Categories: Sức khoẻ

Thiếu kháng độc tố bạch hầu, bệnh nhân có nguy cơ tử vong

Dịch bạch hầu đang bùng phát tại Lào với gần 600 ca và 11 người đã tử vong. Hầu hết các tỉnh/thành có ca bệnh đều giáp biên giới với Việt Nam.

Riêng Việt Nam, mỗi năm cũng ghi nhận từ 10 – 50 ca mắc bệnh. Đáng nói, Việt Nam đã sản xuất được huyết thanh trung hòa độc tố, nhưng hiện các bệnh viện (BV) tại TP HCM lại không có kháng độc tố này.

Không ngăn được biến chứng

Phản ánh đến báo Phụ Nữ, người nhà bệnh nhi T.Y. (ảnh – mười tuổi, ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cho biết, bé Y. được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu từ sớm nhưng các BV đều không có kháng độc tố bạch hầu nên bé đã chuyển sang viêm cơ tim, suy tim… và đang có nguy cơ biến chứng hệ thần kinh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 17/11, bé T.Y. đau họng, sốt, khàn tiếng, nhợn ói, không ăn uống được. Tình trạng đau họng càng lúc càng nặng nên người nhà đưa đến BV Sản Nhi tỉnh Trà Vinh điều trị. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ (BS) ghi nhận trong vùng cổ họng có giả mạc màu trắng đục bám vào amiđan, lưỡi gà, nhiều hạch ở cổ… (đặc trưng của bệnh bạch hầu).

Ảnh minh họa.

Bé Y. cũng chưa từng chích vắc-xin ngừa bạch hầu. Sau khi uống thuốc hạ sốt, dùng kháng sinh, bé Y. được chuyển lên BV Nhi Đồng 1 TP HCM. Tại đây bé cũng được chẩn đoán bị bạch hầu nhưng không có kháng độc tố bạch hầu giúp giảm độc lực của vi trùng gây bệnh.

Một BS lý giải: “Bệnh bạch hầu do vi trùng Corynebacterium diphtheriae gây ra, thường gây nhiễm trùng ở niêm mạc hô hấp, khó thở, suy hô hấp và tử vong nếu điều trị không kịp. Nhưng nguy hiểm hơn là vi trùng này tiết ra độc tố, độc tố thấm vào nội tạng nào sẽ gây biến chứng ở cơ quan đó như viêm cơ tim, suy tim, ngưng tim, viêm dây thần kinh sọ, suy thận, suy gan…

Đặc biệt 20-30 % bệnh nhân sẽ bị biến chứng tim và 80 % trong số đó sẽ tử vong, chủ yếu do loạn nhịp gây ngưng tim. Nếu thoát chết, sau khi hết bệnh, những biến chứng khác có thể khỏi nhưng các bệnh lý về tim thì tồn tại suốt đời.

Do đó, nguyên tắc chính trong điều trị bệnh bạch hầu là phải có kháng sinh diệt vi trùng và huyết thanh trung hòa độc tố bạch hầu càng sớm càng tốt mà không cần phải chờ kết quả xét nghiệm. Hiện các BV chỉ có kháng sinh tiêu diệt vi trùng gây bệnh mà lại không có kháng độc tố để kìm hãm độc lực của vi trùng. Kháng độc tố này được sản xuất từ người mang bệnh hoặc tinh chế từ huyết thanh của ngựa có độc tố bạch hầu.

Nhưng kháng độc tố từ người có nồng độ quá thấp nên không thể điều trị bệnh, còn kháng độc tố từ ngựa hiện không có hàng. Trong khi, với bệnh bạch hầu, nếu điều trị khi bệnh chưa quá ba ngày đầu thì tỷ lệ tử vong không quá 5 %, nhưng trễ hơn thì mức độ nhiễm độc cao, tỷ lệ tử vong có thể tăng lên 20 lần”.

BV Nhi Đồng 1 không có kháng độc tố bạch hầu, bé T.Y. được chuyển tiếp qua BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Dù BV Bệnh Nhiệt đới là tuyến cuối ở khu vực phía Nam điều trị bệnh bạch hầu, nhưng cũng không còn huyết thanh kháng độc tố.

Ngày 18/11, kết quả xét nghiệm cho thấy men tim bệnh nhi đã tăng cao so với người bình thường. Bệnh nhi thiếu máu cơ tim. Đến ngày 1/12, bệnh nhi tiếp tục có dấu hiệu suy tim, rối loạn nhịp nhẹ và đang có nguy cơ biến chứng lên hệ thần kinh. Hiện các BS chỉ điều trị triệu chứng bệnh như dùng thuốc trợ tim, suy tim cho bệnh nhi và tiếp tục theo dõi.

Ít ca bệnh nên không sản xuất vắc – xin?

ThS-BS Hồ Vĩnh Thắng – Phó khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP HCM khuyến cáo: Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi.

Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng hoặc mắc thể nhẹ nhưng tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10 %, nhất là khi có dịch xảy ra. Đặc biệt, hiện Lào đang ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại 6/17 tỉnh, thành phố. Các tỉnh/thành này giáp với biên giới Việt Nam. Cách phòng ngừa hiện nay là phải chủ động chích vắc-xin ngừa bạch hầu.

Hàng năm các ca bạch hầu vẫn được phát hiện, điều này cho thấy bệnh vẫn lưu hành trong cộng đồng và sẽ xuất hiện ca bệnh và dịch xảy ra nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhất là ở lứa tuổi nhỏ.

Theo BV Bệnh Nhiệt đới, mỗi năm nơi đây tiếp nhận vài ca mắc bệnh bạch hầu, riêng năm 2015 có hai ca, trong đó có một bệnh nhân người lớn. Đặc biệt, từ năm 2011 và 2012, mỗi năm BV này tiếp nhận đến 15 ca bạch hầu và BV đã nhiều lần gửi công văn lên Sở, Bộ Y tế tìm nguồn hàng cho người bệnh, nhưng đến nay vẫn không có.

Một BS cho biết: “Tùy vào từng ca bệnh nặng hay nhẹ mà một bệnh nhi sẽ được cho chích từ 10.000 – 100.000 đơn vị kháng độc tố bạch hầu. Chi phí cho 2.000 – 5.000 đơn vị kháng độc tố chỉ khoảng 200.000 – 300.000đ nên viện phí mỗi đợt điều trị không cao. Dù ít ca bệnh nhưng BV vẫn sẵn sàng mua để cứu bệnh nhi nhưng vẫn không có thuốc”.

Điều ngạc nhiên là Việt Nam, cụ thể là Viện Pasteur Nha Trang đã tự sản xuất được kháng độc tố bạch hầu từ rất lâu, nhưng khi phóng viên liên hệ thì đại diện đơn vị này cho biết, hiện ít ca bệnh nên… không còn sản xuất.

Theo Văn Thanh/Báo Phụ Nữ
Nguồn: Zing

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

18 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

18 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago