Các biến chứng sớm, muộn sau cuộc phẫu thuật glôcôm
Glôcôm (còn gọi là Glaucoma – thiên đầu thống) là một bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính, trên lâm sàng, biểu hiện đặc trưng bởi tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị và thường liên quan đến một tình trạng nhãn áp cao.
Glôcôm góc đóng thường được chỉ định điều trị phẫu thuật sau khi đã điều trị cấp cứu bằng thuốc. Mắt chưa bị lên cơn glôcôm cũng cần phải điều trị dự phòng bằng lade hoặc phẫu thuật.
Glôcôm góc mở cần can thiệp phẫu thuật khi điều trị thuốc không đạt hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên hiện nay, ở Việt Nam, tuỳ thuộc điều kiện thực tế của người bệnh, cần chỉ định điều trị phẫu thuật sớm nếu người bệnh không có điều kiện kinh tế để mua thuốc hoặc không có điều kiện đi lại để thăm khám, kiểm tra, theo dõi định kỳ.
Biến chứng sớm sau mổ
Sau mổ glôcôm, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như: xuất huyết tiền phòng, dò mép mổ, bong hắc mạc, phản ứng viêm màng bồ đào, nặng nề nhất là glôcôm ác tính, nhiễm khuẩn gây viêm mủ nội nhãn…
Để tránh những biến chứng, trong những tuần đầu sau mổ, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ khám và dùng thuốc theo đơn của bác sỹ, đặc biệt khi thấy mắt có biểu hiện nhìn mờ hay đau nhức thì cần phải đi khám ngay.
Biến chứng có thể gặp phải ở giai đoạn muộn sau mổ glôcôm
Mục đích trong điều trị glôcôm là bảo tồn chức năng thị giác cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải là bệnh đã hoàn toàn được chữa khỏi sau phẫu thuật mà vẫn có nhiều trường hợp, sau nhiều năm, bệnh vẫn tiếp tục tổn hại dẫn tới mù loà mặc dù đã được phẫu thuật nhiều lần.
Bệnh nhân glôcôm cần ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này và đi khám để được theo dõi thường xuyên tại các cơ sở y tế.
Việc khám định kỳ sau mổ glôcôm không những ngăn chặn được tổn hại tiến triển của bệnh mà còn phát hiện và xử trí kịp thời những biến chứng muộn của phẫu thuật. Một số biến chứng muộn có thể xảy ra sau mổ glôcôm như:
– Đục thể thuỷ tinh: gây giảm thị lực từ từ, có thể xử trí bằng phẫu thuật thay thể thuỷ tinh nhân tạo.
– Viêm màng bồ đào: triệu chứng là nhìn mờ kèm đau nhức âm ỉ, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị bằng các thuốc chống viêm.
– Viêm mủ nội nhãn, nhãn viêm giao cảm: là những biến chứng nguy hiểm, những biến chứng này thường gặp từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 95 sau mổ. Dấu hiệu là thị lực giảm sút nhanh kèm đau nhức dữ dội. Những biến chứng này cần xử trí cấp cứu vì nó thường để lại hậu quả vô cùng nặng nề, có thể phải bỏ mắt.
-Vỡ dò sẹo bọng: đây cũng là biến chứng cần xử trí cấp cứu. Biến chứng thường xảy ra trên những mắt có sẹo mổ quá bọng, mỏng, bệnh nhân thường thấy cộm nhiều.
Khi thấy tại mắt có nước chảy ra nhiều hơn bình thường thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được mổ vá lại sẹo. Nếu không xử trí kịp thời thì sẹo dò vỡ sẽ là con đường thông thương giữa môi trường bên ngoài và nội nhãn gây viêm nội nhãn.
-Phù hoàng điểm dạng nang: dấu hiệu là nhìn mờ. Biến chứng này chỉ cần điều trị nội khoa.
Chế độ theo dõi định kỳ
Để đề phòng biến chứng sau mổ, người bệnh cần đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ, khám ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường. Tuỳ theo từng trường hợp có mức độ điều chỉnh nhãn áp, có sự tiến triển của bệnh nặng hay nhẹ và đặc biệt những bệnh nhân có bệnh toàn thân phối hợp như tiểu đường, tim mạch mà đến khám sớm hay muộn, thường xuyên hay không.
Bệnh nhân đến khám được đánh giá chức năng thị giác bao gồm thị lực, thị trường, nhãn áp và các tổn thương thực thể trong đó quan trọng nhất là đầu dây thần kinh thị giác và lớp sợi thần kinh quanh gai thị.
Ngoài khám lâm sàng, bệnh nhân còn được làm các xét nghiệm cận lâm sàng như đo thị trường, chụp ảnh đáy mắt, chụp cắt lớp võng mạc, …Những kết quả đánh giá được lưu lại để tiện theo dõi ở những lần khám sau.
+ Những trường hợp không có tổn hại tiến triển của bệnh, nhãn áp điều chỉnh ( nhãn áp < 21mm Hg) thì chỉ cần khám lại từ 3 đến 6 tháng một lần.
+ Những trường hợp có nhãn áp tăng cao thì cần phải hạ nhãn áp bằng mọi cách, có thể bằng thuốc hay phẫu thuật.
+ Những trường hợp có nhãn áp thay đổi thất thường, đặc biệt đã có tổn hại tiến triển của bệnh thì cần phải có chế độ theo dõi thường xuyên, có thể phải nhập viện để theo dõi nhãn áp, cần thiết phải mổ lại.
+ Nếu qua nhiều lần đo, nhãn áp luôn ở mức điều chỉnh nhưng chức năng thị giác vẫn tiếp tục giảm sút thì bác sỹ sẽ xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số nhãn áp như: độ dày giác mạc trung tâm, chiều dài trục nhãn cầu…, hoặc mức nhãn áp đó chưa thực sự an toàn với bệnh nhân, cần thiết có thể phải hạ nhãn áp xuống thấp hơn.
Một nguyên nhân nữa là có thể là do ảnh hưởng của một số bệnh toàn thân Bệnh nhân cần phải khám phát hiện và điều trị các bệnh toàn thân liên quan.
BS CKII Tăng Hồng Châu
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…