Categories: Sức khoẻ

Tai biến sản khoa trong khi sinh, sau khi sinh và cách phòng tránh

Trong quá trình chuyển dạ và sau khi sinh, thai phụ có thể phải đối mặt với rất nhiều tai biến sản khoa như thuyên tắc ối, vỡ tử cung, băng huyết, sót nhau, nhiễm trùng. Để phòng tránh được các tai biến sản khoa này, thai phụ cần hiểu rõ từng loại tai biến như sau.

Thuyên tắc ối

Thuyên tắc ối là một tai biến trong lúc sinh vô cùng nguy hiểm. Đây là hiện tượng dịch nước ối lọt vào tĩnh mạch tử cung, gây ra phản ứng dị ứng. Tai biến này xảy ra khi thai phụ bị vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch tử cung hay cổ tử cung, áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch.

Tai biến này rất hiếm gặp nhưng khi xảy ra sẽ đe dọa tính mạng của thai phụ, làm thai phụ suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính. Biểu hiện của thuyên tắc ối là thai phụ hạ huyết áp, ngừng tim đột ngột, rối loạn đông máu. Trong trường hợp này thai phụ cần được mổ cấp cứu lấy thai.

Thuyên tắc ối không thể dự báo, không thể dự phòng và nó xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Vì vậy, trong quá trình chuyển dạ cần ghi nhận các biểu hiện, triệu chứng của thai phụ để có những cách điều trị kịp thời.

Vỡ tử cung

Vỡ tử cung là tai biến sản khoa rất nguy hiểm đến tính mạng cả thai phụ và thai nhi. Vỡ tử cung thông thường xảy ra khi chuyển dạ, nhưng cũng có trường hợp vỡ tử cung trong thời gian mang bầu. Trước khi tử cung bị vỡ, sẽ có giai đoạn dọa vỡ tử cung, thai phụ thấy xuất hiện các cơn đau dữ dội ở bụng, tử cung co bóp nhanh và mạnh, âm đạo ra máu đỏ tươi, thai phụ sẽ bị choáng váng. Khi có những biểu hiện này, thai phụ cần được đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời. Bác sĩ thăm khám qua âm hộ sẽ phát hiện bất thường về ngôi thai, siêu âm thấy tim thai đập yếu hoặc không nghe thấy tim thai.

Nguyên nhân

+ Có bất thường về tử cung như tử cung dị dạng; sẹo ở tử cung do phẫu thuật phụ khoa như tạo hình tử cung, bóc tách nhân xơ, nạo phá thai, đã từng sinh mổ; u xơ tử cung; cơn co bóp tử cung trong quá trình chuyển dạ quá nhanh và quá mạnh dẫn đến đờ tử cung;

+ Trọng lượng thai nhi quá to; ngôi thai bất thường;

+ Một số nguyên nhân khác dẫn đến vỡ tử cung như trong quá trình chuyển dạ, bác sỹ can thiệp, cắt rạch quá sâu; kỹ thuật phẫu thuật phụ khoa kém để lại di chứng.

Cách điều trị

Trong quá trình chuyển dạ, nếu có biểu hiện dọa vỡ tử cung hay vỡ tử cung, thai phụ sẽ được tiến hành mổ tử cung cấp cứu. Nếu vết vỡ tử cung nhỏ, cần phải cắt bớt và khâu nhỏ tử cung để thai phụ có thể duy trì khả năng mang bầu lần sau. Nếu vết vỡ rộng và sâu, cần phải cắt gọn tử cung. Sau khi mổ, sản phụ sẽ được điều trị bằng kháng sinh liều cao kết hợp theo dõi hậu phẫu chặt chẽ để tránh tình trạng bị nhiễm khuẩn.

Phòng tránh

+ Khám thai, quản lý thai kỳ chặt chẽ để phát hiện nguy cơ vỡ tử cung sớm và điều trị kịp thời;

+ Đối với những thai phụ đã sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai thì ít nhất 3 năm sau sinh mới được có thai trở lại;

+ Chỉ nên tiến hành làm thủ thuật phẫu thuật phụ khoa ở những bệnh viện và cơ sở phụ khoa đảm bảo chất lượng tay nghề và quy trình kỹ thuật;

+ Thai phụ chỉ nên sinh con ở những bệnh viện và cơ sở y tế đủ điều kiện phẫu thuật;

+ Trong quá trình chuyển dạ, các thủ thuật can thiệp trợ sinh cần phải được chỉ định và thao tác đúng.

