Nếu chúng ta cần một thêm một lý do nữa để thực hiện việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu thì các nhà khoa học đến từ đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ) đã có câu trả lời: không khí bẩn chính là một “thủ phạm không ngờ tới” của bệnh béo phì. Kết quả nghiên cứu này có thể là câu trả lời cho nghi vấn vì sao tỷ lệ mắc bệnh béo phì và tiểu đường đã tăng một cách chóng vánh trong vòng 50 năm qua
Cụ thể, đội ngũ nghiên cứu đã theo dõi sự phát triển của những con chuột sống hít thở môi trường mô phỏng không khí ngoài trời của Bắc Kinh – một trong những thành phố ô nhiễm nhất hiện nay – và nhận ra rằng chúng có sự thay đổi khác thường về quá trình trao đổi chất, đi kèm với đó là sự tăng cân nhanh chóng so với những con chuột được nuôi trong môi trường không khí trong sạch.
Tác giả của nghiên cứu này, tiến sỹ Junfeng Zhang, cho biết: “Chúng ta vốn chỉ nghĩ rằng ô nghiễm không khí chỉ có tác động xấu đối với lá phổi của mình. Cách đây 10 năm, chúng ta biết thêm rằng nó còn ảnh hưởng tới trái tim của mỗi người. Giờ đây, nó còn để lại những hậu quả xấu đối với quá trình trao đổi chất và cân nặng của chúng ta”.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đề cập đến trong những nghiên cứu khoa học. Trước đó, một nghiên cứu được thực hiện tại miền Nam bang California đã cho thấy những người sống tại khu vực giao thông đông đúc – đồng nghĩa với việc không khí tại đó bị ô nhiễm nặng nề – có xu hướng sở hữu chỉ số cân nặng cao hơn với những người sống tại khu vực khác. Một nghiên cứu khác tại New York cũng cho thấy mối liên quan nhất định giữa ô nhiễm không khí và vấn đề mang thai của phụ nữ, cùng với đó là bệnh béo phì ở trẻ em.
Mặc dù vậy, tất cả những nghiên cứu này vốn chỉ tập trung vào chế độ ăn hoặc những yếu tố gây béo phì đã biết, ô nhiễm không khí mới chỉ mang tính chất môi trường xúc tác chứ không phải nguyên nhân chính. Đó chính là lúc các chuyên gia tại đại học Duke bắt tay vào đào sâu vấn đề này hơn, nhóm nghiên cứu đã chọn bầu không khí ô nhiễm đến mức báo động của Bắc Kinh để kiểm nghiệm những lý thuyết của mình.
Tất cả những con chuột tham gia thí nghiệm đều đang mang thai và được chăm sóc theo một khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, chúng được chia thành 2 nhóm nhốt trong 2 buồng thí nghiệm khác nhau chứa không khí bình thường và không khí mô phỏng mức độ ô nhiễm của bầu không khí tại Bắc Kinh hiện nay. Quá trình theo dõi chuột mẹ kéo dài đến lúc chuột con đã ra đời và sống được 19 ngày tuổi
Ngay lúc đó các nhà khoa học phát hiện số chuột mẹ sống trong buồng ô nhiễm không khí có những dấu hiệu suy giảm sức khỏe rõ rệt như kháng lại tác dụng của insulin – tiền đề của bệnh tiểu đường loại 2, nồng độ cholesterol xấu trong máu tăng cao bất thường, gan xuất hiện những tổn hại đầu tiên của bệnh viêm gan. Tiến sỹ Zhang cho biết: “Việc phải sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề khiến cho quá trình trao đổi chất của cơ thể không thể hoạt động bình thường, điều này dẫn đến chất béo và đường không được chuyển hóa thành năng lượng. Từ đó, bệnh béo phì hay tiểu đường bắt đầu manh nha xuất hiện“.
Cụ thể, chỉ số cân nặng giữa 2 nhóm chuột chênh lệch tới 18% cho dùng được ăn cùng một chế độ như nhau. Nồng độ low-density lipoprotein (LDL, còn gọi là cholesterol xấu) của những con chuột bên buồng bị ô nhiễm cao hơn 50% so với những con khác. Ngoài ra, nồng độ chất béo trung tính triglyceride của những con chuột phỉa hít thở không khí ô nhiễm cao hơn 46%, thậm chí chỉ số tổng hợp các loại cholesterol của chúng cao hơn 97% so với những chị em của mình.
Khi có quá nhiều LDL, cholesterol bị đưa vào các màng của động mạch, dấn dần làm hẹp đường kính của mạch. Sau đó, kết hợp với các chất khác trong màng của thành động mạch tạo thành những mảng xơ vữa. Những mảng này có thể bị rạn nứt làm cho thành động mạch không được trơn tru.
Khi chảy qua những chỗ “gồ ghề” này, dòng máu dễ bị hỗn loạn không đều, trì trệ và dễ đông lại thành cục máu đông. Cục máu đông này có thể phát triển theo kiểu “phù sa bồi đắp”, lớp lớp chồng lên nhau, có lúc dày đủ để làm nghẽn động mạch.
Nếu trường hợp này xảy ra trong động mạch vành tim thì kết quả là nghẽn mạch tim, gây chứng nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp cục máu đông bị sút ra khỏi thành động mạch, trôi theo dòng máu cho đến khi kẹt vào một mạch có đường kính nhỏ và hơn làm nghẽn mạch ấy. Nếu chẳng may đấy là mạch dẫn máu của não thì kết quả là chứng tai biến mạch máu não.
Ngoài ra, đội ngũ nghiên cứu cũng phát hiện những dấu hiệu viêm nhiễm ở không ít mô tế bào ở nhiều bộ phận khác nhau bên cạnh lá phổi – nơi chịu tác động trực tiếp của không khí bẩn. Thậm chí, chuột con cũng có những dấu hiệu tương tự khi đạt 8 tuần tuổi, điều này cho thấy tác hại của không khí ô nhiễm đối với cơ thể sẽ không thể nhìn thấy ngay tức khắc nhưng đến khi phát hiện thì có thể sẽ là quá muộn.
Bên cạnh những bệnh lý về phổi như ung thư phổi, bụi phổi… ô nhiễm không khí còn nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ. Con người chắc chắn sẽ phải cẩn thận với vấn đề ô nhiễm không khí hơn nữa khi mà trước đó một báo cáo đã khẳng định 5,5 triệu người phải tử vong mỗi năm vì không được sử dụng bầu không khí trong sạch. Cuối cùng, tiến sỹ Zhang khẳng định Bắc Kinh không chỉ là thành phố duy nhất đang diễn ra tình trạng ô nhiễm không khí một cách báo động nên nghiên cứu này có đủ cơ sở để trở thành một vấn đề toàn cầu.
Tham khảo Iflscience
Nguồn: GenK
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…
Đi bộ là môn thể thao đơn giản không cần thiết bị tập, không mất…
Duy trì tập luyện thể thao hàng ngày mang lại những lợi ích thiết thực…
Hoa nhài sở hữu mùi hương độc đáo được trồng làm cây cảnh trong vườn…