Categories: Sức khoẻ

Cẩn trọng khi thoa kem lên da trẻ

Nhiều bà mẹ thường tự mua kem rồi thoa lên da trẻ theo hướng dẫn của nhân viên bán hàng hoặc hướng dẫn trên vỏ hộp, mà không biết sản phẩm đó có phù hợp với da trẻ hay không.

Khách chọn mua kem dưỡng da ở một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM Ảnh: N.L.

Các sản phẩm kem bôi da dành cho trẻ thường được bán ở các nhà thuốc, siêu thị, cửa hàng mỹ phẩm…

Nhiều sản phẩm 
xách tay

Ở một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM), có nhiều sản phẩm kem chống hăm, chống nắng, kem dưỡng ẩm, chăm sóc da cho trẻ. Các sản phẩm này xuất xứ từ Đức, Ý, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản…

Biết chúng tôi cần mua kem chống hăm cho bé 1 tuổi, nhân viên cửa hàng này giới thiệu một số loại kem, có giá từ khoảng 100.000 đến 300.000 đồng. Các sản phẩm kem chống nắng, dưỡng ẩm cùng hãng với kem chống hăm có giá tương đương.

Chúng tôi thắc mắc về một sản phẩm không có tem nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt mà chỉ toàn tiếng Đức, một nhân viên tư vấn sau khi xem một hồi lâu thì nói đây là kem chống hăm: "Hàng không có tem mác mới là hàng tốt vì đó là hàng nội địa ở các nước xách tay trực tiếp về. Những người quen dùng rồi thì biết”.

Một cửa hàng khác ở đường này cũng có các sản phẩm kem dưỡng ẩm, chống nắng, chống hăm tương tự. Nhân viên ở đây cũng nói các sản phẩm dưỡng da cho trẻ hầu hết từ nước ngoài nhập về. Khi khách hỏi một loại kem chống nắng, trẻ mấy tuổi có thể dùng được thì sau khi đọc tem hướng dẫn không thấy thông tin, nhân viên bán hàng đã cầm hộp kem qua hỏi nhân viên thu ngân rồi quay lại trả lời: “Từ trẻ sơ sinh là đã sử dụng được”.

Phụ huynh có thắc mắc kem dưỡng da cho trẻ em có chống chỉ định gì không thì nhân viên tại một cửa hàng mỹ phẩm ở Q.10, TP.HCM cho hay: “Sản phẩm dùng cho trẻ rất an toàn nên cha mẹ không cần phải lo”.

Hạn chế dùng kem 
dưỡng da

Theo TS.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu Đại học Y dược TP.HCM, trẻ nhũ nhi thường tăng tiết mồ hôi nước nhiều nên cơ thể bé lúc nào cũng ướt mồ hôi nước. Những vấn đề thường gặp ở trẻ nhũ nhi là hăm kẽ, viêm kẽ do ẩm ướt, nhất là bé bụ bẫm. Những sản phẩm dùng làm dịu da, trị mảng da đang viêm, đỏ, sần hay sản phẩm có hoạt tính kháng nấm, trong những trường hợp viêm kẽ có nhiễm nấm, cần chỉ định của bác sĩ.

Với trẻ bị hăm, rôm sảy hay “cứt trâu” trên da đầu, trẻ có cơ địa chàm với các dấu hiệu như da dễ bị khô, da vảy cá, sần sùi, có chất sừng trong nang lông, cần dùng sản phẩm đúng theo chỉ định của bác sĩ cho từng loại bệnh. Còn nếu da trẻ bình thường, chỉ cần cho trẻ tắm bằng sữa tắm, mặc quần áo thông thoáng và để trẻ ở trong phòng thoáng mát, đầy đủ độ ẩm.

Kem dưỡng ẩm cho trẻ nhũ nhi có thể không cần theo toa bác sĩ, và chọn những loại có thương hiệu uy tín, được công bố an toàn, thành phần rõ ràng. Nhưng nên thận trọng, ví dụ với da khô, dùng kem dưỡng ẩm nào càng ít hoạt chất càng tốt, chẳng hạn loại kem chỉ giữ để không mất nước qua da. Khi da phục hồi độ ẩm tương đối, có thể tạm ngừng.

Bác sĩ Thanh cho biết trẻ từ khoảng 10-11 tuổi trở lên, cấu trúc da trẻ gần giống da người lớn, trẻ độ tuổi này bắt đầu hoạt động nhiều hơn, có thể dùng thêm kem chống nắng khi đi ra ngoài. Tuy nhiên, trước khi dùng kem chống nắng, nên có biện pháp chống nắng cơ học như mũ, áo, khẩu trang. Cần thiết mới dùng kem chống nắng, nhưng hạn chế dùng thường xuyên, lâu dài. Thông thường, trẻ dùng kem chống nắng dạng xịt, ít khi dùng kem bôi.

“Trẻ thường tăng tiết chất nhờn nhiều, nên chọn kem chống nắng dùng cho da nhờn, da mụn. Khi trẻ đi du lịch, thay đổi môi trường, nếu da bị khô, có thể dùng kem dưỡng ẩm nhẹ, không màu, không mùi, nhưng chỉ nên dùng trong giai đoạn ngắn. Nếu da nhờn, chỉ cần sử dụng sữa rửa mặt dành cho da nhờn, nếu có mụn thì dùng kem, thuốc trị mụn theo toa của bác sĩ”- bác sĩ Thanh tư vấn.

Bác sĩ Thanh khuyến cáo về lâu dài, trẻ em không nên dùng kem dưỡng da. Khi da trẻ có vấn đề mới dùng kem để điều trị tình trạng đó. Khi da trở về tình trạng bình thường, không nên sử dụng nữa. Thấy da trẻ có dấu hiệu như đỏ, sần, ngứa ở vùng kẽ, vùng da đầu, nên đưa trẻ đến bác sĩ khám để điều trị thích hợp, không tự ý mua thuốc trị viêm da, vì trong sản phẩm có thể có những hoạt chất không cần thiết, có thể làm tổn thương da của trẻ.

Chống nắng cho trẻ khi đi bơi

Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh lưu ý khi trẻ đi bơi, nên chọn kem chống nắng loại kháng nước (không tan trong nước). Ngoài ra, khi dùng kem chống nắng dưới nước, phải đủ độ dày mới có khả năng chống nắng đảm bảo như những chỉ số ghi trên nhãn. Bởi thực chất, trong quá trình bơi, kem chống nắng cũng dễ trôi đi, hoặc chỉ cần trẻ dùng tay quẹt qua thì lớp kem chống nắng cũng mỏng đi, không còn tác dụng chống nắng nhiều.

Kem chống nắng chỉ hỗ trợ được phần nào đó cho da trẻ. Để hỗ trợ tối đa bảo vệ da cho trẻ, cần chọn giờ mát cho trẻ đi bơi, hồ bơi có mái che. Nếu trẻ đi bơi liên tục mỗi ngày, có thể dùng thêm thuốc uống chống nắng. Tuy nhiên, thuốc chống nắng vẫn chưa được chỉ định cho trẻ nhỏ, nên chỉ dùng cho trẻ từ khoảng 12 tuổi trở lên và khi cần thiết mới dùng.

NGỌC LOAN – MINH HUYỀN (TTO)

Nguồn: Giáo dục Online

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago