Hàng loạt nguy cơ từ thực phẩm bị nhiễm độc
Với mong muốn góp phần ngăn chặn bệnh ung thư quái ác ngày càng tràn lan và đe dọa mạng sống của người dân, chúng tôi có cuộc trao đổi với BS CKII. Trần Thị Anh Tường (Phó khoa Dinh dưỡng, bệnh Ung Bướu TP.HCM).
Nói về nguy cơ độc hại từ việc thị trường thực phẩm chứa nhiều chất hóa học, thuốc bảo quản, bác sĩ Tường chỉ rõ: “Theo khuyến cáo của thế giới khi sử dụng những thức ăn có dư lượng chất hóa học, thuốc bảo quản thực vật, động vật quá mức cho phép sẽ khiến cho người tiêu dùng đối diện với nguy cơ bệnh tật rất cao”.
Người dân lo ngại về chất lượng thực phẩm trên thị trường hiện nay.(Ảnh Internet)
Cụ thể, nếu ăn phải thức ăn có đậm độ các chất độc hại, người dân có thể bị ngộ độc cấp với biểu hiện tiêu chảy, ói mửa, nhức đầu, hoa mắt, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Điều đáng nói hơn là việc tích tụ chất độc theo năm tháng chính là yếu tố gây ra các căn bệnh về ung thư cho người tiêu dùng.
Thực phẩm bị nhiễm độc có thể làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới, tăng tỉ lệ hiếm muộn của các cặp vợ chồng trong tương lai sắp tới. Không chỉ vậy, với những phụ nữ mang thai bị phơi nhiễm các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu đặc biệt trong 3 tháng đầu sẽ làm tăng khả năng dị tật thai nhi. Đồng thời, nguy cơ bệnh tự kỷ, ung thư trẻ sinh ra cũng cao hơn. Đối với trẻ em khi ăn phải thức ăn chứa các loại hóa chất độc hại có thể có biểu hiện thần kinh như hội chứng tăng động.
Ăn như thế nào để ngăn ngừa ung thư?
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng, chế biến và chuyên chở thực phẩm, việc giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức cho những người có “thói quen” sử dụng những độc chất này rất quan trọng. Bác sĩ Tường khuyến cáo đừng vì lợi ích trước mắt của cá nhân mà sử dụng quá mức các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, “phù phép” cho thực phẩm kém chất lượng rồi tung ra thị trường. Quan trọng hơn, người tiêu dùng cần thận trọng trong việc chọn lựa và chế biến thực phẩm nhất là khi nuôi dưỡng trẻ em. Bản thân người tiêu dùng đừng ham mê hình thức quá hoàn hảo của thực phẩm, đừng mua trái cây trái vụ. Đặc biệt, cần phải biết được những loại thực phẩm dễ có hóa chất để cẩn thận hơn trong chế biến.
Thực phẩm thường có dư lượng thuốc trừ sâu nhiều như dâu, táo, nho, đào, mãng cầu, các loại quả còn xanh, ớt chuông, dưa chuột, rau cải… Những thực phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu ít hơn như trái bơ, thơm, xoài, kiwi, dưa hấu, đu đủ, bưởi, chuối… Khi chế biến, đối với những loại thực phẩm dễ bị nhiễm độc thì cần tách trái ra khỏi chùm để rửa. Phải rửa dưới vòi nước ít nhất 3 lần hoặc ngâm rửa với nước muối, nước giấm loãng trong vòng 15 phút. Đối với những thực phẩm ít hóa chất hơn nếu có vỏ thì nên rửa bằng bàn chải mềm dưới vòi nước.
Bác sĩ Tường Vy cho rằng, người dân cần tìm mua những thực phẩm tin cậy, có chất lượng tốt để ngăn ngừa ung thư.
Nói về việc lựa chọn các loại thực phẩm, bác sĩ Tường chia sẻ: “Nên đến chỗ bán tin cậy, mua sản phẩm có nhãn mác và chứng nhận. Tốt hơn mua nông phẩm trồng theo phương pháp sạch. Những thực phẩm hữu cơ “organic” theo nguyên tắc là những thực phẩm được trồng và lưu giữ không có thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản. Do đó, nếu có điều kiện thì người dân nên lựa chọn những thực phẩm này ăn nhằm ngăn chặn tình trạng mắc phải bệnh ung thư”.
Theo Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), để phòng ngừa ung thư chúng ta cần: ổn định cân nặng, không để béo phì cũng như suy dinh dưỡng. Nếu trường hợp đã bị béo phì thì chúng ta cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện để có cân nặng theo chuẩn (BMI từ 19-23.9). Tránh những thức ăn giàu năng lượng, thức ăn chế biến sẵn. Chọn những thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc đã được tinh luyện, chẳng hạn như gạo nâu thay cho gạo trắng, dầu thực vật thay cho mỡ động vật, hạn chế thịt đỏ. Người dân cần tăng khẩu phần ăn rau và trái cây trong ngày với nhiều chủng loại, màu sắc, nhiều cách chế biến, trung bình khoảng 500g/ngày, hạn chế đồ uống có cồn.
Cùng với chế độ ăn uống hợp lí thì người dân cần phải kết hợp với việc luyện tập thể lực. Bác sĩ Tường giải thích: “Việc tập thể dục phải được ít nhất là 150 phút/tuần; vận động cường độ vừa tương đương với đi bộ nhanh. Đối với trẻ thanh thiếu niên thì việc vận động phải nhiều hơn, tối thiểu là 60 phút/ngày. Giảm thời gian xem tivi, chơi game, thiết bị điện tử khác để dành thời gian cho các hoạt động tiêu tốn năng lượng như làm việc nhà, làm vườn. Năng động hơn trong công sở như đi cầu thang bộ thay cho thang máy, tranh thủ đi bộ nhiều hơn”.
Từ những chia sẻ nói trên, bác sĩ Tường cho rằng, nếu thực hiện tốt chế độ ăn uống, luyện tập thể dục, không hút thuốc lá thì bản thân mỗi người đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỉ lệ mắc phải và tử vong do ung thư.
Phạm Thị
(Theo Congluan)
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…