Các bệnh về thấp khớp rất đa dạng. Vì vậy, thuốc chữa cũng nhiều loại và biến chứng thì vô cùng.
Bệnh khớp thường gặp nhất là đau mỏi xương, cột sống, đau thần kinh tọa và thoái hóa khớp. Người ta thường nói “khớp đớp vào tim” là do bệnh tuy bắt đầu ở khớp và bệnh viêm khớp có thể khỏi nhưng tim thì tổn thương vĩnh viễn. Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mạn tính hay gặp ở nữ từ 40-50 tuổi.
Các thuốc chữa thấp khớp phần lớn đều là các thuốc giảm đau, chống viêm, có tác dụng làm giảm quá trình sưng, đau khiến cho dễ vận động hơn. Những thuốc này ngoài tác dụng chữa bệnh còn khá nhiều các tác dụng phụ có hại
Ảnh minh họa |
Thủ phạm gây teo cơ
Ở khoa Khám bệnh của Trung tâm Xương khớp, Bệnh viện E có rất nhiều người điều trị biến chứng của khớp vì tự ý tiêm thuốc chữa tại nhà. Ông Lại Văn Ba (Kim Mã, Hà Nội) được con cháu đưa đến viện trong tình trạng cứng khớp, không vận động được. Mấy năm nay ông đã mua thuốc Bắc chữa phong thấp (trong thành phần của nó có steroid), tiêm thuốc trị khớp rất nhiều nên lúc đầu bệnh có thuyên giảm nhưng sau đó lại càng nặng hơn và bị một số biến chứng khác.
Các bác sĩ cho biết viêm khớp có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp. Bệnh thường gặp ở tuổi bắt đầu của sự lão hóa, nhưng cũng có thể xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện do biến chứng nhiễm trùng khớp, teo cơ, cứng khớp gối… vì lạm dụng tiêm thuốc vào khớp, nhất là corticoid.
Có nhiều cách điều trị khớp, nhưng thủ thuật tiêm vào ổ khớp hiệu quả hơn cả. Bởi vì phần lớn những người được tiêm thuốc (nhất là corticoid) thường giảm đau rất nhanh và có thể phát huy tác dụng tới 4-5 tháng. Tuy nhiên, phương pháp này bắt buộc phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có kiến thức và tay nghề.
Thực tế, có không ít bệnh nhân lạm dụng việc tiêm vào khớp để trị bệnh. Khi được hỏi, nhiều người giải thích: Vì thấy tác dụng nhanh của việc tiêm vào khớp nên dễ dãi chấp nhận thủ thuật này tại nhà hoặc tiêm ở những cơ sở tư nhân không đạt chuẩn, không đảm bảo vô trùng. Người tiêm thiếu kiến thức giải phẫu nên tiêm không đúng vào khớp mà lạc vào cơ, xương, mạch máu, dây thần kinh quanh khớp gây hậu quả xấu như teo cơ, xốp xương, làm mất chức năng khớp, có khi dẫn đến tàn phế, tử vong.
Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim
Nhiều người sau một thời gian chữa trị bệnh khớp lại bị bệnh tim vì dùng thuốc nhiều ngày liên tiếp và các đợt sử dụng gần nhau.
Tại hội nghị “Những bằng chứng về mối liên quan giữa thuốc kháng viêm không steroid và biến chứng trên hệ tim mạch” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về xương khớp và tim mạch, GS. Stephen Hall (ĐH Monash, Melbourne, Úc) và nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tác hại đối với tim mạch của các thuốc kháng viêm không steroid thường được sử dụng để điều trị tình trạng viêm, đau trong các bệnh lý thường gặp như viêm khớp, thấp khớp.
Những bằng chứng nghiên cứu mới nhất cho thấy, các thuốc kháng viêm, giảm đau ức chế chọn lọc COX-2 ở mức độc cao (trên 50 lần) đã làm gia tăng sự tạo thành cục máu đông trong lòng mạch máu, gây biến chứng lên hệ tim mạch, cụ thể là nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, phù người vì bị giữ nước…
Ngoài ra, loại kháng viêm không steroid còn phá hỏng dạ dày như: viêm loét nặng hơn, chảy máu hay thủng dạ dày tá tràng gây tiêu chảy.
Một năm chỉ nên tiêm < 3 lần
Thủ thuật tiêm vào khớp chỉ nên thực hiện khi người bệnh đã dùng thuốc kháng viêm không steroid không có hiệu quả, các thuốc điều trị ít tác dụng. Bệnh nhân cần lưu ý khi tiêm khớp không được quá 3 lần trong một năm và mỗi lần tiêm không được quá 3 khớp. Bởi vì, sau mũi tiêm đầu tiên, tác dụng có thể kéo dài tới 4 tháng, thậm chí nửa năm; nhưng mũi thứ hai công dụng đã bị rút ngắn một nửa và đến mũi thứ ba, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng.
Thông thường, tiêm khớp hay được chỉ định trong khi điều trị viêm gân, dây chằng quanh khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh thoái hóa khớp mức độ nhẹ hoặc trung bình, bệnh gút và giả gút, điều trị đau dây thần kinh tọa. Một số bệnh nhân lầm tưởng việc trộn lẫn vitamin B12, kháng sinh với corticoid vào khớp sẽ rất tốt, nhưng đây là quan niệm sai lầm vì chúng sẽ gây tai biến tại chỗ, rất khó khắc phục.
Những bệnh nhân trên 60 tuổi, người có tiền sử bị viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn chức năng gan, thận và đông máu, phụ nữ mang thai, đang cho con bú hay trẻ em dưới 13 tuổi phải hết sức cẩn thận khi sử dụng thuốc. Do thuốc điều trị thấp khớp có nhiều tác dụng phụ, vì vậy nên khám bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất hoặc thấy có dấu hiệu bất thường thì phải ngừng sử dụng thuốc và đi kiểm tra tránh để lại biến chứng khôn lường.
Các loại thuốc chữa thấp khớp hay bị lạm dụng
Hydrocortison: Thuốc dùng theo chỉ định của bác sĩ khi viêm khớp nặng còn thấp khớp nhẹ không nên dùng mà chỉ cần dùng kháng viêm không steroid vẫn có hiệu quả, an toàn và rẻ tiền. Nếu dùng trong viêm khớp do nhiễm khuẩn, hoặc khi có nhiễm khuẩn toàn thân thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Depersolon: Thuốc dùng chống viêm khớp, chống dị ứng trong những trường hợp choáng nặng. Tuy nhiên, người ta nhầm Depersolon phòng được dị ứng nên thường trộn vào dịch tiêm truyền. Điều đó sai với chỉ định, gây mất hiệu lực của thuốc khác, làm giảm sức đề kháng cơ thể và làm tăng huyết áp.
Kenacort: Là một loại corticoid rất mạnh nhưng rất độc. Thuốc được tiêm bắp trong viêm khớp dạng thấp, dị ứng da hoặc tiêm tại chỗ trong các bệnh khớp, không dùng điều trị bệnh hen. Thực tế, một số người làm dịch vụ y tế tuyến cơ sở hay tiêm thuốc này để chữa viêm đau khớp, chữa hen. Điều này có thể làm giảm một số triệu chứng nhất thời, khiến người bệnh chủ quan và không dùng đúng các thuốc kiểm soát hen, khiến bệnh càng nặng hơn.
Nguyễn Ánh
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…