Nôn trớ là hiện tượng không hiếm gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi. Hầu hết các bà mẹ đã và đang nuôi con nhỏ ít nhiều cũng gặp tình trạng này. Với những bà mẹ lần đầu chăm con hẳn sẽ còn nhiều lúng túng khi thường xuyên rơi vào hoàn cảnh con bị nôn trớ và loay hoay chưa biết xử lý thế nào. Vậy thì chia sẻ của chị Dương Việt Mỹ dưới đây chắc hẳn sẽ giúp nhiều bà mẹ có thêm kinh nghiệm để em bé nhà mình bớt nôn trớ mỗi lần ăn.
Chị Dương Việt Mỹ (sống tại Hà Nội) hiện đang là mẹ của hai bé gái xinh xắn, đáng yêu. Cũng như bao bà mẹ khác, chị Mỹ cũng không tránh khỏi lo lắng về chuyện con kém ăn, ăn hay nôn trớ. Con gái đầu lòng của nhà chị ăn rất ngoan nên khi bé thứ hai hay rơi vào tình trạng này, chị Mỹ cũng rất căng thẳng và đau đầu tìm cách hạn chế đến mức tối đa.
Theo như chia sẻ của chị thì em bé thứ hai mới sinh cách đây không lâu được nuôi bằng sữa công thức, ti được ít sữa mà mỗi lần ti lại trong thời gian khá lâu. Rồi có lúc “đang ăn lại phun phì phì, phun ồng ộc đến mứccả mẹ cả con phải thay rửa áo quần,ga gối hết cả hơi. Bữa nào nhẹ nhàng hơn thì trớ ướt sũng cổ áo với khăn, chả biết sữa vào con hay vào khăn nữa”, chị Mỹ cho hay. Tình trạng này thường xuyên xảy ra khiến chị cũng cảm thấy mệt mỏi, uể oải mỗi lần cho con ăn. Em bé thứ hai nhà chị Mỹ hay gặp tình trạng nôn trớ khi ăn khiến chị rất căng thẳng và đau đầu tìm cách khắc phục. Ảnh NVCC
Sau nhiều lần gặp phải tình huống không mong muốn này, chị Mỹ cũng dần nghiên cứu và tìm ra được cho mình cách cho bé ăn hiệu quả mà lại ít nôn trớ hơn. Chị Mỹ cho biết, theo tiêu chuẩn in trên vỏ hộp sữathì con chị cần ăn một ngày 6 đến 8 lần, mỗi lần từ 120-160ml. “Ban đầu mình cũng hay ép con theo chuẩn in sẵn và cho bé ăn cố nốt nếu sữa trong bình còn độ 10-20ml. Đó cũng là một trong những lý do khiến bé trớ. Giờ mình rút kinh nghiệm, thay vì cho con ăn đúng cữ sữa in trên hộp thì mình giảm xuống. Lúc con mới tắm xong hoặc đang bị nấc có thể cho ăn thêm độ 10-20ml nữa”. Trong các bữa ăn, chị chỉ pha ít một phù hợp với cữ sữa con có thể mút, không ép con ăn thêm và tăng số bữa ăn của con trong ngày lên để lượng dinh dưỡng từ sữa con nhận được vẫn không bị hao hụt đi. Chị Mỹ áp dụng cách cho con ăn ít hơn lượng sữa tiêu chuẩn và tăng số bữa ăn trong ngày lên, không ép con ăn cố để tránh nôn trớ. Ảnh NVCC
Bên cạnh đó, biết “bệnh” của con dễ bị nôn trớ, chị cũng rất cẩn thận, chú ý mỗi lần cho con ti bình. Cảm giác con có hiện tượng hục hặc, đẩy bình sữa hay có chút bất thường là chị dừng lại ngay, sau đó bế con lên vỗ lưng hoặc cho con ợ hơi một lúc rồi mới cho ăn tiếp. Nhờ áp dụng cách trên mà tình trạng nôn trớ của em bé nhà chị giảm hẳn. Hai mẹ con cũng đỡ “đánh vật” mỗi lần đến giờ ăn.
Do đã có kinh nghiệm nuôi con nhỏ nên chị Mỹ cũng khuyến cáo các mẹ nên chú ý thêm với những bé hầu như bữa nào cũng nôn trớ mà không phải do ăn quá tải, không bị tắc mũi, mọc răng hay đau ốm thì nên cho con đi khám. Bởi khi đó, nôn trớ không phải là hiện tượng bình thường mà có thể là dấu hiệu bệnh lý ở trẻ. Thêm vào đó, chị Mỹ cũng khuyên các mẹ nhớ bổ sung cho con vitamin D3 hàng ngày với bé dưới 6 tháng. Trẻ từ 6 tháng trở lên thì bổ sung thêm canxi để hỗ trợ trẻ hấp thụ dinh dưỡng, giúp trẻ tránh gặp tình trạng nôn trớ kể trên. Theo Em Đẹp
Nguồn: TTOnline