Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây qua đường hô hấp, nếu chưa có miễn dịch, tiếp xúc với người bệnh sẽ lây. Điều quan trọng là dễ nhầm với bệnh viêm họng thông thường.
3 người chết vì bạch hầu
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong sáng ngày 13/7, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 3 bệnh nhân tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Trong đó, 2 trẻ có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu và đang được điều trị tích cực tại khu vực cách ly đặc biệt, 1 trẻ còn lại đang có dấu hiệu lâm sàng nghi nhiễm bệnh cũng đang được theo dõi.
Cũng tại khu vực này đã có 3 trường hợp tử vong nghi nhiễm bệnh bạch hầu, tất cả đều nhập viện tại cơ sở y tế địa phương trong tình trạng sốt, ho, khó thở và tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng nhận định, đây có thể là ổ dịch bạch hầu và yêu cầu Sở Y tế Bình Phước phải tìm ngay các biện pháp để chống dịch và cho người dân uống thuốc dự phòng.
Bác sĩ Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: một trong những nguyên nhân dẫn đến bùng phát bệnh bạch hầu tại Bình Phước có thể liên quan đến vấn đề tiêm phòng.
Điều tra dịch tễ cho thấy, hầu như những trường hợp bị bệnh này không tiêm nhắc lại, khi bị bệnh sẽ lây nhiễm trong cộng đồng.
Viện Pasteur TP.HCM kết hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã đến hiện trường điều tra dịch tễ, phát hiện thêm 26 trường hợp nghi nhiễm bệnh bạch hầu và kết quả xét nghiệm có 4 trường hợp dương tính.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.
Bạch hầu là bệnh lây truyền từ người sang người và từ người không triệu chứng (những cá nhân đang bị nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng) bị nhiễm bệnh.
Vi khuẩn truyền qua đường hô hấp qua dịch tiết hô hấp trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi họng bị nhiễm bệnh hoặc vết thương trên da.
Khi bạch hầu hô hấp tiến triển, người bệnh có thể phát triển màng dày dính cổ điển màu xám hình thành trên các mô niêm mạc của amiđan, họng và/hoặc khoang mũi.
Khi màng dày này lan vào thanh quản và khí quản có thể dẫn đến tắc nghẽn đường thở gây nghẹt thở và tử vong.
Các biểu hiện toàn thân của bệnh bạch hầu gây ra bởi những tác động của độc tố bạch hầu và tiếp theo nó tác động đến các cơ quan khác cách xa khu vực ban đầu của nhiễm trùng.
Cơ quan thường bị ảnh hưởng bao gồm tim và hệ thống thần kinh, dẫn đến những biến chứng như viêm tim (cơ tim), nhịp tim và rối loạn dẫn truyền, yếu cơ, tê (thần kinh), và thay đổi thị lực.
Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh chỉ xuất hiện một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Ông Phu lý giải việc quay trở lại của dịch bệnh bạch hầu ở Bình Phước là do dịch bệnh này vẫn tồn tại ở nước láng giềng, đồng thời, khả năng miễn dịch cộng đồng chưa tốt tại vùng có bà con dân tộc sinh sống.
Năm ngoái, dịch bạch hầu cũng xảy ra ở Quảng Nam và chúng ta đã khoanh dịch tốt.
Cần đến viện ngay
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết biểu hiện của bệnh bạch hầu ban đầu là sốt, ho, khàn tiếng, sau đó nổi các mảng trắng ở vùng hầu – họng, nếu nhìn bên ngoài có thể thấy sưng hạch ở cổ.
Tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa khi các mảng trắng lan rộng, làm tắc đường thở; ngoài ra, nội độc tố bạch hầu cũng sẽ bị phóng thích gây viêm cơ tim, dẫn đến suy hô hấp, sốc tim và tử vong.
Tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhưng thường gặp hơn ở trẻ em 3-4 tuổi trở lên. Ở người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ hội bệnh tự khỏi có thể lên tới 60%-70%, trong khi ở trẻ em thì bệnh thường nặng và khó tự khỏi hơn.
Nếu đã dẫn đến biến chứng nặng như tắc đường thở hay viêm cơ tim thì rất khó cứu. Để phòng chống bệnh chỉ có cách duy nhất là tiêm phòng để tăng miễn dịch phòng bệnh.
Hiện nay cái khó của bệnh để người dân quan tâm hơn đó là các triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu có thể tương tự như của một nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo khi có những triệu chứng đau họng nghiêm trọng hoặc không có khả năng nuốt, cổ sưng, khó thở, tức ngực, cực kỳ suy yếu và tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bạch hầu, sốt là phải đến cơ sở y tế ngay.
Bạch hầu không phải là bệnh có thể được quản lý ở nhà. Trường hợp đã nghi ngờ là bệnh bạch hầu nên nhập viện kịp thời.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: TTOnline
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…