Categories: Tin tức

Chỉ cần kích chuột, biết địa chỉ thực phẩm an toàn

“Làm sao sử dụng thế mạnh của CNTT để chỉ cần một cái kích chuột, người dân có thể biết được các cửa hàng thực phẩm sạch. Tương tự, phải có nơi để người dân phản ánh về thực phẩm bẩn. Chúng ta phải nói thẳng, nói thật, nói không với thực phẩm bẩn, nói có với thực phẩm sạch. Đó là cơ sở để mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông minh”.

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội về tiến độ triển khai thực hiện chương trình phối hợp số 90 về an toàn thực phẩm ngày 25/11.

Toàn cảnh Hội nghị.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám; Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cùng đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội.

20/63 tỉnh thành phố triển khai Chương trình phối hợp 90

Báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau khi thống nhất với các Bộ, ngành, Trung ương các tổ chức chính trị – xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 271 triển khai Chương trình phối hợp số 90 về an toàn thực phẩm trong 2 năm 2016-2017.

Việc triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp 90 và Kế hoạch 271 về an toàn thực phẩm đã được hầu hết các bộ, ngành liên quan và các tổ chức chính trị – xã hội trung ương ban hành văn bản thực hiện.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.

Trong đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Namđôn đốc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triển khai Chương trình phối hợp 90 và Kế hoạch số 271 về an toàn thực phẩm ở địa phương.

Bộ Y tế ban hành Kế hoạch về việc triển khai Chương trình vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về triển khai kế hoạch phối hợp ở địa phương.

Bộ Tài chính thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu thực phẩm, hướng dẫn bố trí kinh phí thực hiện Chương trình phối hợp số 90 về an toàn thực phẩm…

Các địa phương đã khởi động xây dựng chương trình kế hoạch trong 5 năm về an toàn thực phẩm; triển khai chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm.

Đến nay đã có hơn 20 tỉnh, thành phố Ban hành kế hoạch liên tịch hoặc chương trình phối hợp thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh báo cáo.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, đến hết quý I-2017, các bộ ngành trung ương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; biên soạn các tài liệu hướng dẫn quy trình quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục hướng dẫn quy trình, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông sản nhỏ lẻ, các hợp tác xã kinh doanh nông nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm.

Bộ Y tế hướng dẫn quy trình, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm với việc kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính hướng dẫn quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông theo Chương trình truyền thông Quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020…

“Về phía Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam dự kiến trong cuối tháng 12/2016 sẽ tổ chức hội nghị tập huấn, giao ban trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm” – Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thông tin.

Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức

Thông tin về những hoạt động triển khai Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, ATTP là vấn đề mà Hà Nội rất quan tâm nên đã chủ động thực hiện Chương trình này. Thành phố đã ban hành chương trình trình hành động trong đó tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền.

Theo ông Sửu, hiện Hà Nội có khoảng 10 triệu người dân sinh sống gây áp lực rất lớn về giao thông, an toàn thực phẩm. Hà Nội có 6 vạn cơ sở về thực phẩm, 454 chợ, 117 siêu thị… trong khi đó Hà Nội chỉ đáp ứng 60% rau, còn lại phải nhập về, thực phẩm cũng vậy. Đó là lý do kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rất khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này TP Hà Nội tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát về ATTP với 9,5 vạn lượt thanh tra kiểm tra xử phạt gần 25 tỷ đồng, chuyển 3 vụ xử lý hình sự.

Hà Nội cũng đã đưa vào sử dụng 3 xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động. Xe đi đến đâu đoàn kiểm tra liên ngành đến đó để xử lý ngay những vi phạm. Tới đây Hà Nội nhập khẩu thêm 2 xe hiện đại hơn.

“Tình hình này phải kiên quyết xử lý hình sự về ATTP để có tác dụng răn đe. Tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng chưa hiệu quả, cần xử nặng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Hà Nội chỉ đạo việc này rất kiên quyết, yêu cầu lãnh đạo quận huyện, xã phường xuống kiểm tra cơ sở”, vị đại diện chính quyền Hà Nội nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết: Thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu thực phẩm, trong năm 2016, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch đấu tranh chuyên đề liên quan đến an toàn thực phẩm; quán triệt, tổ chức thực hiện kế hoạch chặn đứng hoạt động nhập khẩu, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhập lậu, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, phát hiện xử lý kịp các vụ việc, đường dây, ổ nhóm…

