Categories: Sức khoẻ

Dùng thuốc giảm đau: Đừng quên tác dụng phụ

Nhiều người nghĩ rằng: Khi bị đau vì bất kỳ lý do gì đó, thuốc giảm đau chính là cứu tinh. Tuy nhiên, nếu sử dụng thiếu hiểu biết, vị cứu tinh này – với các tác dụng phụ của mình, sẽ khiến bạn trở thành nạn nhân đau thương của hàng loạt các vấn đề về sức khỏe.

Đau là phản ứng có lợi

Trong chúng ta, không ai muốn bị đau. Nhiều người thậm chí còn cho rằng: đau là một cảm giác gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, thực tế, đau lại là một cảm giác có lợi. Nó cảnh báo những rắc rối, những tổn thương mà cơ thể đang phải đối mặt, nhờ đó, chúng ta có thể điều chỉnh hành động sao cho hợp lý, từ đó giảm cảm giác đau.

Chẳng hạn, khi cắt trái cây bị đứt tay, cảm giác đau sẽ xuất hiện, gửi tín hiệu đến não cảnh báo việc bạn đang gặp nguy hiểm. Nhờ đó, bạn sẽ có phản ứng là dừng hành động đang làm lại, tránh việc cơ thể tiếp tục bị tổn thương. Trong một số trường hợp, đau còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật.

Cụ thể, nếu thấy những cơn đau âm ỉ xuất hiện ngay cả khi no, lẫn khi đói ở vùng thượng vị, rất có thể bạn đang bị đau dạ dày; nếu thấy đau khởi phát từ trên rốn hay quanh rốn, sau đó khu trú tại vùng hố chậu phải, bạn có thể đang bị đau ruột thừa…

Bên cạnh những nguyên do thực thể, cơn đau có thể xuất phát từ tâm lý, nghĩa là những cơn đau này không hề xuất phát từ bất kỳ tổn thương nào cả. Dù là ảo giác, song những cơn đau này cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp bất thường về tâm lý. Đó có thể là biểu hiện của trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Chỉ dùng thuốc khi không chịu nổi cơn đau

Dù đau là phản ứng có lợi, song rõ ràng nó cũng có thể gây hại khi vượt ngưỡng chịu đựng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, khiến chúng ta không thể sinh hoạt, làm việc như bình thường được. Do đó, sau khi đã nghỉ ngơi, thư giãn, massage… mà cơn đau vẫn không giảm, khi đó, điều chúng ta có thể làm là sử dụng thuốc giảm đau.

Theo Dược sĩ CKI Trần Phạm Thức, Bệnh viện Trung ương Huế, ngay từ năm 1979, trên thế giới đã thành lập Hiệp hội Đau -chuyên nghiên cứu về cơ chế và cách thức xử lý những cơn đau. Điều này cho thấy vấn đề “đau” rất được quan tâm. Thực tế, trong hầu hết các tủ thuốc gia đình hoặc đơn thuốc của bác sĩ đều có thuốc liên quan đến loại thuốc này.

Theo dược sĩ Thức, hiện nay, có rất nhiều loại thuốc giảm đau được bán trên thị trường, song phổ biến nhất là Paracetamol. Đây là loại thuốc được dùng giảm đau từ nhẹ đến trung bình như đau răng, đau cơ, đau đầu, cảm cúm…

Theo quy định của Bộ y tế, Paracetamol là loại thuốc an toàn đầu bảng, được dùng mà không cần phải kê toa. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên sử dụng không quá 50mg/kg/ngày. Ví dụ, người nặng 60kg thì chỉ được dùng 3.000mg/ngày. Như vậy, với viên nén có hàm lượng phổ biến hiện nay là 500mg, người này sẽ không được sử dụng quá 6 viên/ngày, tức là khoảng 3 lần/ngày.

Cũng như nhiều loại thuốc khác, nếu sử dụng hàm lượng cao hơn khuyến cáo trong thời gian dài, Paracetamol có thể gây độc cho gan, thậm chí là hoại tử tế bào gan, hay tử vong. Với phụ nữ đang mang thai, việc dùng thuốc này quá liều có thể khiến thai nhi chịu những tác động nặng nề. Do đó, nếu thấy các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, khó thở sau khi uống thuốc, cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám.

Bên cạnh Paracetamol, trên thị trường còn có thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid. Tương tự như Paracetamol, thuốc này được dùng để cắt các cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, nhóm thuốc này nên dùng theo hướng dẫn của bác sĩ bởi nó có một tác dụng phụ là gây viêm loét đường tiêu hóa. Khi dùng nhóm thuốc này, chúng ta nên tuân theo nguyên tắc là uống lúc bụng no và uống với thật nhiều nước để giảm kích ứng của thuốc trên đường tiêu hóa.

Một nhóm khác được sử dụng rộng rãi là các loại thuốc dán, kem bôi, thuốc xịt. Những thuốc này có thể thấm qua da, giúp giảm đau tại chỗ. Song, bạn cần lưu ý là chỉ sử dụng loại thuốc này trên vùng da lành, không bị tổn thương hay trầy xước. Đặc biệt lưu ý, da trẻ em rất non nớt nên không sử dụng loại thuốc này, nhất là với những trẻ dưới 12 tuổi.

Thêm một nguyên tắc nữa mà mỗi chúng ta cần biết trước khi sử dụng thuốc giảm đau là loại thuốc này có thể làm giảm các dấu hiệu đặc thù của một bệnh nào đó, thế nên, hãy thận trọng khi tự ý sử dụng. Và nếu thuốc giảm đau không thể giải quyết được vấn đề của bạn, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm, càng tốt mà không nên dùng hết liều này đến liều khác!

Khi tìm hiểu về các cơn đau mạn tính và mức độ sử dụng thuốc giảm đau ở 49.000 người, tiến sĩ J.-A. Zwart đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy nhận thấy, những người lạm dụng thuốc liên tục trong vòng 1 tháng thường bị đau đầu ít nhất 15 ngày/tháng. Ở nhóm sử dụng “vô tư” trong vòng 3 tháng, số người bị đau đầu kinh niên chiếm tới 0,9%, trong đó bệnh nhân nữ gấp đôi nam giới.

Trong các chứng đau mạn tính, việc lạm dụng thuốc giảm đau dễ gây đau nửa đầu nhất – những người lạm dụng có nguy cơ cao gấp 10,3 lần người dùng hợp lý. Tiếp đến là chứng đau cả đầu, đau thắt lưng và cổ. Đây là bằng chứng đầu tiên về tác hại của sự lạm dụng thuốc giảm đau đối với các chứng đau kinh niên. Qua đó, các y bác sĩ biết thêm một nguyên nhân sâu xa ở những bệnh nhân đau đầu mạn tính một cách bí ẩn.

Bình Nguyên

adminyhoc

Recent Posts

Tương tác hai chiều giữa hệ vi sinh đường ruột và sự gần gũi của các cặp đôi

Các nhà khoa học đã phát hiện quần thể vi khuẩn sống trong ruột non…

7 hours ago

Tổ hợp các căn bệnh về đường ruột

Bệnh đường ruột có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào gồm nhiều…

2 days ago

Ảnh hưởng của chế độ ăn uống, tập luyện lên hệ vi sinh đường ruột khi cơ thể bị lão hóa

Hệ vi sinh đường ruột chứa rất nhiều vi khuẩn và các vi sinh vật…

2 days ago

Tập thể dục giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột như nào

Các nhà nghiên cứu cho biết họ nhận thấy những thay đổi trong hệ vi…

2 days ago

Mối liên hệ giữa vi khuẩn đường ruột và tốc độ lão hóa

Lão hoá là quy luật tự nhiên của con người. Theo thời gian, ai cũng…

3 days ago

Đường ruột khoẻ tinh thần vui vẻ an yên

Khi đường ruột khỏe mạnh, hệ vi sinh đường ruột cân bằng giúp cho tinh…

4 days ago