Categories: Sức khoẻ

Chữa “bệnh ghen” với em cho con

Ghen với em, đó là biểu hiện tâm lý hoàn toàn bình thường ở trẻ khi nhà bỗng dưng có thêm một em bé nữa. Thế nhưng, điều này sẽ trở thành bất thường nếu kéo dài, bởi nó dần hình thành trong trẻ tính ghen tị, lối sống ích kỷ, không biết san sẻ và yêu thương người khác.

Đang tất tả pha sữa cho con ở dưới bếp, chị Vũ Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) bỗng nghe thấy tiếng khóc thất thanh của đứa con gái mới sinh được hai tháng. Vội vã chạy lên nhà, chị không khỏi tức giận khi thấy trên tay cô chị – bé Na, 5 tuổi, có vài sợi tóc của cô em. Vừa dỗ đứa con bé bỏng trên tay, chị vừa quắc mắt nhìn Na, tỏ ý không hài lòng khi con dứt tóc em như thế. Chỉ chờ có vậy, bé Na vỡ òa, nức nở: “Mẹ không yêu con, mẹ chị yêu em thôi”. Nghe tiếng khóc của cô chị, cô em sợ hãi khóc to hơn. Không biết làm thế nào, chị Trang quát lớn: “Na, nín ngay không mẹ đánh bây giờ”. Điều này không xoa dịu tình hình lúc mà càng khiến Na ấm ức. Bé bỏ ra ngoài và không quên nói gần như hét: “Mẹ suốt ngày chỉ biết yêu em thôi. Con không yêu mẹ nữa”.

Chuyện bé Na hay bắt nạt em, lúc nhéo tai, lúc nhổ tóc, lúc len lén dùng roi đánh em không phải là lạ ở nhà chị Trang. Dù đã nhiều lần nhắc nhở, răn đe, nhưng cô nàng vẫn cứng đầu không nghe. Biết Na đang ghen với em nên những lúc bé con ngủ, chị cũng dành thời gian chơi và nựng cô chị. Khi ấy, Na hứng khởi lắm, lần nào cũng say sưa bàn với mẹ kế hoạch “bán em sang Trung Quốc để lấy tiền mua kẹo”, hoặc “cho em về ở với bà ngoại ở dưới quê để bố mẹ còn đưa Na đi chơi”…

Giống như chị Trang, chị Võ Thu Hà (Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) cũng đang điên đầu vì từ khi sinh đứa con thứ hai, cậu cả nhà chị tỏ ra ít nói và lầm lì hẳn. Hôm trước, vừa đi làm về đến cửa, chị đã nghe tiếng cu cậu nức nở với bà: “Con ghét em lắm ngoại ạ. Vì nó mà con suốt ngày con bị ba má rầy. Con ước gì nó đừng sinh ra, hoặc ba má sinh nó ra trước con. Gì đâu mà lần nào cũng nói còn phải nhường nó, con phải yêu nó. Mà sao con phải yêu nó hả ngoại? Nó có yêu con đâu, toàn giành đồ chơi của con, giành bố mẹ của con nữa. Con bị ra rìa rồi ngoại ơi”. Đến lúc này, chị mới giật mình nghĩ lại chuyện trước đó. Số là, thỉnh thoảng chị vẫn trêu cu cậu: “Từ giờ, con mà hư là má cho ra rìa luôn nha. Má có em rồi, con hư là má chỉ yêu em thôi, nên đừng có nghịch phá nữa nhé”. Ai dè nó tưởng thật và từ đó ghét em ra mặt.

Ảnh minh họa

Phòng hơn chữa

Ghen với em, đó là biểu hiện tâm lý hoàn toàn bình thường ở trẻ khi nhà bỗng dưng có thêm một em bé nữa. Rõ ràng, từ một đứa trẻ là trung tâm của vũ trụ, thích gì được nấy, luôn được mọi người cưng chiều, nay phải san sẻ mọi thứ với em, từ đồ chơi đến tình cảm, bé có những thay đổi tâm lý là điều dễ hiểu. Nhiều bé khi ghen chỉ tỏ ra buồn rầu, ủ ê, song có những bé lại tìm cách “trút giận” vào “kẻ đã cướp đi của mình mọi thứ” như trường hợp bé Na nhà chị Trang. Mặc dù, những biểu hiện này được ghi nhận là bình thường, tuy nhiên, nếu kéo dài, nó sẽ trở thành bất thường, bởi dần hình thành trong trẻ tính ghen tị, lối sống ích kỷ, không biết san sẻ và yêu thương người khác.

Ông bà ta thường nói: phòng hơn chữa, thế nên, để trẻ không rơi vào trạng thái tâm lý này, trước khi em bé tiếp theo chào đời, bạn cần nói với con về việc một thành viên mới sắp xuất hiện. Thành viên này sẽ chơi cùng con, làm bạn cùng con… Tuy nhiên, thành viên đó còn rất bé bỏng nên phải được mọi người bảo vệ, chăm sóc… Đặc biệt nếu anh hai/chị hai biết yêu thương, chia sẻ đồ chơi với em, thì em bé càng lớn nhanh hơn.

Không chỉ vậy, bạn hãy cho con tham gia vào việc đặt tên, mua sắm quần áo cho em bé. Có như vậy, con sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc em. Thậm chí, hàng ngày, bạn hãy tạo ra những cuộc trò chuyện giả tưởng giữa con và em bé trong bụng, trong đó, bạn đóng vai thông dịch viên.

Chẳng hạn, khi dẫn con đi mua đồ chơi, bạn có thể bảo: “Em bé trong bụng mẹ nói anh Tít hôm nay ngoan nên phải thưởng cho anh một món đồ chơi, vậy con thích gì?”. Hay khi mua cho con một món ăn mà con vẫn thích, bạn hãy hỏi: “Thế đâu là phần của em?”… Những câu chuyện giả tưởng như thế này không chỉ giúp con quen dần với sự xuất hiện của một thành viên mới mà còn tạo ra sự háo hức đón chờ em bé sắp ra đời cho cả gia đình.

Đừng “bỏ rơi” bé

Thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ sợ con có thể làm đau hay nghịch dại với em bé mới sinh nên đã cách ly con hoàn toàn với em bé. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hãy tạo cơ hội để con có thể được bế, được chơi với em, bởi việc này sẽ giúp sợi dây liên kết giữa hai thành viên nhí trở nên khăng khít hơn.

Nếu phát hiện trẻ dứt tóc hay cấu trộm em, bạn không nên dùng biện pháp đánh đòn để trừng phạt vì như thế sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ: “Tại vì em mà mình mới bị ăn đòn” hay “Bố mẹ yêu em hơn yêu mình” và sẽ “trả thù” em khi có cơ hội. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là nói cho con hiểu: người lớn mà bắt nạt người bé là không xấu, là anh, là chị thì phải biết bảo vệ em. Để những hành động này không lặp lại nhiều lần, bạn cần dạy con ngay cả trong những lúc cả gia đình đang trò chuyện vui vẻ.

Một lưu ý nữa là đừng bao giờ so sánh hai đứa trẻ với nhau, cũng như đừng bao giờ xử ép với lý do: “Con lớn con phải nhường em”. Trẻ con thường chưa hiểu được ý nghĩa của việc làm anh, làm chị nên nếu làm như vậy, bạn chỉ khiến bé thêm ghét em mà thôi. Một thái độ công bằng, khen chê đúng người, đúng tội sẽ giúp bé cảm thấy mình vẫn được yêu thương như ngày nào.

Cuối cùng, nhưng có lẽ là quan trọng nhất, đó là, dù thường xuyên bận bịu với thiên thần mới sinh, bạn cũng nên dành thời gian để trò chuyện hay chơi cùng bé. Việc này không chỉ giúp bạn hiểu con nghĩ gì về thành viên mới mà còn tạo cho con cảm giác không bị bỏ rơi. Có như vậy, bé mới không có suy nghĩ em chính là người cướp bố mẹ, ông bà của mình.

An Châu

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago