Biểu hiện nhỏ, nguy hiểm lớn
Thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) phân tích, khi đến tuổi dậy thì, người phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt. Sau thời gian chưa ổn định, đa số phụ nữ hình thành chu kỳ “đèn đỏ” ổn định lặp lại mỗi tháng. Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khiến chu kỳ này không được ổn định như sức khỏe, môi trường, ăn uống, tính tình và nhiều yếu tố khác.
Đáng lo ngại, nhiều cô gái cho rằng đây là hiện tượng không đáng quan tâm nên đã chủ quan không đi kiểm tra kịp thời dẫn đến vô sinh.
Lương y Vũ Quốc Trung chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân của ông. Cô gái này liên tục thay đổi các vòng kinh dài, ngắn khác nhau 1- 3 tháng, thậm chí còn dài hơn. Nhưng bệnh nhân lại ít để ý đến sự rối loạn này. Sau khi lấy chồng, bệnh nhân này không thể có thai dù không dùng biện pháp tránh thai nào.
Kết quả khám bệnh, cô bị đa nang buồng trứng, rất khó có em bé. Trong đó, kinh nguyệt không đều chính là dấu hiệu mang bệnh song cô này không để ý.
Suốt hơn 30 năm khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn, lương y Vũ Quốc Trung gặp nhiều trường hợp chủ quan tương tự. Trong đó, không ít người có biểu hiện về sức khỏe sinh sản, nhưng vẫn không nhận thức được tầm quan trọng.
Theo đó, chu kỳ kinh nguyệt thông thường kéo dài từ 28-30 ngày, có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn từ 3-5 ngày. Ở những người phụ nữ mới có kinh nguyệt khoảng 2-3 năm, chức năng của buồng trứng chưa phát triển hoàn thiện, kinh nguyệt vẫn chưa đi vào chu kỳ đều đặn. Sau đó theo thời gian, nó sẽ đi vào chu kỳ ổn định.
“Trong thực tế, hoạt động kinh nguyệt là yếu tố liên quan khăng khít đến sức khỏe và chức năng sinh sản của nữ giới. Hiện tượng kinh nguyệt không đều là hiện tượng thất thường rất đáng phải lưu tâm.
Nếu hiện tượng không đều chỉ xảy ra 1-2 lần, đặc biệt xảy ra trong thời kỳ đầu của hành kinh và tiền mãn kinh thì không đáng lo ngại vì ít liên quan đến bệnh lý thực thể.
Song, khi hiện tượng này thường xuyên và kéo dài tuyệt đối không nên xem thường. Vì đó có thể là triệu chứng của các bệnh phụ khoa có liên quan đến buồng trứng, tử cung, đặc biệt là hội chứng đa nang buồng trứng”, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.
Theo phân tích của vị chuyên gia, không phải do hành kinh không đều dẫn đến việc không có thai mà do một hoặc một số bệnh trong cơ thể khiến kinh nguyệt không đều và không thụ thai được. Tức kinh nguyệt không đều chính là tín hiệu khá rõ ràng cho thấy không thể thụ thai.
Chẳng hạn, những phụ nữ không thụ thai do noãn sinh trưởng không bình thường sẽ có các biểu hiện như hành kinh ít và màu nhạt, hành kinh muộn hoặc đột ngột tắc kinh. Người bị tắc ống dẫn trứng thường ra nhiều máu cục, màu sẫm, không đều. Người viêm phần phụ, thường có huyết kinh nguyệt ra nhiều, màu đỏ tươi, đặc, có mùi tanh. Những biểu hiện này cũng có thể do khối u tử cung và màng tử cung không bình thường gây nên.
Điều trị ra sao?
Vẫn theo lương y Vũ Quốc Trung, khi chị em gặp một trong các triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt như trên nên đi khám và điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc bừa bãi.
Riêng trong Đông y, tùy theo từng bệnh, thể trạng của bệnh nhân sẽ có các bài thuốc thích hợp. Mục đích là điều hòa kinh nguyệt cho đúng chu kỳ, chất lượng kinh tốt (không có huyết khối, bạch đới), tăng cường nội tiết, giúp ôn ấm bào cung, tăng độ dầy nội mạc tử cung giúp dễ thụ thai và an thai.
Bệnh nhân mắc chứng kinh sớm: Kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường 7-8 ngày hoặc một tháng hành kinh tới 2 lần.
Bài thuốc: Đương quy, hoàng bá, xích thược, tri mẫu, sinh địa, xuyên khung.
Bệnh nhân mắc chứng kinh muộn, ít: Kinh nguyệt đến chậm hơn bình thường từ 7-8 ngày, hoặc 40-50 ngày mới có kinh.
Bài thuốc: Bạch linh, nhục quế, đương quy, bạch thược, hoàng kỳ, bạch truật, trần bì, thục địa, nhân sâm, cam thảo.
Bệnh nhân mắc chứng kinh kéo dài: Bạch linh, nhãn nhục, hoàng kỳ, chích thảo, toan táo nhân, đương quy, bạch truật, nhân sâm, mộc hương, viền chí.
Kinh nguyệt quá nhiều: Can khương, lộc giác hương, ngải diệp, phục long can.
Kinh nguyệt thất thường: Kinh nguyệt đến không có quy luật, lúc đến sớm, lúc đến muộn, lượng huyết cũng tương tự.
Bài thuốc: Bạch thược, sài hồ, mẫu đơn bì, chích thảo, đương quy, bạch truật, sơn chi, bạch linh
3 món ăn trị chứng kinh nguyệt không đều với trứng gà
Bài 1: Hoàng kỳ (20 g), đương quy (15 g), kê huyết đằng (12 g), trứng gà (2 quả), đường đỏ vừa đủ. Cho tất cả vào nồi đổ ngập nước, nấu đến khi trứng chín. Bỏ bã thuốc, bóc vỏ trứng, thêm đường đỏ vào đun sôi nhỏ lửa trong 10 phút. Ăn trứng và uống nước ngày 2 lần.
Bổ khí huyết, điều hòa kinh nguyệt. Dùng trong trường hợp cơ thể phát dục chưa đầy đủ, khí huyết còn non yếu với biểu hiện như kỳ kinh thất thường, trong hoặc sau hành linh 1-2 ngày thấy bụng dưới đau nhói. Người mệt mỏi, chán ăn, da xanh nhợt, mất ngủ, thỉnh thoảng tim đập dồn từng cơn.
Bài 2: Ích mẫu thảo (30 g), củ gấu (20 g), trần bì (vỏ quýt để lâu ngày – 10 g), trứng gà (2 quả), đường đỏ vừa đủ, sắc uống như trên. Dùng trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt do can uất: không có quy luật, hay lo buồn, dễ cáu giận, bụng chướng đa, sắc huyết tối.
Bài 3: Gừng tươi (15 g), quế chi (10 g), ngải cứu (10 g), trứng gà (2 quả), đường đỏ vừa đủ. Sắc và uống ngày 2 lần. Dùng trong trường hợp ngưng trệ khí huyết do ngấm nước mưa, cảm lạnh trước và trong kỳ kinh.
Hà Quyên
Nguồn: zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…