Tam cá nguyệt là gì?
Trong thời gian mang thai, thai phụ thường được nghe đến cụm từ “tam cá nguyệt” và không phải ai cũng hiểu cụm từ này nghĩa là gì nên băn khoăn không biết tại sao mọi người lại hay nhắc đến. Thực ra, nghĩa của cụm từ đơn giản chỉ là “3 tháng”. Đây là một cụm từ Hán Việt, Tiếng Trung giản thể là “三个月“, phiên âm quốc tế là “sān gè yuè”, phiên âm Hán Việt là “tam cá nguyệt”. Đây là khoảng thời gian kéo dài 3 tháng và được dùng để đánh dấu quá trình mang thai của phụ nữ, theo đó, thời gian mang thai được phân làm 3 giai đoạn là tam cá nguyệt thứ nhất, tam cá nguyệt thứ 2 và tam cá nguyệt thứ 3.
Tam cá nguyệt thứ nhất
Tam cá nguyệt đầu tiên là từ tuần thai thứ 1 đến tuần thai thứ 12
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, hầu hết các thai phụ đều biết mình đã mang thai. Thai phụ sẽ gặp phải các hiện tượng thai nghén như ngừng kinh nguyệt, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, núm vú và quầng vú sậm màu, bầu vú cương tức to dần lên, tử cung cũng to dần lên và nhô dần ra khỏi khung xương chậu.
Trong tam cá nguyệt đầu tiên này, phôi thai đã được hình thành ổn định trong tử cung. Các bộ phận bên trong và bên ngoài cơ thể phôi thai đang định hình và phát triển như bề ngoài mặt, mũi, tai, tay, chân, cơ quan sinh dục ngoài; Tim chia thành 4 ngăn, phổi hình thành sơ bộ, xương ống, tủy xương bắt đầu tạo máu, dạ dày bắt đầu hoạt động, ruột bắt đầu hấp thu đường gluco; Bánh nhau bắt đầu hình thành để làm nhiệm vụ trao đổi chất dinh dưỡng từ mẹ với phôi thai.
Những điều cần lưu ý cho thai phụ
+ Bắt đầu từ tam cá nguyệt đầu tiên, thai phụ phải khám thai định kỳ, lưu giữ các kết quả thành một tập hồ sơ thai nghén để theo dõi sự thay đổi của cơ thể mình và sự phát triển của thai nhi. Hồ sơ này sẽ được cung cấp cho bệnh viện nơi đăng ký sinh khi lâm bồn. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, thai phụ có 3 lần khám thai quan trọng, lần 1 sau khi ngừng kinh nguyệt 10 ngày để chắc chắn cơ thể đã mang thai, trứng đã được thụ tinh, hình thành bào thai trong tử cung an toàn; lần 2 vào tuần thứ 8 của thai kỳ để kiểm tra tim thai; lần 3 vào tuần thứ 12 để đo độ mờ sau gáy của thai nhi nhằm chẩn đoán nguy cơ mắc hội chứng Down;
+ Duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối để cung cấp năng lượng cho sự phát triển của thai nhi. Thai phụ nên lập một danh sách thực phẩm nên ăn và không nên ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm cho cả mẹ và con;
+ Cần bổ sung thêm viên uống axitfolic, sắt và canxi đầy đủ theo hướng dẫn của bác sỹ sản khoa;
+ Nên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục với những bài tập có cường độ và thời gian hợp lý để tăng cường sức khỏe thai kỳ. Với thai phụ chưa có thói quen tập thể dục hàng ngày thì đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu. Những môn thể dục phù hợp trong thai kỳ là đi bộ và yoga;
+ Duy trì chế độ lao động vừa sức, hạn chế làm việc nhà và tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa để tránh nhiễm độc thai nghén;
+ Thai phụ phải hết sức cẩn thận khi dùng thuốc, chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn;
+ Tiết chế quan hệ tình dục, nếu thai kỳ ổn định khỏe mạnh thì việc quan hệ nhẹ nhàng sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng với những thai phụ ốm nghén nặng, có bệnh lý, tiền sử sảy thai… thì nên kiêng quan hệ tình dục.
+ Cần chuẩn bị tinh thần thật tốt để sẵn sàng đối phó với những cơn ốm nghén của mình. Ốm nghén chỉ là một hiện tượng sinh lý, nó sẽ giảm dần và hết hẳn, vì vậy thai phụ không nên quá lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe hai mẹ con;
+ Thai phụ có những biểu hiện như ốm nghén nặng dẫn đến mệt mỏi quá sức chịu đựng, âm đạo chảy máu, bào thai phát triển bất thường thì cần đi khám, phát hiện, điều trị kịp thời để tránh dẫn đến các tai biến sản khoa sớm như dọa sảy thai, sảy thai…
+ Nên chuyển sang mặc trang phục bà bầu để phù hợp với sự thay đổi của cơ thể;
+ Nên đăng ký tham gia lớp học tiền sản để bổ sung kiến thức cho một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn;
Tam cá nguyệt thứ 2
Tam cá nguyệt thứ 2 là từ tuần thai thứ 13 đến tuần tuần thai thứ 26
Ở tam cá nguyệt thứ 2, thai phụ giảm hẳn các hiện tượng thai nghén, cơ thể ngày càng nặng nề hơn và xuất hiện một số triệu chứng khó chịu như đau lưng, chuột rút.
Ở tam cá nguyệt này, phôi thai đã chuyển sang giai đoạn thai nhi. Thai nhi phát triển rất nhanh, nhịp tim đập rõ hơn, thai máy mạnh hơn, não phát triển và bắt đầu ghi nhớ.
Những điều cần lưu ý cho thai phụ
+ Duy trì khám thai định kỳ, lưu giữ các kết quả tiếp theo vào tập hồ sơ thai nghén. Trong tam cá nguyệt thứ hai có 4 lần khám thai định kỳ đó là tuần thai thứ 14, 20, 22 và 26. Ở những lần khám thai này, thai phụ cần thăm khám và làm các xét nghiệm cơ bản. Ngoài ra, ở tuần thai thứ 22 hoặc 26, thai phụ nên siêu âm thai 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, phát hiện những dị tật bẩm sinh, khảo sát bánh nhau, nước ối để có hướng điều trị kịp thời nếu có nguy cơ dị tật, tiền tai biến;
+ Đây là giai đoạn thực hành thai giáo vì não thai nhi bắt đầu ghi nhớ. Bố mẹ nên bắt đầu nói chuyện với thai nhi, cho thai nhi nghe nhạc giúp thai nhi phát triển cả về thể chất, trí tuệ, cảm xúc;
+ Tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ vì thai nhi phát triển rất nhanh trong giai đoạn này. Ngoài ra thai phụ cũng phải cân đối hợp lý lượng thực phẩm dung nạp vào để tránh bị thừa cân, béo phì, dễ dẫn đến tiểu đường, huyết áp cao và một số tai biến sản khoa trong giai đoạn giữa thai kỳ;
+ Duy trì chế độ vận động, tập thể dục hợp lý để tăng cường sức khỏe thai kỳ và tiêu hao bớt năng lượng thừa;
+ Bổ sung đều đặn các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là viên uống bổ sung axitfolic, sắt, canxi theo hướng dẫn của bác sỹ;
+ Đây là giai đoạn bố mẹ có thể làm những việc như cùng nghĩ tên để đặt cho con, ghi ra giấy danh sách các đồ dùng cho mẹ và con sau sinh, những vật dụng cần thiết khi đi sinh cho mẹ và con để chuẩn bị dần;
+ Nếu không có vấn đề gì cần phải kiêng quan hệ tình dục thì giai đoạn này, thai phụ có thể quan hệ tình dục nhẹ nhàng;
+ Nếu thai phụ có những dấu hiệu bất thường như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, tăng cân nhiều thì phải đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời các tai biến sản khoa ở giai đoạn giữa thai kỳ như tiểu đường, tiền sản giật;
+ Nên mua thêm trang phục bà bầu để mặc vì giai đoạn này cơ thể thai phụ thay đổi rất nhiều;
+ Nếu ở tam cá nguyệt thứ nhất, thai phụ chưa đăng ký tham gia lớp học tiền sản nào thì trong tam cá nguyệt thứ hai, thai phụ nên đăng ký tham gia một lớp học tiền sản để bổ sung kiến thức mang thai và sinh nở;
Tam cá nguyệt thứ 3
Tam cá nguyệt thứ 3 là từ tuần thai thứ 27 đến tuần thai thứ 40
Ở tam cá nguyệt thứ 3, cơ thể thai phụ trông rất đồ sộ, sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ để chào đón thai nhi ra đời. Trong thời gian này, thai phụ có thể gặp rất nhiều khó chịu khi mang thai như đau lưng, đau xương sườn, chuột rút, giãn tĩnh mạch, rạn da, phù nề, ngạt mũi, mất ngủ…
Ở giai đoạn này, thai nhi đã phát triển hoàn thiện, đủ đáp ứng cho một sự sống độc lập khi ra khỏi bụng mẹ.
Những điều cần lưu ý cho thai phụ
+ Tiếp tục duy trì khám thai định kỳ, lưu giữ các kết quả tiếp theo vào tập hồ sơ thai nghén. Trong tam cá nguyệt thứ ba có 7 lần khám thai định kỳ đó là tuần thai thứ 30, 32, 34, 36, 38, 39 và 40. Ở những lần khám thai này, thai phụ cần thăm khám và làm các xét nghiệm cơ bản. Ngoài ra, thai phụ cần phải tiêm phòng uốn ván trước sinh mũi 1 ở tuần thai thứ 30, mũi 2 ở tuần thai thứ 34; đăng ký sinh ở bệnh viện từ tuần thai thứ 30 đến đến tuần thai thứ 36; siêu âm thai 4D ở tuần thứ 36 để đánh giá sự phát triển của thai nhi, xác định ngôi thai, vị trí bánh nhau, đo nước ối;
+ Duy trì chế độ vận động, tập thể dục hợp lý để tăng cường sức khỏe thai kỳ;
+ Tiếp tục bổ sung đều đặn các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là viên uống bổ sung axitfolic, sắt, canxi theo hướng dẫn của bác sỹ;
+ Tiết chế quan hệ tình dục trong thời gian này để tránh việc tử cung co bóp bất thường dẫn đến các tai biến sản khoa ở ba tháng cuối thai kỳ như đẻ non, nhau bong non, nhau tiền đạo…
+ Giai đoạn này bố mẹ cần tăng cường các hoạt động thai giáo như giao tiếp với con, cho con nghe nhạc bởi thính giác thai nhi đã hoàn chỉnh và có thể nghe được mọi thứ âm thanh.
+ Nếu ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai, thai phụ chưa đăng ký tham gia lớp học tiền sản nào thì trong tam cá nguyệt thứ ba này, thai phụ nên đăng ký tham gia một lớp;
+ Đây là giai đoạn bố mẹ phải chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cho mẹ và con sau sinh, danh sách các vật dụng cần thiết khi đi sinh để sẵn sàng nhập viện khi có dấu hiệu chuyển dạ.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho đến ngày chuyển dạ, thai phụ nên hiểu rõ những thay đổi của cơ thể và sự phát triển của thai nhi trong từng tam cá nguyệt như đã nêu ở trên. Qua đó, thai phụ cần phải ghi nhớ những lưu ý trong từng tam cá nguyệt để phòng tránh các tai biến sản khoa có thể xảy ra trong thai kỳ. Nếu quá 40 tuần mà thai phụ chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì cần phải đến ngay bệnh viện nơi đăng ký sinh để thăm khám, kiểm tra và lựa chọn phương pháp sinh phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con.
Thùy Lê
Nguồn: congioilam.com
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…