Băng huyết

Băng huyết là hiện tượng chảy máu bất thường ở tử cung hoặc tại đường sinh dục của sản phụ. Máu có màu đỏ tươi hoặc thâm sẫm, có thể ở dạng loãng hoặc dạng cục. Lượng máu ra có thể ít hay nhiều tùy vào từng trường hợp. Hiện tượng băng huyết thường xảy ra sau khi sinh.

Nguyên nhân

+ Sản phụ bị rối loạn đông máu;

+ Nhiễm trùng nước ối;

+ Quá trình sinh diễn ra quá nhanh hoặc kéo dài quá lâu;

+ Bất thường về bánh nhau hoặc tử cung như nhau bong non, nhau bám thấp, đờ tử cung;

+ Tổn thương đường sinh dục.

Cách điều trị

Hiện tượng băng huyết sau sinh thường xảy ra sau trong khoảng 24 giờ sau sinh. Nếu sản phụ có những biểu hiện chảy máu bất thường, người nhà và sản phụ cần phải gọi ngay bác sĩ để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Đối với sản phụ bị băng huyết cần được cho nằm đầu thấp, thở ô xy, truyền dịch, truyền máu và cầm máu tích cực. Sản phụ phải được tiến hành thăm khám toàn diện để đưa ra quyết định can thiệp đúng. Trường hợp nguy cấp và có biến chứng, sản phụ sẽ được thắt động mạch tử cung hoặc thắt động mạch hạ vị 2 bên, chỉ định cắt bỏ toàn bộ tử cung là biện pháp điều trị cuối cùng để giữ tính mạng sản phụ.

Cách phòng tránh

+ Nếu thai phụ bị vỡ ối sớm, cần được đưa ngay đến bệnh viện để kiểm soát quá trình sinh an toàn, tránh bị nhiễm khuẩn ối;

+ Tránh để quá trình sinh diễn ra quá nhanh hoặc quá chậm dễ đẫn đến các tai biến chảy máu bất thường;

+ Thai phụ cần bổ sung đầy đủ viên uống sắt thai kỳ;

+ Biện pháp phòng tránh tốt nhất là thai phụ nên khám thai và quản lý thai kỳ chặt chẽ để chủ động đề phòng trong trường hợp bị rối loạn đông máu, bất thường về tử cung và bánh nhau.

Sót nhau

Sót nhau là hiện tượng nhau thai ra ngoài không hết, còn sót lại trong tử cung sản phụ. Đây là một tai biến sản khoa sau sinh. Biểu hiện của sót nhau là sản phụ bị ra nhiều máu lẫn sản dịch, máu màu đen, có mùi hôi, đau âm ỉ ở bụng dưới, sốt nhẹ. Sót nhau có thể dẫn đến viêm nhiễm nặng, gây ra rất nhiều tai biến nguy hiểm cho sản phụ.

Nguyên nhân

Bất thường về vị trí bám của bánh nhau như bánh nhau bám quá sâu, bánh nhau dính vào vết mổ tử cung cũ, do không lấy hết nhau khi sinh.

Điều trị

+ Tiến hành nạo hút hết số nhau còn sót lại bằng các phương pháp y khoa;

+ Thai phụ có thể sử dụng các bài thuốc dân gian để cơ thể đào thải nhau sót ra ngoài như uống nước lá rau ngót sạch.

Phòng tránh

+ Khám thai và quản lý thai kỳ chặt chẽ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời về các bất thường về nhau thai;

+ Đối với những thai phụ đã từng sinh mổ hoặc đã tiến hành một số phẫu thuật phụ khoa cần theo dõi chặt chẽ những bất thường trong suốt thai kỳ;

+ Ngoài ra, thai phụ nên sinh con ở những bệnh viện và cơ sở y tế uy tín, chất lượng, đảm bảo tay nghề chuyên môn, đủ điều kiện phẫu thuật để quá trình chuyển dạ được an toàn;

Nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn là một tai biến thường gặp ở sản phụ sau sinh. Nhiễm khuẩn hậu sản bao gồm: nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; Viêm nội mạc tử cung và toàn bộ tử cung; Viêm phần phụ như vòi trứng, buồng trứng; Viêm phúc mạc chậu và phúc mạc toàn bộ; nhiễm khuẩn huyết.

Nguyên nhân

+ Do cơ địa sản phụ;

+ Do quá trình chuyển dạ kéo dài, nước ối vỡ sớm, xuất huyết trong quá trình chuyển dạ, lúc sinh hoặc sau sinh;

+ Trang thiết bị y tế sử dụng trong quá trình sinh không được vô trùng tốt;

+ Quá trình chăm sóc sản phụ sau sinh kém;

+ Vi khuẩn, vi rút tấn công vào cơ thể sản phụ gây viêm nhiễm thông qua các tổn thương khi sinh như sinh mổ, sinh thường sử dụng thủ thuật trợ sinh cắt rạch tầng sinh môn, nhiễm khuẩn ngược từ âm đạo vào tử cung, nhiễm khuẩn ngay trong môi trường ẩm ướt từ sản dịch.

Biểu hiện

+ Thai phụ thấy đau, rát, sưng tấy ở những vị trí tổn thương khi sinh như vết mổ, vết cắt rạch; trường hợp viêm nhiễm nặng sản dịch sẽ có lẫn mủ, mùi hôi, màu đen sẫm;

+ Thai phụ bị sốt, viêm nhiễm càng nặng thì sốt càng cao;

+ Đau nhiều phần bụng dưới, tử cung co hồi chậm, sờ ấn thấy đau và có thể xuất hiện các khối u nếu tình trạng viêm nhiễm lây sang các bộ phận vòi trứng và buồng trứng;

Cách điều trị

Sau khi sinh, đối với thai phụ sinh mổ hoặc sinh thường có sử dụng thủ thuật cắt rạch cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt để các vết thương không bị nhiễm khuẩn. Trong trường hợp sản phụ có những biểu hiện đau rát, sưng tấy ở vị trí các vết thương thì cần được đưa đi khám phụ khoa và điều trị kịp thời.

Với những vết thương ở bên ngoài trong quá trình chuyển dạ sẽ được lau rửa bằng loại nước rửa y tế tiệt trùng như betadin kết hợp dùng thuốc giảm đau khi cần. Trong trường hợp vết thương đau rát, sưng tấy nặng, có mùi, có mủ sản phụ cần đi khám, điều trị bằng kháng sinh liều cao và sử dụng các thủ thuật cắt xén tùy từng trường hợp và mức độ nhiễm khuẩn khác nhau ở mỗi người.

Với những vết thương ở bên trong như viêm nhiễm tử cung, vòi trứng, buồng trứng, xương chậu nếu có hiện tượng viêm nhiễm nặng cần được đưa ngay đến bệnh viện để điều trị theo phác đồ riêng.

Phòng tránh

+ Trong quá trình mang thai, thai phụ nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín bên dưới thường xuyên để tránh bị viêm nhiễm;

+ Trong quá trình chuyển dạ, nếu thời gian chuyển dạ kéo dài hoặc thai phụ bị vỡ ối trước khi sinh thì cần được đưa ngay đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời;

+ Trong lúc sinh, cần phải đảm bảo vô trùng phòng sinh và các dụng cụ y tế khác; các thao tác thăm khám thai phụ trước khi sinh và thủ thuật cắt rạch phải nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật;

+ Sau khi sinh, sản phụ phải lau rửa bộ phận sinh dục ngoài sạch sẽ, thường xuyên để tránh bị nhiễm khuẩn ở các vết thương hở.

***

Tai biến sản khoa là những hiện tượng bất thường xảy ra trong thai kỳ, lúc sinh và sau sinh. Thai phụ cần khám thai và quản lý thai kỳ chặt chẽ để có thể phát hiện, phòng tránh và điều trị kịp thời, từ đấy vượt cạn an toàn và có kỳ nghỉ hậu sản tràn đầy niềm vui bên con yêu.

Quỳnh Tống

.

.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

-Tai biến sản khoa và các cách phòng tránh

-Tai biến sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ và cách phòng tránh

-Tai biến sản khoa ở ba tháng giữa thai kỳ và cách phòng tránh

-Tai biến sản khoa ở ba tháng cuối thai kỳ và cách phòng tránh

.

Nguồn: congioilam.com

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago