Giảm loét da tại chỗ cho bệnh nhân
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối thường nằm một chỗ cho nên rất dễ bị loét ngoài da ở những điểm tỳ đè. Tình trạng loét kéo dài sẽ gây ra tình trạng đau, khó chịu cho bệnh nhân. Ngoài bị loét da, ở giai đoạn cuối bệnh nhân ung thư còn có nguy cơ dễ mắc phải các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi.
Để giảm nguy có bị viêm loét ngoài da, bệnh nhân ung thư cần phải tăng cường vận động thụ động tại chỗ cho bệnh nhân. Vận động thụ động có nghĩ là người nhà nên thường xuyên xoa bóp cho bệnh nhân. Cố gắng thay đổi tư thế cho bệnh nhân liên tục, nâng bệnh nhân ngồi dậy. Những cách làm đơn giản đó có thể giảm được tình trạng loét da tại chỗ ở bệnh nhân ung thư phải nằm nhiều.
Vận động thụ động giúp cho bệnh nhân nằm lâu giảm loét ngoài da, giúp cho bệnh nhân tăng cường trao đổi chất, dinh dưỡng.
Bác sĩ Thịnh cho hay: “Vận động thụ động chân tay cho bệnh nhân ung thư còn giúp tăng cường trao đổi chất, dinh dưỡng, tăng cường các sợi cơ để giảm loét điểm tỳ”.
Hiện nay, nhiều bệnh nhân ung thư thường dùng đệm nước để ngăn ngừa loét da do nằm nhiều. Bác sĩ Thịnh khuyến cáo, nằm đệm nước với người bình thường sẽ rất tốt nhưng đối với bệnh nhân hay bệnh nhân ung thư nằm tại chỗ thì không nên nằm đệm nước. Đệm nước thường được thiết kế có lớp trên bề mặt là ni lông cho nên khi bệnh nhân nằm nhiều ra mồ hôi sẽ không thể thấm hút được làm tăng nguy cơ bị trợt loét nhiều hơn.
“Bệnh nhân ung thư nằm lâu không nhất thiết phải đầu tư mua đệm nước đắt tiền, chỉ cần nằm trên mặt phẳng giường bình thường, mặc quần áo thấm hút mồ hôi tốt. Cách đơn giản và tốt nhất để để giảm loét cho bệnh nhân là người nhà nên tăng cường vận động thụ động cho bệnh nhân”, bác sĩ Thịnh nói.
Xử lý đúng cách
Loét điểm tỳ xảy ra ở các bệnh nhân nằm quá lâu. Mức độ loét được chia ra làm nhiều cấp độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ ở độ 1 trên da có những báo hiệu vết rộp màu hồng tổn thương, ở cấp độ 2 lớp da bị trầy hoặc rộp. Với những bệnh nhân bị loét độ 1 và 2 có thể chăm sóc tại nhà bằng cách rửa vết trầy bằng nước muối sinh lý, dùng gạc vô trùng lau nhẹ nhàng, bôi thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần phải tăng cường vận động tại chỗ cho bệnh nhân (xoa bóp, nâng bệnh nhân lên, thay đổi tư thế nằm).
Bác sĩ Thịnh cho hay, khi bệnh nhân ung thư xảy ra loét điểm tỳ cần phải xử lý đúng cách để tránh vết loét sẽ lan rộng hơn. Trong trường hợp cần thiết bệnh nhân bị loét sâu ở độ 3 và 4 cần đưa bệnh nhân tới các chuyên gia về chăm sóc giảm nhẹ chuyên khoa ung bướu để được hỗ trợ. Tại bệnh viện Ung bướu hà nội có dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại nhà.
Ngoài để ý tới vấn đề loét da thì việc chăm sóc giảm đau cho bệnh nhân ung thư cũng rất quan trọng và phải thực hiện ở mọi giai đoạn.
Việc chăm sóc giảm đau cho bệnh nhân ung thư phải thực hiện ngay từ lúc bệnh nhân tới khám, để bệnh nhân có sức khỏe điều trị bệnh. Đối với bệnh nhân ung thư ở giai đoạn 3-4 nếu đáp ứng điều trị chăm sóc sẽ giúp kéo dài được sự sống.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…