Kết quả đã phát hiện, chuyển CQĐT xử lý hình sự 4 vụ việc liên quan nhập lậu thực phẩm (phần lớn là thực phẩm chức năng không có giấy phép theo quy định, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm); xử lý hành chính 15 vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, như:hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu, hàng hóa kém chất lượng. Trị giá hàng hóa vi phạm 10 tỷ đồng.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với cơ quan kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm để đảm bảo việc kiểm tra thực phẩm nhập khẩu; phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tiếp tục triển khai Đề án ''Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu'' đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện năm cao điểm hành động về an toàn thực phẩm với 3 trọng tâm: Tăng cường thông tin truyền thông; thanh tra kiểm tra vi phạm với chất cấm, vật tư đầu vào nông nghiệp; xây dựng chuỗi sản xuất chứng nhận, cung ứng sản phẩm an toàn.

Bộ tổ chức chương trình ký cam kết giữa 63 tỉnh với 500 nghìn hộ chăn nuôi sản xuất thực phẩm an toàn, tổ chức xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, kiểm tra xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn để giới thiệu cho người tiêu dùng.

Trong công tác thanh tra kiểm tra chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, Bộ phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an trinh sát thanh tra đột xuất, phát hiện nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, đã kiểm tra 1.183 cơ sở sản xuất kinh doanh, xử phạt 561 cơ sở vi phạm.

Để thực hiện Chương trình 90 về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ: Bộ sẽ tập trung hoàn thiện tài liệu hướng dẫn quy trình về an toàn thực phẩm; đôn đốc các đơn vị thuộc bộ thực hiện Kế hoạch 90.

Bộ cũng sẽ thực hiện việc chỉ đạo điểm về an toàn thực phẩm ở 3 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Thái Bình về sản xuất nông nghiệp chất lượng cao…

Về nhiệm vụ trong năm 2017, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông qua đó góp phần thay đổi hành vi của người dân trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết trong năm 2017, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tổ chức tập huấn cho các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí về kỹ năng tuyên truyền về an toàn toàn thực phẩm.

Cùng với đó, sẽ tổ chức một cuộc thi báo chí viết về đảm bảo an toàn thực phẩm, cuộc thi ảnh về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hồng cũng đề nghị các Bộ ngành cung cấp thông tin với Bộ Thông tin truyền thông về ATTP để phổ biến kịp thời đến các cơ quan báo chí qua đó để các cơ quan báo chí phản ánh một cáchthận trọng tránh những sự cố như vụ việc liên quan đến Asen trong nước mắm vừa qua.

Để mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông minh

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, việc tổ chức họp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội về tiến độ triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ về vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 để thấy được những việc làm được, chưa làm được để có những bước khởi động thực hiện chương trình trong năm 2017 nhằm thực hiện mục tiêu 100% xã phường tuyên truyền về an toàn thực phẩm, 50% hộ nông dân đăng ký đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tuy mới chỉ thực hiện trong 6 tháng nhưng việc triển khai Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, được người dân đồng tình hoan nghênh. Đến nay đã có 20/63 tỉnh có chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong thời gian tới UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện chương trình.

Dự kiến ngày 20/12 sắp tới, Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện chương trình phối hợp này.

Hoan nghênh hiệu quả của công tác truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí trong thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Việc vận động, tác động đến ý thức xã hội, người dân trong bảo đảm an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Truyền thông là giải pháp ít tốn kém nhất mà hiệu quả nhất.

Theo người đứng đầu Mặt trận, để bảo đảm cuộc vận động an toàn vệ sinh thực phẩm thành công, từ nay đến cuối tháng 12/2016, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ bàn, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu, danh sách những cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận an toàn của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp cho người dân truy cập.

“Làm sao sử dụng thế mạnh của CNTT để chỉ cần một cái kích chuột, người dân có thể biết được các cửa hàng thực phẩm sạch. Tương tự, phải có nơi để người dân phản ánh về thực phẩm bẩn. Chúng ta phải nói thẳng- nói thật, nói không với thực phẩm bẩn, nói có với thực phẩm sạch. Đó là cơ sở để mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông minh”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2016.

Bộ Y tế cần triển khai quyết liệt sớm chương trình an toàn thực phẩm, xử phạt những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm…

Đồng thời, các tổ chức chính trị – xã hội cần thực hiện đúng sự phân công giám sát, đẩy mạnh vận động nhân dân trong thực hiện sản xuất an toàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hình ảnh tại Hội nghị:

Anh Vũ
Ảnh: Hoàng Anh

Từ khóa

an toàn thực phẩmMTTQ Việt NamChương trình phối hợp 90Nguyễn Thiện NhânTrương Thị Ngọc Ánh

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

7 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago