: Môi trường nước biển rộng mênh mông, hầu như không có khả năng ngăn tách riêng nước biển đã bị ô nhiểm để xử lý làm sạch nhân tạo được, như là phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm hay là phục hồi môi trường nước trong các hồ ao bị ô nhiễm được. Biện pháp xử lý khả thi nhất là tìm ra các nguồn thải gây ra ô nhiễm (thủ phạm) và ngăn cấm triệt để các nguồn ô nhiễm này đổ vào biển. Và cần có một thời gian một số năm nhất định thì biển sẽ tự làm sạch được.
Đối với việc cá chết mà bị nhiễm độc thì biện pháp tiêu hủy an toàn cho môi trường cũng giống như tiêu hủy các đàn gà bị dịch chết mà trước đây ta đã làm. Không nên sử dụng cá chết do nhiễm độc làm thức ăn gia súc, bởi vì các chất độc hai, nhất là các kim loại nặng và hóa chất độc hại sẽ còn lưu tồn trong cơ thể của cá chết. Gia súc ăn cá chết cũng sẽ bị nhiễm độc tồn lưu, con người ăn thịt các gia súc này cũng sẽ bị nhiễm độc theo, tuy rằng không chết nhưng có hại cho sức khỏe. GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng chia sẻ thêm.
Nguyễn Mai
Nguồn: SKDS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…