Trong nhiều thập niên, các nhà khoa học cho rằng họ đã biết được nguồn thức ăn cần thiết để một khối u não ác tính có thể tăng trưởng kích thước, đó là đường. Tuy nhiên, giờ đây họ phát hiện một thủ thuật thường dùng để nuôi dưỡng mô trong điều kiện phòng thí nghiệm đã làm lệch hướng nghiên cứu. Thực chất, cái mà các tế bào của khối u thần kinh đệm “khao khát” nhất chính là chất béo. Phát hiện mới đã thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận trong việc điều trị bệnh tật, từ đó có thể giúp điều chế những dòng thuốc mới đủ sức kéo dài thời gian sống sót của bệnh nhân.
U thần kinh đệm, như u não tế bào hình sao hoặc u màng não thất, thuộc nhóm ung thư khó trị nhất với 60% số bệnh nhân thiệt mạng mỗi năm tại Mỹ. Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Elizabeth Stoll cho hay hầu hết các tế bào trong não sử dụng đường làm nguồn năng lượng chính. Do vậy mới dẫn đến suy luận cho rằng các tế bào ung thư não cũng chẳng khác biệt, và các cuộc thử nghiệm trên mẫu mô nuôi cấy dường như đã xác nhận giả thuyết này. Trong cuộc nghiên cứu vừa được công bố, dù nhấn mạnh rằng nghiên cứu chỉ mới thực hiện ở mức độ tế bào, bác sĩ Stoll dẫn kết quả cho thấy các khối u thực sự phải dựa vào một khối lượng lớn chất béo để tồn tại và phát triển.
Nghiên cứu tế bào ung thư Ảnh: Shutterstock
Khi các mẫu mô và khối u ở chuột được điều trị bằng một loại thuốc gọi là etomoxir, được điều chế để ngăn ngừa tế bào hấp thu mỡ, quá trình tăng trưởng của tế bào ung thư bị chậm lại, theo báo cáo đăng trên chuyên san Neuro-Oncology.
“Chúng tôi thử nghiệm etomoxir ở mô hình động vật và cho thấy các liều thuốc giảm được sự tăng trưởng của u thần kinh đệm, kéo dài thời gian sống sót thêm khoảng 17%”, theo bác sĩ Stoll của Viện Khoa học thần kinh tại Đại học Newcastle (Anh). Bà nhận định những kết quả trên cung cấp một mục tiêu điều chế thuốc mới có thể hỗ trợ quá trình điều trị lâm sàng ở bệnh nhân trong tương lai.
Nữ chuyên gia bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến tế bào u thần kinh đệm không chỉ đơn giản chuyển sang sử dụng đường trong trường hợp không có chất béo. Việc chuyển đổi này chỉ thực hiện được khi có sự hiện diện của huyết thanh. Và đây chính là cội nguồn của sự hiểu lầm lâu nay về tế bào ung thư não do phương pháp nuôi mẫu mô tế bào trong điều kiện phòng thí nghiệm.
“Điều mà chúng tôi cần phải làm là đặt các tế bào vào huyết thanh. Đó là mẹo để tế bào tăng trưởng trong điều kiện nuôi cấy. Nếu để các tế bào ung thư não vào đĩa thí nghiệm chứa huyết thanh, chúng sẽ chuyển sang nuốt đường”, theo bác sĩ Anh, dẫn đến kết luận sai lầm trong suốt 60 năm.
Tụ Yên (TNO)