Mới đây trên mạng xã hội một người mẹ phàn nàn chuyện con bị ngã từ trên cao xuống đất và cảm thấy rất lo lắng về sức khỏe của con khi xuất hiện các triệu chứng lạ.
Theo người mẹ này, sau khi tai nạn xảy ra, gia đình không đưa đi khám do nghĩ chỉ chấn thương nhẹ. Tuy nhiên 2 ngày sau đó, bé bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, không chịu chơi kèm theo nôn rất nhiều. Người mẹ tỏ ra lo lắng và đưa câu hỏi lên mạng xã hội mong được giải đáp.
Dù lo lắng cho con nhưng người mẹ này vẫn quyết chờ qua đêm mới đưa con đi khám ở bệnh viện. Trước quyết định của người mẹ, nhiều cư dân mạng tỏ ra lo lắng vì bé đã có dấu hiệu bất thường kèm nôn có thể cảnh báo bị chấn thương sọ não. Việc để bé ở nhà quá lâu mà không thăm khám kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
(Ảnh minh họa)
Chị P. (Hà Nội) cho biết, gia đình chị từng có người bị tai nạn trên đường nhưng sau khi đứng dậy thấy không có vấn đề gì nên hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, sau đó 1 ngày, các cơn đau ở đầu mới xuất hiện, mệt mỏi, choáng váng và kèm theo nôn. Tuy nhiên, hiện tượng nôn xuất hiện ngắt quãng nên chỉ nghĩ do mệt mỏi và áp lực công việc chứ không phải vấn đề gì nghiêm trọng.
“Khi đến bệnh viện khám, người này bị kết luận chấn thương sọ não, máu tụ bên trong mà không biết. Các bác sĩ cho rằng, sau khi bị chấn thương ở đầu mà càng tỉnh táo lại càng đáng lo hơn”, chị P. cho biết.
Phát hiện muộn rất nguy hiểm
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho hay, với những trường hợp sau chấn thương có biểu hiện nôn, mệt mỏi phải đưa đi khám ngay. Bởi vì điều đó cho thấy khu vực đầu, não đã có vấn đề. Đáng lo nhất là máu tụ trong não.
“Sở dĩ nhiều trường hợp đưa đến bệnh viện muộn là do người thân không có kiến thức nên nghĩ hoàn toàn không có gì bất thường. Dù bị chấn thương đầu, đập đầu xuống đất nhưng sau đó lại bình thường nên lại càng chủ quan, chỉ khi có biểu hiện nôn, mệt mỏi, choáng mới bắt đầu đưa đến bệnh viện sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ nói.
Vấn đề quan trọng là không nên vội vàng lên tuyến trên ngay có thể đến cơ sở y tế nơi gần nhất để thăm khám ban đầu, xác định nguyên nhân và bác sĩ sẽ có sự tư vấn các bước xử trí tiếp theo. Muốn cho bệnh nhân được an toàn, không gây hậu quả về sau thì khi di chuyển bệnh nhân nên nằm ngửa, đầu kê bình thường không gối quá cao.
Nếu như lực chấn nhẹ thì không đáng lo còn nếu lực chấn mạnh thì thay vì để ở nhà cần đi khám hay chụp phim nhằm phát hiện xem có gì bất thường ở đầu không. Trong đó quan trọng nhất là phát hiện hiện tượng máu đông hay tụ máu não.
“Sau chấn thương vẫn tỉnh thì gọi là khoảng tỉnh. Nhưng các tổn thương gây áp lực nội sọ sẽ gây các triệu chứng và biểu hiện rõ ràng nhất là nôn, nhức đầu… Trong quá trình đó có thể bên trong não đang chảy máu, ban đầu chỉ là lượng máu chảy ít rồi tăng lên và chèn ép lên não… Máu có thể chảy từ các mạch máu trong não bị vỡ do chấn thương cũng có trường hợp xương đầu bị vỡ rồi máu chảy lan vào não”, bác sĩ khuyến cáo.
Tuy nhiên, kể cả sau khi thăm khám không phát hiện điều gì bất thường thì nạn nhân và người nhà vẫn không được chủ quan. Nạn nhân vẫn phải được theo dõi ít nhất 1 tuần sau khi xảy ra chấn thương. Trong quá trình này nếu có dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, co giật, nôn, chảy máu tai hay mũi… phải đi khám ngay để phát hiện các vấn đề ở não. Nếu để nạn nhân tại nhà sẽ có thể bị nguy hiểm và dẫn đến tử vong.
Vì vậy để tránh xảy ra những chấn thương gây nguy hiểm cho trẻ hoặc người lớn đều phải chú ý cẩn trọng trong sinh hoạt đặc biệt là khi đi lại ngoài đường. Với trẻ em thường hay leo trèo lên các tủ, bàn, ghế cao… khi đùa nghịch có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Sau khi tai nạn có thể bố mẹ không biết hoặc biết nhưng lại chủ quan mới dẫn đến điều đáng tiếc.
Đông Phong
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…