Categories: Truyền nhiễm

Thông tin cơ bản về virus HIV và bệnh AIDS

HIV phá huỷ các tế bào của hệ miễn dịch, chủ yếu là tế bào CD4, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh, AIDS là bệnh mạn tính do HIV gây ra.

HIV là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Human Immuno-deficiency Virus (Virus gây suy giảm miễn dịch ở người) làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

AIDS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Acquired Immuno-deficiency Syndrome (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) là một bệnh mạn tính do HIV gây ra. HIV phá huỷ các tế bào của hệ miễn dịch, chủ yếu là tế bào CD4, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Do đó bệnh nhân dễ bị một số loại nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong.

Thuật ngữ nhiễm HIV/AIDS được dùng để chỉ những giai đoạn khác nhau của cùng một bệnh. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến khi có biểu hiện chuyển thành bệnh AIDS tuỳ thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người, trung bình khoảng 5-10 năm.

Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc chữa loại bỏ hoàn toàn virus HIV ra khỏi cơ thể mà chỉ có thuốc kháng virus (antiretrovirus – ARV) có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus và khôi phục hệ thống miễn dịch giúp kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân. Do đó, nhiễm HIV/AIDS ngày nay được coi như một bệnh mạn tính cần uống thuốc suốt đời. Người nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời các nhiễm trùng cơ hội và tuân thủ uống thuốc ARV tốt thì có thể sống khoẻ mạnh bình thường nhiều năm tới vài chục năm.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS trên thế giới và Việt Nam

Trên thế giới HIV/AIDS xuất hiện từ đầu năm 1980 nhưng sau đó đã nhanh chóng lan ra toàn cầu trở thành đại dịch. HIV tấn công mọi đối tượng nhưng chủ yếu là đối tượng thanh niên. Tính đến cuối năm 2010, toàn cầu có khoảng 34 triệu người đang sống với HIV/AIDS, chủ yếu ở các nước châu Phi và các nước đang phát triển. Hàng năm có khoảng 3 triệu người mới nhiễm và 2 triệu người tử vong do HIV/AIDS.

Ở Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện năm 1990. Tỷ lệ nhiễm HIV ước chừng 0,4% dân số, tập trung chủ yếu trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, mại dâm và có xu hướng lan dần vào cộng đồng. Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 30/6/2012, trên toàn quốc có 204.000 người nhiễm HIV, 58.000 người chuyển sang giai đoạn AIDS và tỷ lệ tử vong do HIV là 62.000 người.

Đường lây truyền virus HIV

Virus HIV có nhiều nhất ở trong máu, trong tinh dịch (nam giới) và dịch âm đạo (nữ giới). HIV cũng có ở trong các dịch sinh học khác của cơ thể người nhiễm HIV như nước bọt, nước mắt, nước tiểu, mồ hôi, dịch não tuỷ và sữa mẹ của người nhiễm HIV.

HIV lây truyền qua 3 đường chính

– Quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn với đối tượng nhiễm HIV có hành vi nguy cơ cao như phụ nữ mại dâm, người tình dục đồng giới nam.

– Máu và các chế phẩm máu: Sử dụng dụng cụ tiêm chích hoặc dụng cụ xuyên qua da không được tiệt trùng như dùng chung bơm kim tiêm ở nhóm người nghiện chích ma tuý, người chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh, truyền máu hoặc các sản phẩm thương mại từ máu mà không sàng lọc nhiễm HIV.

– Mẹ truyền sang con: HIV từ mẹ có thể qua rau thai vào cơ thể thai nhi rất sớm (từ tuần thứ 8) trong quá trình mang thai, hoặc lây truyền cho con trong quá trình chuyển dạ (50-60% trẻ sơ sinh lây HIV từ mẹ qua giai đoạn này) và có thể lây qua sữa mẹ qua các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ trong giai đoạn cho con bú.

