Categories: Sức khoẻ

Nhập viện, treo chân vì bồi bổ quá nhiều trứng ngỗng

Mang thai lần đầu, chị Mai (Tây Hồ, Hà Nội) không tiếc tiền bồi dưỡng bằng cách uống sữa, ăn hải sản, thịt bò, cá hồi và không thể thiếu món trứng ngỗng. Ăn trứng ngỗng đẻ con to… như ngỗng!

Chị Mai cho biết, trong 3 tháng đầu chị ăn nhiều cá và thịt bò. Đến tháng thứ 4, tuần nào chị cũng ăn 2 quả trứng ngỗng. Thực đơn đó được chị duy trì đến tuần thai thứ 20 thì chân chị bắt đầu có dấu hiệu phù nề.

“Tôi tăng 14 kg chỉ trong gần 6 tháng, dù trước khi mang bầu tôi cũng đã hơi quá khổ. Điều này khiến việc di chuyển đi lại của tôi cũng rất khó khăn nhưng chỉ mong con có sức khỏe tốt nên đành phải cố ăn. Chỉ đến khi đi khám thai định kỳ tôi được bác sĩ kết luận mắc tiểu đường thai kỳ, và đối diện với nguy cơ tiền sản giật tôi mới bổ ngửa”, chị Mai cho biết.

Hiện chị Mai phải vào viện nằm theo dõi kiểm soát chế độ ăn cho đến lúc sinh. Bởi tiền sản giật – là nguyên nhân chính gây tử vong thai nhi, tử vong mẹ, thai chậm phát triển trong tử cung.

Các bác sĩ cho biết, chị Mai chỉ là một trong những trường hợp bồi dưỡng quá mức trong giai đoạn thai kỳ. Theo đó, nhiều cặp gia đình trẻ ngày nay có điều kiện về kinh tế tốt, đã chuẩn bị kế hoạch cũng như trang bị cho mình kiến thức về dinh dưỡng trước và trong khi có thai. Có một thực tế mà ai cũng muốn con mình sinh ra được khỏe mạnh và thông minh, vì thế đã tạo ra một sức ép nhất định cho phụ nữ có thai khi lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là trứng ngỗng.

BS. Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Trứng ngỗng là một loại trứng gia cầm, trọng lượng một quả trứng ngỗng khoảng 300 g, nặng gấp 4 lần trứng gà và 3 lần trứng vịt. Về giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng không thể so sánh với trứng gà, cũng như giá trị dinh dưỡng của thịt ngỗng không thể so với thịt gà.

“Về an toàn vệ sinh thực phẩm thì trứng gà sạch hơn trứng ngỗng, vì gà đẻ trứng ở nơi khô ráo, nơi ít có vi khuẩn và ký sinh trùng, vì vậy trứng gà hạn chế lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng hơn trứng ngỗng”- BS Tiến nhận mạnh.

Trong khi đó, giá trị dinh dưỡng trong 100 g trứng ngỗng có khoảng: 13,0 g protein, 14,2 g lipid, 360 mcg vitamin A, 71 mg calxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15mg vitamin B1, 0,3mg vitamin B2, 0,1mg vitamin PP…

So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (360 mcg so với 700 mcg trong trứng gà), đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai.

Đặc biệt, BS Tiến cũng nhấn mạnh trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid – đây là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch của phụ nữ mang thai bị thừa cân, béo phì (giống trường hợp chị Mai), rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp,..

Trứng ngỗng không phải “thần dược”

BS Tiến cho rằng, nhiều người phụ nữ quan niệm rằng khi có thai ăn nhiều trứng ngỗng thì thai phát triển khỏe mạnh, thông minh vì nghĩ nó to như… ngỗng. Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm. Bởi mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau – không có loại thực phẩm nào là hoàn thiện đủ các chất dinh dưỡng, vì vậy cần ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày để bổ sung các chất dinh dưỡng cho nhau.

“Mỗi loại thực phẩm chỉ nên ăn 3 lần/tuần, phụ nữ mang thai không nên lạm dụng ăn trứng ngỗng, vì giá thành đắt, khó ăn, khó tiêu. Tuy nhiên nếu bồi bổ bằng trứng gà cùng với chế độ ăn hàng ngày hợp lý cũng đã cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng cho thai phụ” – BS Tiến nói.

BS Tiến cũng nhấn mạnh, hiện chưa có một nghiên cứu nào chứng minh ăn trứng ngỗng sẽ sinh con thông minh hơn. Trẻ em thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng của người mẹ, bổ sung viên sắt/ acid folíc trong thời gian mang thai, yếu tố di truyền, môi trường sống và giáo dục sau này… chứ không phụ thuộc vào ăn nhiều trứng ngỗng hay không.

Ngoài ra, để chọn được trứng có chất lượng, BS Tiến cũng bày cách, nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào đầu trứng, đầu kia soi lên một nguồn ánh sáng (ánh sáng mặt trời hoặc sáng điện). Quan sát phần bên trong của trứng có vết máu không? có ký sinh trùng, giun sán, có vật gì lạ không? Trứng soi có màu hồng, trong suốt với một chấm hồng; túi khí có đường kính < 1 cm, đường bao quanh cố định là trứng có chất lượng tốt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thả trứng vào dung dịch nước muối 10%. Khi thả vào dung dịch trứng chìm xuống đáy có nghĩa là trứng mới đẻ trong ngày. Trứng lơ lửng trong dung dịch có nghĩa là trứng đã đẻ 3-5 ngày. Nếu trứng nổi trên mặt dung dịch thì trứng đã đẻ quá 5 ngày.

Một phương pháp khác cũng rất dễ thực hiện đó là cầm quả trứng giữa hai ngón tay trỏ và ngón tay cái, khẽ lắc. Trứng mới lắc không kêu, trứng càng để lâu lắc càng kêu.

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago