Sau sinh, đôi vú của bạn từ vẻ đẹp săn chắc, mịn màng trở nên mềm nhão, chảy xệ, da rạn nứt. Để lấy lại vẻ đẹp vốn có của nó, bạn cần chăm sóc đôi vú với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, luyện tập hợp lý, lựa chọn áo ngực phù hợp và sử dụng mỹ phẩm làm đẹp từ thiên nhiên. Dưới đây là chế độ chăm sóc cụ thể.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Thông thường, người phụ nữ khi mang bầu hoặc trong thời gian cho con bú mới chú ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và nguồn sữa cho con. Ít ai nghĩ rằng, sau khi cai sữa cho con, người mẹ cũng cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, để đảm bảo sức khỏe và duy trì vẻ đẹp cơ thể. Sau thời gian cho con bú bú, đôi vú thay đổi kích thước do hoạt động của tuyến sữa như bầu vú to hơn, da vú rạn nứt, cơ vú mềm nhão, chảy xệ. Cho nên, không chỉ sau sinh mà sau khi cai sữa cho con, bạn cũng phải duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giúp giữ vẻ đẹp vốn có của đôi vú.
Cấu tạo của vú chủ yếu là các mô mỡ, mô liên kết và được nâng đỡ bởi các múi cơ, dây chằng, da bao quanh, nên trong khẩu phần bữa ăn, bạn cần bổ sung thực phẩm giàu lipit, estrogen như ngũ cốc, cá, trứng, sữa, đậu nành, rau xanh, nho, bưởi, đu đủ, cam… là những chất giúp củng cố, tăng cường các tổ chức này. Đồng thời, nên tránh thực phẩm không tốt cho đôi vú như thức ăn chế biến sẵn, cà phê, nước uống có ga, có cồn, gia vị cay nóng…
Duy trì chế độ luyện tập phù hợp
Sau sinh, khoảng 12 tiếng đối với mẹ sinh thường, 24 tiếng đối với mẹ sinh mổ, sản phụ nên ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng để lưu thông khí huyết, tránh ứ đọng sản dịch. Khoảng 1 tháng sau sinh, bạn nên bắt đầu tập thể dục, giúp tăng cường sức khỏe và lấy lại vóc dáng. Để việc tập thể dục hiệu quả và an toàn, bạn chỉ nên bắt đầu luyện tập khi cơ thể bình thường, thải hết sản dịch, các vết thương cắt rạch, mổ lành hẳn. Bạn nên tập nhẹ nhàng trong thời gian ngắn, sau đó tăng dần cường độ và thời gian tập.
Tập cơ ngực là cách phổ biến, dễ thực hiện, giúp đôi vú săn chắc, khỏe đẹp sau thời gian mang thai, cho con bú và cai sữa cho con. Tùy vào điều kiện và cơ địa mỗi người, bạn có thể lựa chọn cho mình những bài tập cơ ngực phù hợp. Dưới đây là một số bài tập cụ thể để các mẹ cùng tham khảo.
Bài tập tay không
Chân đứng thẳng, mở rộng bằng vai, hai tay gập vuông góc ở khuỷu, ép sát vào nhau, giơ trước mặt, hít sâu, sau đó từ từ mở rộng sang ngang hai bên, thở ra. Lặp lại động tác này 20 lần, kết hợp hít vào, thở ra. Sau đó thả lỏng cơ thể. Tiếp tục tập đợt mới.
Bài tập này nên thực hiện hằng ngày, mỗi ngày 2 lần vào bất kỳ lúc nào thích hợp như sáng sớm, chiều tối hay trong lúc nấu ăn.
Bài tập tạ tay
Bạn cần chuẩn bị hai tạ tay loại nhỏ, nặng khoảng 0,5 kg mỗi quả. Chân đứng thẳng, mở rộng bằng vai, hai tay cầm tạ theo chiều ngang cơ thể, từ từ hạ tay xuống song song với người, hít sâu, sau đó từ từ nâng tạ lên vị trí ban đầu, thở ra. Lặp lại động tác này 20 lần, kết hợp hít vào, thở ra. Sau đó thả lỏng cơ thể. Tiếp tục tập đợt mới.
Bài tập này cũng nên thực hiện hằng ngày, mỗi ngày 2 lần vào bất kỳ lúc nào thích hợp như sáng sớm, chiều tối hay trong lúc nấu ăn.
Ngoài việc luyện tập thể dục đều đặn, bạn nên kết hợp xoa bóp, mát xa ngực đúng cách, để cơ ngực được lưu thông khí huyết. Thời điểm lý tưởng trong ngày có thể tiến hành mát xa là buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Trước khi mát xa, bạn nên xoa hai bàn tay vào nhau để làm ấm tay, sau đó mát xa nhẹ nhàng đôi vú theo chiều xoay tròn đối ngược giữa hai tay, tức là tay trái xoay vòng sang phải thì tay phải xoay vòng bên trái, kết hợp hít thở nhẹ nhàng, mát xa khoảng 20 vòng/lần. Sau đó thả lỏng cơ thể. Tiếp tục tập đợt mới.
Lưu ý:
+ Cho con bú trước khi tập luyện;
+ Mặc áo ngực thể thao khi tập luyện;
+ Bổ sung nước kịp thời và đầy đủ cho cơ thể;
+ Chỉ tập thể dục và mát xa vú khi cơ thể khỏe mạnh bình thường;
+ Không mát xa, tập thể dục khi vú bị đau, sưng, viêm, đang điều trị các bệnh lý về vú, trừ trường hợp cần tập hỗ trợ chữa bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ;
+ Không mát xa, tập thể dục ngực 3 ngày trước, sau kỳ kinh nguyệt và trong ngày kinh nguyệt;
Lựa chọn kích cỡ, chất liệu, kiểu dáng áo ngực phù hợp
Kích cỡ, chất liệu, kiểu dáng áo ngực phù hợp là yếu tố quyết định để đảm bảo đôi vú khỏe đẹp. Ở phụ nữ trưởng thành, kích cỡ áo ngực phụ thuộc vào cân nặng, chiều cao, vòng ngực. Trong thời gian mang bầu, cho con bú, bạn cần thay đổi kích cỡ áo ngực thường xuyên, lựa chọn những áo ngực mềm mại, không gọng, chuyên dụng để phù hợp với sự phát triển kích thước bầu vú và thuận lợi cho hoạt động của tuyến sữa cũng như việc cho con bú. Sau khi cai sữa cho con, bạn nên lựa chọn những chiếc áo ngực có gọng, giúp nâng đỡ đôi vú.
Chất liệu áo ngực tốt sẽ đem lại cho bạn cảm giác thoải mái, an toàn khi sử dụng. Có rất nhiều loại chất liệu áo ngực để bạn lựa chọn như cotton, cotton kết hợp polyester, lụa tơ tằm, ren…
Kiểu dáng thiết kế áo ngực không chỉ giúp tôn thêm vẻ đẹp của trang phục mà còn đáp ứng sự khác nhau về cấu tạo đôi vú từng người. Việc lựa chọn áo ngực phù hợp, sẽ đảm bảo đôi vú được nâng đỡ, lượng máu ở vú lưu thông bình thường. Ngoài ra, lựa chọn áo ngực phù hợp sẽ giúp mẹ tránh được các khó chịu, bệnh lý cho vú. Có rất nhiều kiểu dáng áo ngực khác nhau như áo ngực không gọng, áo ngực không đường may, áo ngực không dây, áo ngực dây linh động, áo ngực nửa quả, áo ngực thể thao, áo ngực quả tròn, áo ngực cài cúc trước, áo ngực cài cúc sau, áo ngực dành cho bà bầu, áo ngực dành cho mẹ cho con bú…
Làm đẹp đôi vú bằng mỹ phẩm từ thiên nhiên
Da ngực là vùng da mỏng, nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương. Qua quá trình mang bầu và cho con bú, da ngực của bạn có thể bị rạn nứt, thay đổi sắc tố. Để tăng cường và duy trì độ ẩm, sự mềm mại, căng mịn cho làn da đôi vú, bạn có thể sử dụng một số loại mỹ phẩm làm đẹp an toàn từ thiên nhiên. Dầu dừa được xem là mỹ phẩm thiên nhiên an toàn, mang lại hiệu quả cao trong việc chăm sóc đôi vú. Bạn có thể lấy một lượng vừa đủ dầu dừa, xoa đều vào lòng bàn tay, sau đó mát xa lên đôi vú. Dầu dừa sẽ thẩm thấu vào trong da, bổ sung dưỡng chất và độ ẩm, giúp da vú mềm mại, săn chắc, mịn màng hơn.
Cho con bú sữa mẹ đúng cách, đúng thời gian
Trẻ bú mẹ là một việc tự nhiên. Những gì tuân theo lẽ tự nhiên đều đúng. Do vậy, việc mẹ cho con bú không những tốt cho con mà còn tốt cho sức khỏe của mẹ. Đã có nhiều trường hợp mẹ bị những bệnh về vú vì không cho con bú như tắc tia sữa, áp xe vú, viêm tuyến sữa… Và cũng theo lẽ tự nhiên, khi vú mẹ không còn tiết sữa nữa thì cũng phải dừng cho con bú. Thời gian cho con bú được khuyến cáo là khoảng 2 năm sau khi sinh. Đây là thời gian tuyến vú hoạt động tốt nhất để sản sinh sữa, và cũng là thời gian vừa đủ để hệ tiêu hóa của trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn ngoài. Hiện nay, có rất nhiều phụ nữ lựa chọn và thành công với phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ. Trẻ được bú sữa mẹ sẽ phát triển đầy đủ cả về sức khỏe, tâm lý, tình cảm. Các mẹ hãy cố gắng cho trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì đến khi trẻ tròn 2 tuổi mới tiến hành cai sữa. Việc cai sữa giúp mẹ có thêm thời gian chăm sóc, tập luyện, để lấy lại vóc dáng sau sinh.
Ngoài thời gian cho con bú, việc cho con bú đúng cách cũng giúp cho sức khỏe đôi vú của mẹ tốt hơn. Ở mỗi trẻ, số lần bú và thời gian mỗi cữ bú khác nhau. Với trẻ sơ sinh, cứ khoảng 2 đến 3 tiếng, trẻ bú một lần. Trẻ lớn hơn thì thời gian bú sẽ lâu hơn, khoảng cách các cữ bú xa hơn. Mẹ hãy lắng nghe nhu cầu bú của con, để điều chỉnh số cữ bú và thời gian bú phù hợp. Khi thay đổi thời gian các cữ bú, mẹ nên thay đổi dần dần để hoạt động của bầu vú, tuyến sữa kịp thời thích nghi, phòng tránh các bệnh về vú. Ví dụ, trẻ đang bú 2 tiếng 1 lần thì nên thay đổi dần lên 2 tiếng 10 phút, 2 tiếng 20 phút… chứ không nên thay đổi ngay thành 3 tiếng một lần. Khi cho trẻ bú, mẹ nên chọn tư thế phù hợp, thoải mái cho cả mẹ và con. Khi cho con bú, mẹ nên cho con bú luân phiên hai bên vú, bú bên nào hết sữa bên đấy. Nếu con bú không hết thì phải vắt sữa thừa còn lại ra ngoài, để đón lượng sữa mới tiết ra. Trước và sau khi cho trẻ bú, mẹ nhớ vệ sinh sạch sẽ núm vú tránh bị nhiễm khuẩn gây ra các bệnh cho vú như viêm ống dẫn sữa, áp xe vú, viêm vú…
***
Đôi vú không chỉ là nét đẹp cơ thể người phụ nữ, mà nó còn là bộ phận sản sinh ra sữa để nuôi con. Cùng với thời gian, đôi vú thay đổi về hình dáng, kích thước, màu da. Từ đôi vú săn chắc, mịn màng của người phụ nữ trưởng thành, đến đôi vú to tròn, mềm nhão, rạn nứt của sản phụ nuôi con nhỏ. Để lấy lại vẻ đẹp vốn của đôi vú sau sinh và cho con bú, bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, chế độ luyện tập hợp lý, kết hợp chăm sóc thẩm mỹ khoa học.
Thanh Thùy
Nguồn: congioilam.com
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…