HIV không lây truyền qua

– Giao tiếp thông thường: ôm, hôn, bắt tay, nói chuyện, ho, hắt hơi,…

– Dùng chung nhà tắm, bể bơi, bồn tắm, mặc chung quần áo, ngồi chung ghế,…

– Ăn uống chung bát đũa, cốc, chén,…

– Vết cắn của côn trùng và súc vật: ruồi, muỗi, rận, chó, mèo, chim,…

Các giai đoạn tiến triển của HIV/AIDS

Giai đoạn nhiễm HIV cấp tính (sơ nhiễm)

Xuất hiện từ 2 – 8 tuần sau khi nhiễm HIV. Bệnh nhân có biểu hiện giống như cảm cúm: sốt cao, kèm theo đau cơ, đau khớp, vã mồ hôi, mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau họng, phát ban đỏ ngoài da, có thể sưng hạch ở dưới cằm, cổ, nách… Các triệu chứng này hiện diện trong vòng 1 tuần và tự khỏi hoàn toàn nên nhiều người thường không để ý.

Trong giai đoạn này, cơ thể chưa sinh ra kháng thể nên gọi là giai đoạn cửa sổ, tức là người nhiễm tuy khoẻ mạnh bình thường nhưng trong máu chứa nhiều virus HIV và cơ thể chưa có kháng thể để có thể phát hiện bằng các xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán thông thường. Do đó người này tuy xét nghiệm HIV âm tính nhưng vẫn có thể truyền HIV cho người khác do không biết mình nhiễm bệnh. Phải đợi trung bình 3-6 tháng sau mới có thể xét nghiệm xác định được kháng thể (xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán).

Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng

Sau khi nhiễm HIV cấp, bệnh nhân nhiễm HIV rơi vào giai đoạn dài không triệu chứng (trung bình từ 5 – 10 năm). Tuy nhiên, sau khi huyết thanh dương tính, một số trường hợp xuất hiện hội chứng hạch to toàn thân và kéo dài. Hay gặp nhất là hạch cổ, hạch dưới hàm và hạch nách, không giải thích được lý do nổi hạch. Trong giai đoạn này, chẩn đoán huyết thanh để xác định nhiễm bệnh lại khá dễ dàng do kháng thể kháng HIV đã xuất hiện.

Giai đoạn có triệu chứng (AIDS)

Chẩn đoán là AIDS tức là nhiễm do HIV ở giai đoạn cuối với sự xuất hiện của nhiều các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư thường sau khi phát hiện nhiễm HIV 2-10 năm. Biểu hiện lâm sàng ở nhiều cơ quan như phổi, hệ thần kinh, hệ tiêu hoá, da niêm mạc,.. Nếu cơ thể yếu, có kèm thêm nhiều bệnh khác hoặc dinh dưỡng kém, suy kiệt, sử dụng chất gây nghiện thì giai đoạn này sẽ đến sớm hơn. Các triệu chứng chỉ điểm:

– Sụt cân (trên 10% trọng lượng cơ thể).

– Sốt kéo dài trên 1 tháng.

– Tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng.

– Ho kéo dài trên 1 tháng.

– Viêm ngứa da toàn thân, hoặc bị nốt phỏng (Zona) tái diễn.

– Nhiễm nấm (tưa) ở hầu, họng, kéo dài hay tái phát.

– Nổi hạch kéo dài trên 3 tháng.

Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV

Nhiễm HIV ở người lớn được chẩn đoán trên cơ sở xét nghiệm kháng thể HIV. Một người được xác định là nhiễm HIV khi có mẫu huyết thanh dương tính cả ba lần xét nghiệm kháng thể HIV bằng ba loại sinh phẩm khác nhau với nguyên lý phản ứng và phương pháp chuẩn bị kháng nguyên khác nhau (theo quy định của Bộ Y tế). Đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao (như người tiêm chích ma tuý, người có hành nghề mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, người bệnh nhân bị lao,…) cần phải đi xét nghiệm HIV thường xuyên.

Xét nghiệm kháng thể HIV: Là loại xét nghiệm được tiến hành phổ biến nhất, gián tiếp chỉ ra sự có mặt của HIV thông qua việc phát hiện kháng thể kháng HIV.

Xét nghiệm trực tiếp: Phát hiện chính bản thân HIV, bao gồm các xét nghiệm kháng nguyên (kháng nguyên p24), nuôi cấy HIV và phản ứng chuỗi polymerase (PCR).

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào CD4 trong máu giúp đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch. Bình thường số lượng tế bào CD4 ở người khoẻ mạnh vào khoảng 800-1000/mm3 máu. Nếu số lượng tế bào CD4 < 200/mm3 tức là bị suy giảm miễn dịch nặng.

Xét nghiệm đo tải lượng virus HIV: Là xét nghiệm hiện đại cho phép xác định số lượng bản sao (copies) của virus HIV/1 ml huyết tương của bệnh nhân.

Điều trị HIV/AIDS

Hiện nay các phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân đều được mở ở rộng đến tận các tuyến tỉnh và huyện trên cả nước. Người bị nhiễm HIV/AIDS có quyền được khám, chăm sóc và điều trị thuốc ARV tại các cơ sở y tế, do đó họ cần đến các phòng khám ngoại trú này để đăng ký, tư vấn, điều trị và theo dõi lâu dài theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.

Điều trị bằng thuốc

Mục đích điều trị bằng thuốc nhằm giảm lượng virus trong máu dưới ngưỡng phát hiện, làm phục hồi hệ miễn dịch (tăng số lượng tế bào CD4), ngăn chặn các biểu hiện nhiễm trùng cơ hội, nhờ đó kéo dài tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống và tái hoà nhập với cộng đồng.

– Điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV): Có tác dụng ức chế sự phát triển và nhân lên của HIV ở những giai đoạn khác nhau trong vòng đời của virus. Phải kết hợp ít nhất 3 loại thuốc ARV và phải dùng thuốc suốt đời. Phải tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của thầy thuốc tránh hiện tượng kháng thuốc và xử trí kịp thời các tác dụng phụ của thuốc.

– Thuốc điều trị và dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội:

+ Các thuốc kháng sinh: cotrimoxazole (biseptol) điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội viêm phổi PCP, viêm não toxoplasma và một số bệnh đường ruột.

+ Các thuốc kháng nấm: fluconazole, itraconazole, amphotericine B điều trị nấm họng, nấm da, nấm màng não.

Điều trị bổ sung

– Chế độ dinh dưỡng tốt, làm việc nghỉ ngơi điều độ.

– Hỗ trợ tâm lý xã hội, sống khoẻ mạnh tích cực, giảm tác hại và các hành vi nguy cơ.

– Tham gia tích cực và hoà nhập vào cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.

Dự phòng lây nhiễm HIV

Phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục

– Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV.

– Áp dụng các biện pháp an toàn trong quan hệ tình dục với người chưa rõ có bị nhiễm HIV hay không.

Phòng lây nhiễm HIV qua đường máu

– Không tiêm chích ma tuý.

– Phải coi máu và tất cả các dịch sinh học đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV. Đảm bảo 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, cũng như kiểm tra tình trạng nhiễm HIV của những người cho máu trước khi lấy máu.

– Hạn chế tiêm chích trên người có HIV. Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng dùng 1 lần. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu…

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV. Khi tiến hành các thao tác có liên quan đến máu và dịch đều phải đeo găng tay. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi thay chiếu, chăn, quần áo hoặc sau khi tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể người bệnh.

– Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…

Phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

– Nếu phụ nữ mang thai không bị nhiễm HIV thì không thể truyền HIV sang cho con của họ được. Để tránh lây truyền HIV, thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân, chung thuỷ một vợ – một chồng và sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục. Tất cả phụ nữ có thai cần đến cơ sở y tế được khám thai và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.

– Khoảng 30% các trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV sẽ bị lây từ mẹ. Nếu được uống thuốc dự phòng, tỷ lệ lây này sẽ giảm chỉ còn 0,3%. Thông thường đứa trẻ sinh ra phải sau 18 tháng mới có thể xét nghiệm để biết có lây từ mẹ hay không.

– Nếu phụ nữ đã bị nhiễm HIV, cần phải phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Nếu vẫn muốn sinh con thì họ sẽ được nhân viên y tế tư vấn về chăm sóc thai nghén, dùng thuốc ARV vào thời điểm thích hợp và áp dụng biện pháp sinh đẻ an toàn (mổ đẻ, không cho con bú) tránh lây truyền cho con.

CNTTCBTG – BV Bạch Mai

adminyhoc

Recent Posts

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago

Căng thẳng và sức khỏe đường tiêu hóa có liên quan như thế nào?

Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…

1 week ago

Sức khỏe đường ruột, mức năng lượng tối ưu với chúng ta

Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…

1 week ago