Categories: Sức khoẻ

Nữ bác sĩ hiếm muộn biến điều ‘không thể’ thành ‘có thể’ cho hàng ngàn chị em phụ nữ làm mẹ

10 năm chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản với kiến thức chuyên môn cao, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.

Duyên nghiệp với nghề y

Gương mặt phúc hậu, thường trực trên môi là nụ cười dịu dàng, rất tận tâm, nhiệt tình với người bệnh và hết lòng yêu nghề là cảm nhận về Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Nhã,Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện).

Hơn 30 năm kinh nghiệm Sản Phụ Khoa, 10 năm chuyên sâu về Hỗ trợ sinh sản với kiến thức chuyên môn, bác sĩ Nhã đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Ngoại Sản năm 1985, sau khi làm việc tại một số cơ sở y tế, năm 1990, bác sĩ Nhã chính thức về công tác tại Bệnh viện Bưu điện. Bác sĩ Nhã là người đầu tiên của Bệnh viện Bưu điện được cử đi đào tạo về hiếm muộn (năm 2005).

Bác sĩ Nhã cho rằng gắn bó với nghề hiếm muộn là duyên nghiệp.

Thời điểm được cử đi học về một chuyên ngành mới, bác sĩ Nhã khá băn khoăn, trăn trở. Vì lúc đó điều kiện gia đình có nhiều khó khăn, các con đều còn nhỏ, nơi học cách nhà quá xa. Nhưng trong thâm tâm, bác sĩ Nhã luôn có một động lực thôi thúc, muốn nghiên cứu, tìm hiểu về chuyên ngành còn quá mới mẻ đối với rất nhiều bệnh viện trong nước lúc bấy giờ.

“Đây chính là cơ hội để tôi có thể học tập, nghiên cứu, thực hành các kỹ thuật hiện đại, tích lũy kinh nghiệm về điều trị hiếm muộn, vô sinh để thực hiện ước muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người không may bị vô sinh, hiếm muộn”, bác sĩ Nhã nói.

Chọn và theo đuổi chuyên ngành điều trị vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Nhã cho rằng không phải cơ duyên mà là duyên nghiệp. “Ngay từ khi còn rất trẻ, tôi đã từng chứng kiến những buồn đau, hờn tủi của người thân… Khi không thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Nhiều lúc tôi tự trách mình, tại sao là bác sĩ chuyên ngành sản khoa mà tôi không thể giúp được gì?!”, bác sĩ Nhã xúc động nói.

Mỗi khi một đứa bé cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc trái tim bác sĩ loạn nhịp vì hạnh phúc cùng bệnh nhân. Hơn 10 năm điều trị hiếm muộn, bác sĩ Nhã không thể nhớ chính xác đã thực hiện thành công bao nhiêu ca, nhưng có thể nói con số ấy lên tới hàng ngàn.

“Trung bình mỗi tháng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản của chúng tôi đón nhận và điều trị cho hàng trăm ca bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn. Tỷ lệ thành công cập nhật theo từng tháng đạt từ 60-67%, tỷ lệ có thai lâm sàng (có tim thai) đạt từ 52 -55% và thai diễn tiến (có thai trên 12 tuần) là 47-50%”, bác sĩ Nhã cho biết.

Biến “không thể” thành “có thể”

Là người trực tiếp nhận những ca vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Nhã nhận thấy mỗi một trường hợp tới khám là một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng họ đều giống nhau ở tâm trạng buồn bã, đau khổ, bất lực và tuyệt vọng trên hành trình đằng đẵng tìm con. Nhiều người trong số đó tâm sự thật thà với bác sĩ muốn bỏ cuộc. Hoặc có thể họ sẽ chia tay nhau trong khi vẫn còn tình cảm.

Được tiếp xúc với bệnh nhân nghe những tâm sự của họ, bác sĩ Nhã càng thấy được tầm quan trọng của nghề. “Với tôi cũng như tất cả các đồng nghiệp của mình, bất cứ ca điều trị thành công nào cũng cảm thấy rất vui, hạnh phúc và tự hào vì chúng tôi đã biến những điều tưởng như ‘không thể” thành “có thể””, bác sĩ Nhã chia sẻ.

Nhớ về ca thực hiện thụ tinh nhân tạo (IVF) đầu tiên thực hiện thành công ở trung tâm tới giờ vẫn là khoảnh khắc rất khó quên.

Bác sĩ Nhã tâm sự: “Đó là trường hợp 1 cặp vợ chồng đã kết hôn hơn 4 năm mà vẫn chưa có con. Tuy nhiên chỉ có mỗi mình người vợ đến khám còn người chồng khăng khăng một mực mình khỏe mạnh, bình thường và nhất định không thực hiện khám theo chỉ định của bác sĩ”.

Kết quả kiểm tra của người vợ bình thường, để tìm ra căn nguyên vô sinh, bác sĩ Nhã đã phải kiên trì thuyết phục chồng tới khám. Trời đã không phụ lòng kiên trì, cuối cùng sau nhiều lần nói chuyện và phân tích, người chồng đã chịu tới làm tinh dịch đồ. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy anh chồng không có tinh trùng. Nhưng may mắn khi xét nghiệm máu thì kết quả cho thấy người chồng vẫn có hi vọng có tinh trùng.

“Chúng tôi đã thực hiện chọc tinh hoàn lấy tinh trùng của người chồng để thực hiện IVF cho người vợ và cặp vợ chồng này đã thành công ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên. Kết quả 1 bé trai và 1 bé gái đã ra đời khỏe mạnh”, bác sĩ Nhã hạnh phúc nói.

Bác sĩ Nhã kỳ vọng sẽ giúp đỡ được nhiều bệnh nhân vô sinh hiếm muộn mang lại niềm vui niềm hạnh phúc ước vọng làm cha, làm mẹ mộc mạc nhưng gian nan.

Trong bài tiếp theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) trăn trở gì đối với công việc điều trị vô sinh hiếm muộn hiện nay và lời khuyên cho những cặp vô sinh hiếm muộn để sớm có con. Kính mời quý độc giả đón đọc.

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

7 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago