Bể bơi công cộng nếu không bảo đảm vệ sinh sẽ dễ trở thành nguồn lây bệnh.
Nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh
Theo các chuyên gia môi trường, những hóa chất thường dùng để tẩy sạch nước ở các bể bơi là: Clo, brom, iod, clo dioxit, axit hypoclorit và muối của nó, ozone, kali permanganate, hydro peroxit. Tuy nhiên trên thực tế, tại nhiều bể bơi đa số hàm lượng các chất hóa học trên đều vượt ngưỡng cho phép.
Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (giảng viên bộ môn Da liễu, trường ĐH Y Dược, TP.HCM), có 3 nhóm nguy cơ bệnh khi đi tắm hồ bơi, đó là: Trong nước hồ bơi có chất sát trùng, khi tiếp xúc có thể gây khô da, khô tóc, hoặc gây kích ứng da đối với một số người da nhạy cảm. Bên cạnh đó còn có nguy cơ mắc một số bệnh như đau mắt, mụn cóc, trùng roi… nếu nước hồ không được sát khuẩn tốt. Nếu tắm lúc trời đang nắng gắt, một số bệnh da như tàn nhang, nám, mụn, viêm da ánh sáng, lupus ban đỏ… có thể nặng thêm. Viêm da do nhiễm khuẩn có nguyên nhân do vi khuẩn sinh sống trong nước tại các bể bơi (vi khuẩn gram âm, trực khuẩn mủ xanh…) với biểu hiện là những tổn thương trên da như các nốt viêm, sưng nề, hóa mủ.
Khi đi bơi cũng có thể lây nhiễm một số bệnh như lỵ trực khuẩn, tiêu chảy cấp do E.Coli. Bệnh sẽ biểu hiện một hai ngày sau nhiễm vi khuẩn với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, mót rặn, phân nhày máu hoặc tiêu chảy. Tiêu chảy cấp cũng có thể do Giardia, một loại ký sinh trùng hay gặp trong nước bẩn. Bên cạnh đó, bệnh lý viêm dạ dày ruột cấp, viêm gan virut A cũng được cho là bệnh lý gặp ở người đi bơi.
Khi đi bơi, nước có thể vào các ống tai, làm ướt ống tai, tạo môi trường viêm nhiễm ở những ống tai có nhiều ráy tai hoặc các ống tai đã bị tổn thương trước đó. Tổn thương là các ổ viêm, gây đau nhức, ngứa ngáy khó chịu, có thể chảy nước vàng thậm chí cả mủ, ù tai, giảm thính lực nếu ổ viêm to che lấp ống tai ngoài và nhiều khi thương tổn có thể lan sâu vào phía trong.
Bệnh lý lây nhiễm qua đường sinh dục tiết niệu cũng nên được chú ý khi đi bơi. Ngoài ra, các bệnh lý khác như cơn hen phế quản (ở những người có cơ địa nhạy cảm với hóa chất), viêm phổi thùy (do hít sặc phải nước bể nhiễm khuẩn),… cũng có thể xuất hiện sau khi đi bơi.
Theo BS Đinh Doãn Thạch – Phó phụ trách Khoa Điều trị tổng hợp cơ sở 2 (BV Da liễu Hà Nội), dù các bể bơi được thay nước trung bình 2 lần/ngày nhưng nguy cơ mắc bệnh về da liễu là rất lớn. Bởi hầu như không có biện pháp nào để phân biệt giữa người mắc bệnh về da với người bình thường. Bệnh thường xuất hiện sau 5-7 ngày kể từ khi đi bơi với các biểu hiện ngứa, viêm loét, chảy nước, đau tại các vị trí tổn thương như kẽ chân, móng tay chân… Ngoài ra, một số hóa chất trong nước hồ bơi có đặc điểm hấp thu ánh nắng rất mạnh, dễ làm cho da bị đen sạm, bong da.
Về những nguy cơ này, PGS.BS Nguyễn Văn Thường-Giám đốc BV Da Liễu Trung ương cho hay: Tình trạng quá tải của bể bơi công cộng, nhất là trong những ngày nắng nóng, khiến cho lượng tế bào chết có trong nước nhiều. Đặc biệt thói quen xấu của một số người khi đi tiểu vào ngay trong nước bể bơi, khạc nhổ nước bọt bừa bãi càng khiến cho nước dễ bị ô nhiễm. Nguy hiểm nhất là những trường hợp người bị nấm da khi tắm tại bể bơi công cộng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.
Cách nào phòng bệnh?
Mỗi giờ bơi đều đặn tiêu thụ khoảng 800 Kcal, do đó nếu bơi khoảng 30-60 phút/ngày trong 3-4 tuần có thể giảm nguy cơ đột quỵ, tim mạch, tiểu đường, tăng cholesterol máu và tăng huyết áp. Bơi lội là nhu cầu không thể thiếu của rất nhiều người nhưng phải có biện pháp dự phòng sao cho vẫn thỏa mãn sở thích mà vẫn an toàn.
Để tránh mắc một số bệnh nguy hiểm tiềm ẩn trong bể bơi, BS Nguyễn Văn Thường khuyến cáo đối với những trường hợp thường xuyên đi tắm bể bơi công cộng cần phải chọn những bể bơi đã được chứng nhận. Tuyệt đối không nên tắm tại những bể bơi khi thấy nước đục, ghét nổi lềnh bềnh. Do là bể bơi công cộng nên xây dựng ý thức chung cho mọi người là rất khó. Tuy nhiên, người mắc các bệnh về da thì cũng không nên đi tắm để tránh phát tán bệnh cho cộng đồng. Đi bơi tại bể bơi công cộng sau khi lên bờ cần tắm gội sạch sẽ và mang theo quần áo sạch để thay. Sau khi đi bơi cần vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước sạch với dầu gội, sữa tắm trung tính. Sau khi bơi da dễ bị khô, người đi bơi nên dùng các loại kem giữ ẩm để chống khô da.
“Không ít người có thói quen bơi xong để nguyên quần áo ướt như thế về nhà mới tắm lại. Điều này rất có hại, nên tắm ngay bằng nước sạch với dầu gội, sữa tắm dưỡng ẩm. Khi đã mắc viêm da sau bơi cần đi khám da liễu và mua thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chứ không nên tự ý bôi thuốc, có thể khiến bệnh diễn tiến nặng hơn”- BS Đinh Doãn Thạch khuyến cáo.
Với trẻ em, theo BS Trần Văn Nam- Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trẻ được tiếp xúc sớm và thường xuyên với môn bơi lội có rất nhiều tác dụng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý không nên ngâm nước lâu quá trên 30 phút cho trẻ dưới 5 tuổi và trên 60 phút cho trẻ trên 5 tuổi. Khi đi bơi, trẻ cũng hay mắc một số bệnh thường gặp như da liễu, viêm tai, mũi, họng, bệnh về mắt… Để tránh cho trẻ mắc những bệnh này, BS Nam khuyến cáo tốt nhất chỉ cho trẻ bơi trong thời gian vừa sức, uống nước đầy đủ.
Về phía các cơ quan quản lý bể bơi, cũng nên đảm thay nước thường xuyên, không nên lạm dụng hóa chất sát khuẩn nước,… Đồng thời, nên chủ động lấy các mẫu nước ở bể bơi để xét nghiệm kiểm tra nồng độ hóa chất, nuôi cấy hoặc soi tươi tìm vi khuẩn, nấm… định kỳ thường xuyên để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho người đi bơi.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, thời gian này bệnh đau mắt đỏ trong cả nước đang bắt đầu gia tăng và đây là bệnh rất phổ biến trong mùa Hè. Theo thông tin từ Bệnh viện Mắt Trung ương, mấy ngày gần đây, mỗi ngày có khoảng hơn 100 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân tại bệnh viện. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Mầm bệnh đau mắt đỏ có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Đặc biệt dễ lây trong môi trường nước. |
Phương Mai
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…