Categories: Sức khoẻ

Cấp cứu vì… thuốc

Tối hôm ấy, đi ăn tất niên về đến nhà, anh Trường nằm vật ra nền đất, kêu đau đầu ầm ĩ.

Đã mấy ngày nay, ngày nào chồng cũng đi nhậu tất niên và say nên chị Loan bực mình lắm.

Vừa làu bàu bực bội vừa dìu chồng nằm lên sofa, chị Loan nghĩ không hiểu làm thế nào mà anh Trường về được nhà trong trạng thái say xỉn như thế, cứ như thế này, tử thần sờ gáy lúc nào không hay…

Tuy tức bực trong lòng nhưng thấy chồng rên rỉ đau đầu, chị cũng thấy xót. Lấy chăn đắp cho chồng xong, chị đưa cốc nước mát và 2 viên paracetamol 500 mg cho anh uống, chị Loan không quên cằn nhằn:

– Ngày nào cũng xỉn như thế này, không hiểu các ông tất niên gì mà lắm thế. Đây, uống thuốc đi cho hết đau rồi đi ngủ.

Xong rồi chị vào phòng ngủ. Nửa đêm, bị đánh thức bởi tiếng nôn ọe, chị Loan chạy ra thì thấy chồng đang vật vã, sợ anh Trường bị ngộ độc rượu, chị vội gọi xe đưa anh đi cấp cứu…

Đúng là anh Trường bị ngộ độc thật, nhưng là ngộ độc thuốc paracetamol khiến men gan tăng vọt, rất nguy hiểm. Thì ra, sau khi uống 2 viên thuốc vợ đưa cho, một lúc sau vẫn không thấy hết đau đầu, anh Trường “bồi” thêm 2 viên nữa. Chỉ sau khoảng vài tiếng uống thuốc, anh Trường đã cảm thấy vật vã trong người, đau tức bụng rồi nôn thốc nôn tháo…

Bác sĩ lắc đầu nói:

– Các vị liều thật đấy. Uống rượu tràn lan rồi dùng thuốc bừa như vậy mà không hiểu gì về thuốc, có ngày nguy hiểm đến tính mạng.

Chị Loan rất ngạc nhiên bởi paracetamol anh chị vẫn thường uống mỗi khi bị đau đầu, nhưng có thấy làm sao đâu?

Sau khi xử lý rửa dạ dày, bù nước, chỉ định thuốc… rồi đưa anh Trường vào phòng bệnh xong, bác sĩ mới giải thích căn kẽ:

– Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau, khá an toàn ở liều điều trị nên được bán rộng rãi mà không cần bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, thế nào là liều điều trị? Liều giảm đau, uống dưới dạng viên nén giải phóng chậm ở người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên là 1,3 g và cứ 8 giờ mới được uống 1 lần, không được phép uống quá 3,9 g mỗi ngày.

Còn các dạng chế phẩm khác như viên sủi hoặc viên đặt trực tràng lại có những chỉ định khác nhau. Đằng này, trong 1 lần dùng mà anh lại uống những 2 g. Không những thế, còn uống thuốc trong lúc uống quá nhiều rượu, lại càng tăng thêm độc tính của thuốc tại gan.

Ngộ độc paracetamol gây viêm gan cấp tính, có thể dẫn tới hoại tử gan và nguy hiểm hơn là có thể gây tử vong… Và còn rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác nữa mà paracetamol gây ra khi dùng không đúng. Những điều này đều được cảnh báo trong toa thuốc, ai ai cũng có thể đọc để hiểu biết…

Nghe bác sĩ nói xong, chị Loan mới giật mình nhớ lại đã có lần đọc toa thuốc có ghi chú là không được uống thuốc trong lúc uống rượu. Vậy mà chị quên mất… Những bực tức do chồng say xỉn tan biến, chỉ còn lại nỗi ân hận day dứt… Nước mắt chị Loan lã chã rơi, suýt nữa chị đã hại anh…

Cũng may, sau 3 ngày nằm viện, men gan của anh Trường đã giảm về mức an toàn và được ra viện, nếu không thì năm nay nhà chị Loan không có Tết…

Theo Việt Hà/Sức Khoẻ Đời Sống
Nguồn: Zing

adminyhoc

Recent Posts

Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tự kỷ

Theo các số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc cho thấy hiện có 1%…

1 day ago

Vi khuẩn đường ruột oxalobacter formigenes hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cơ thể con người chứa đến hàng tỷ các vi sinh vật khác nhau bao…

2 days ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

3 days ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

4 days ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

4 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

4 days ago