Categories: Sức khoẻ

Những cách đơn giản giúp mẹ gọi sữa về ầm ầm sau sinh

Để có một nguồn sữa dồi dào, đủ chất cho con luôn là mong muốn của các mẹ sau sinh, tuy nhiên không phải mẹ nào cũng có được điều tưởng như đơn giản đó.

Những “thủ phạm” gây mất sữa

Ths. BS Nguyễn Thị Tố Thư (Khoa Phụ sản, BV Đại học Y dược TPHCM) cho biết, việc ít sữa hoặc không có sữa ở các bà mẹ hiện nay không phải là tình trạng hiếm. Nguyên nhân của tình trạng này là do các mẹ rơi vào tình trạng căng thẳng sau sinh, do chế độ dinh dưỡng không phù hợp, do không biết cách cho con bú…

Sau khi sinh vừa trải qua quá trình mang thai nặng nhọc, sinh đẻ mất sức, mất máu, thay đổi nội tiết, người mẹ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh khiến sữa càng ra ít. Ngoài ra, có những mẹ do lo lắng quá mức khi chưa kịp thấy sữa hay lượng sữa ít hay mất ngủ, thiếu ngủ do phải chăm con cũng là nguyên nhân làm lượng sữa càng ít dần hơn.

Ngoài ra,nhiều mẹ quá kiêng khem do tập tục, quan niệm hoặc do hoàn cảnh không được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều mẹ do sợ tăng cân sẽ khó lấy lại vóc dáng sau sinh nên giảm ăn gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa của cơ thể. Tình trạng này kéo dài thậm chí sẽ gây mất sữa hoàn toàn nếu không cho trẻ bú.

Chúng ta cần biết tuyến sữa sản xuất theo nhu cầu bú của bé, một số bà mẹ không cho bé bú thường xuyên, không đủ số lần trong ngày hoặc do cho bé bú không đúng cách nên cũng không kích thích được phản xạ xuống sữa. Có nhiều mẹ sau khi sinh đã cho bé bú bình dẫn đến trường hợp bé quen và không chịu bú sữa mẹ điều đó cũng khiến lượng sữa bị giảm dần.

Các mẹ không nên quá căng thẳng khi ít sữa hoặc không có sữa. (Ảnh minh họa).

Một số bà mẹ do sinh mổ, không được cho con bú luôn dẫn đến tình trạng chậm có sữa. Bên cạnh đó, một số mẹ do phải tiêm thuốc kháng sinh nên ở cơ địa một số ít người thì thuốc kháng sinh có thể làm mất sữa.

Ngoài ra, nếu các mẹ uống ít nước sẽ làm cơ thể thiếu nước khiến việc tiết sữa ít đi. Hoặc trong quá trình mang thai, người mẹ mắc một số bệnh cần phải dùng thuốc điều trị bệnh, những thuốc này có thể làm ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa.

Mách mẹ biện pháp gọi sữa về

Tuy nhiên theo Ths.BS Tố Thư tình trạng này hoàn toàn có thể được cải thiện nếu bà mẹ áp dụng những hướng dẫn dưới đây:

Việc quan trọng nhất mà các mẹ cần làm trước tiên là phải khích thích tạo sữa bằng cách cho trẻ ngậm bắt bú mẹ càng nhiều lần càng tốt. Khi trẻ có dấu hiệu đói, mặc dù bà mẹ không cảm giác căng sữa nhưng cũng nên cho bé ngậm bú vú mẹ.

Lượng sữa non đã hình thành ngay sau sinh màu vàng đục là rất quý, gồm rất nhiều kháng thể, năng lượng cao giúp bé no lâu. Quan niệm cũ cho rằng đó là sữa dơ cần nặn bỏ đi, đến khi thấy sữa trắng đục mới cho bú là không phù hợp. Khi trẻ ngậm vú mẹ tốt, phản xạ bú của trẻ, cảm giác ôm ấp đứa con thương yêu trong vòng tay đó chính là yếu tố quan trong nhất để tạo sữa.

Giai đoạn sau, khi mẹ đã có cảm giác căng sữa mỗi 2-3 giờ, hãy cho con bú theo nhu cầu của trẻ, cho trẻ bú hết bên vú này rồi mới san bên vú còn lại. Nếu vẫn còn cảm giác căng sữa khi con đã bú no, mẹ có thể vắt lượng sữa đó ra trữ lại cho con một cách hợp vệ sinh.

Về chế độ dinh dưỡng, các mẹ cần ăn đa dạng thực phẩm, ăn tăng hơn so với bình thường để có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng. Khẩu phần ăn cần đủ bốn nhóm thực phẩm: chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ…, chất béo (dầu, mỡ, bơ), chất đường bột (gạo, mì, khoai…), vitamin và khoáng chất (rau xanh và hoa quả tươi).

Mỗi ngày mẹ cũng nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước bao gồm sữa, nước quả, nước canh, nước lọc…, nên uống trước khi cho con bú và cả sau khi cho con bú. Buổi tối trước khi đi ngủ bạn có thể uống một ly sữa, ban đêm sau khi cho con bú cần uống ngay một ly nước để sữa mau về.

Các bà mẹ có thể ăn thêm một số món ăn truyền thống như cháo ninh cùng đu đủ xanh vừa mau nhừ xương, vừa có tác dụng lợi sữa. Có thể ăn thêm cháo lạc, cháo hoặc chè vừng đen. Hằng ngày có thể uống thêm cả nước trà vằng cũng có tác dụng kích thích tiết nhiều sữa nữa.

Trong trường hợp sữa mẹ quá ít không đáp ứng đủ cho con bú, bạn vẫn ưu tiên cho bé bú mẹ trước và bú kiệt hai bầu rồi mà bé vẫn chưa no thì mới cho ăn thêm sữa ngoài, chú ý khi cho ăn thêm bạn nên bón cho bé bằng thìa, không cho bú bình vì bé bú bình dễ bỏ ti mẹ. Bạn có thể bón sữa bằng thìa, đổ sữa cho bé dưới lưỡi hoặc đổ về hai bên má, không nên đổ thẳng vào miệng vì nếu bé khóc dễ bị sặc.

Ngoài ra các mẹ cần nghỉ ngơi nhiều, tránh mọi căng thẳng thần kinh và không cáu giận, tự tạo cho mình sự thoải mái vì sự căng thẳng tinh thần ảnh hưởng rất xấu tới quá trình tạo sữa. Các bà mẹ trong thời kì cho con bú cũng cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, cần ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, 2 – 4 tiếng ban ngày và 6-8 tiếng ban đêm.

Theo Khám Phá

Nguồn: TTOnline

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago