Theo người nhà, bệnh nhân H. có tiền sử nghiện rượu. Để có rượu, bệnh nhân đã mua cồn y tế về để pha thành rượu uống.
Sau khi uống xong, bệnh nhân bị ngộ độc vào viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc, toan chuyển hóa nặng. Kết quả xét nghiệm máu: nồng độ methanol là 321,76mg/dL (cao gấp 16 lần mức cho phép).
Các bác sĩ tại Trung tâm chống độc đã điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong ngày 24/6. Loại cồn y tế bệnh nhân đã sử dụng là cồn 90 độ, Ethanol, chai 500 ml do một công ty sản xuất. Tuy nhiên qua xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn của bệnh nhân đã dùng cho kết quả: nồng độ methanol là 88%, không tìm thấy ethanol.
Ngộ độc methanol khi uống cồn pha, ảnh BVCC.
Ths. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân ngộ độc là do người dân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, còn có những trường hợp uống cồn y tế pha thay rượu (do nghiện rượu, thiếu rượu để uống hoặc hiểu nhầm cồn y tế là an toàn).
Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Chống độc đã ghi nhận 4 trường hợp ngộ độc methanol do uống cồn y tế (trong đó 01 bệnh nhân nặng đã tử vong, 01 bệnh nhân để lại di chứng trên não, 2 bệnh nhân được hồi phục).
Ngộ độc Ethanol tác hại rất lớn tới hệ thần kinh, mắt và một số cơ quan khác. Khi ngộ độc cấp, giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích, người thấy sảng khoái, nói nhiều. Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong. Ngộ độc mạn tính, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run và rối loạn tâm thần…
Thời gian gần đây Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận rất nhiều ca uống nhầm cồn. Để phòng tránh ngộ độc methanol trong cồn sát trùng, các tai nạn do nhầm lẫn chai lọ… bệnh viện đã đề xuất Cục khám chữa bệnh kiểm tra lại việc có methanol trong các sản phẩm cồn sát trùng, có các biện pháp kiểm soát thành phần này trong cồn sát trùng.
Thông tin trên sản phẩm phải ghi rõ: hàm lượng ethanol, hàm lượng methanol. Trường hợp có thành phần methanol thì cần phải ghi rõ “chứa cồn công nghiệp methanol – không được uống”.
Về hình thức các sản phẩm cồn nên đóng chai lọ cồn sát trùng và nhãn mác khác hoàn toàn so với chai lọ nước cất, nước rửa mắt, mũi để tránh nhầm lẫn.
Kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương thực hiện các bước để đưa thêm chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp (để tránh việc một số nhà sản xuất cồn sát trùng mua cồn công nghiệp về sơ chế hoặc đóng chai thành cồn sát trùng hoặc kẻ xấu pha cồn công nghiệp thành rượu lậu để bán).
Bộ Y tế nên thêm chất chỉ thị màu (khác với màu của cồn công nghiệp) vào chai lọ cồn sát trùng để người dân không nhầm lẫn và biết nguy cơ phòng tránh ngộ độc.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…